Miền Trung mong đợi khách quốc tế
Hai năm phải đóng cửa với khách quốc tế, du lịch miền Trung đã phải chịu những thiệt hại lớn. Khi Việt Nam mở cửa đón lại dòng khách này trong bối cảnh “bình thường mới”, những hi vọng, kỳ vọng về một sự khởi sắc đang được nhen nhóm trở lại.
Khánh Hòa: tự tin
Sau 2 năm sụt giảm nghiêm trọng vì đại dịch, du lịch Khánh Hòa đang khởi sắc trở lại. Ba tháng cuối năm 2021, lượng du khách đến Khánh Hòa đạt gần 122.000 lượt, trong đó có gần 4.600 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 450 tỷ đồng. Trong kỳ nghỉ Tết 9 ngày, tỉnh đón khoảng 95.600 lượt khách nội địa và 3.000 lượt khách quốc tế; công suất buồng phòng đạt hơn 72%. Tổng doanh thu đạt khoảng 524,3 tỷ đồng.
Ảnh: Shutterstock
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, từ những thành công trong việc mở cửa trở lại của thị trường khách du lịch nội địa và thí điểm đón khách quốc tế từ giữa tháng 11/2021, ngành du lịch địa phương đã sẵn sàng để mở cửa hoàn toàn.
“Trong quá trình khôi phục lại hoạt động du lịch nội địa và quốc tế, chúng tôi xác định sẽ khôi phục có lộ trình, giải pháp từng bước, trong đó thị trường nội địa vẫn giữ vai trò chủ lực”, bà Thanh nói.
Những thị trường có lượng khách quốc tế lớn đến Khánh Hòa sẽ được địa phương ưu tiên phục hồi, cùng với đó mở rộng thu hút khách từ một số thị trường nhiều tiềm năng khác. Việc triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu và duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp chất lượng, tính độc đáo, mang tính đặc thù du lịch của thành phố biển sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi ngay trong năm 2022 và phát triển vào những năm tiếp theo.
Ảnh: Shutterstock
“Ngành du lịch sẽ phối hợp với các hãng hàng không xây dựng chương trình hợp tác để thiết lập một số đường bay mới, kết nối Khánh Hòa với các điểm du lịch trên thế giới nhằm mở rộng mạng lưới giao thông, kết nối du lịch”, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa thông tin.
Năm 2022, Khánh Hòa đặt mục tiêu đón hơn 1,2 triệu lượt khách, trong đó có 1,16 triệu lượt khách nội địa và 40.000 lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng.
Đà Nẵng: đổi mới
Đà Nẵng trong những năm gần đây luôn là điểm đến rất được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Một vùng đất nhỏ, nhưng đủ lợi thế với núi, biển cùng các địa danh nổi tiếng khác. Quan trọng hơn, nơi đây là trung tâm trong tuyến du lịch miền Trung.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn. Ảnh: Shutterstock
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết trong năm 2022, ngành du lịch Đà Nẵng đã xác định lại thị trường khách quốc tế và xu hướng đi du lịch của họ để kịp thời điều chỉnh và đưa ra các kế hoạch marketing cùng các sản phẩm du lịch phù hợp cho bối cảnh mới này.
Mục tiêu trong ngắn hạn của Đà Nẵng vẫn sẽ là duy trì những thị trường lớn thông qua việc đánh giá chính xác những thay đổi hành vi cũng như mức độ sẵn sàng du lịch của khách, từ đó xây dựng những kế hoạch xúc tiến quảng bá hiệu quả, thu hút lại những luồng khách quan trọng này.
Cầu Vàng Đà Nẵng trên đỉnh Bà Nà Hill. Ảnh: Shutterstock
Ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến đưa ra hai kịch bản phục hồi trong năm 2022. Kịch bản 1: đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó 180.000 lượt khách quốc tế, 3,32 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 6.700 tỉ đồng. Kịch bản 2: đón 2,1 triệu lượt khách, trong đó 100.000 lượt khách quốc tế, 2 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 4.000 tỉ đồng.
Huế: thân thiện, an toàn
Thừa Thiên Huế có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên với núi rừng, sông, đầm phá và biển. Trước ngày mở cửa du lịch hoàn toàn, địa phương đã có những bước chạy đà cơ bản. Cuộc du xuân trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua của khách trong và ngoài tỉnh đã nhen nhóm hy vọng cho những người làm du lịch nơi đây.
Vẻ đẹp bình dị của hệ đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, kỳ vọng ngành du lịch tỉnh nhà sẽ sớm bắt nhịp và ổn định lại sau hai năm dịch bệnh. Du lịch Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch quảng bá hình ảnh, những giá trị nhân văn của vùng đất này trên các phương tiện truyền thông và đặc biệt là thông điệp: Huế một điểm đến thân thiện, an toàn.
Ngoài Festival bốn mùa với chuỗi các sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra quanh năm, ngành du lịch địa phương cũng sẽ tập trung vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Các điểm di tích Huế sẵn sàng đón khách quốc tế. Ảnh: Lê Đình Hoàng
Để nhanh chóng bắt nhịp trở lại, sở Du lịch tỉnh đã đề xuất việc giảm tiền điện nước, thuế cho các khu du lịch, khách sạn…, đồng thời có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân lực để khắc phục vấn đề thiếu hụt nhân sự.
“Cũng chưa đặt nhiều kỳ vọng lớn vào năm 2022 khi mở cửa trở lại, nhưng tôi tin nếu làm tốt, du lịch Thừa Thiên Huế và cả nước sẽ phục hồi và phát triển nhanh chóng trong năm tới”, Giám đốc sở Du lịch Thừa Thiên Huế nói.
Quảng Bình: trải nghiệm mới mẻ
Là một trong nhưng địa phương được đánh giá cao về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch của Quảng Bình chủ yếu khai thác và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Theo ông Đặng Đông Hà, phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, với cơ hội đón khách quốc tế, du lịch Quảng Bình tiếp tục truyền thông giới thiệu các sản phẩm du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên, tiến tới mục tiêu định vị Quảng Bình là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam và là trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Châu Á.
Á hậu Hoàng My khám phá hang Tiên, Quảng Bình. Ảnh: Hải An
Bên cạnh đó, với lợi thế về giá trị văn hóa lịch sử và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như đường bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp, hải sản tươi ngon…, Quảng Bình hiện có các loại hình du lịch hấp dẫn, hứa hẹn thu hút dòng khách quốc tế như du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử…
Việc mở cửa hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới từ ngày 15/3/2022 sẽ là tín hiệu tích cực, là cơ hội để phục hồi, tăng trưởng và phát triển ngành du lịch Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung. Trong năm 2022, ngành du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách, trong đó, số lượng khách quốc tế là 10.000 lượt khách.
“Chỉ tiêu đặt ra là như thế nhưng điều du lịch Quảng Bình mong muốn hơn cả là đón du khách quốc tế quay trở lại để đem đến trải nghiệm mới mẻ với tiêu chí hàng đầu là đảm bảo an toàn, sức khỏe và thoải mái”, ông Hà nhấn mạnh.
Một trong những vấn đề đặt ra đó là thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, sau ngày mở cửa, ngành di lịch cũng gặp khó...