Miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 đang có xu hướng giảm
Cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 và thực trạng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm, người dân cần cảnh giác để tự bảo vệ mình.
Những người chưa tiêm đủ vắc xin cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tiêm. Ảnh: HDCD.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong ngày 19/4, có 2.159 ca mắc COVID-19 mới, 209 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chưa ghi nhận ca tử vong. Sau 2 ngày ở mức hơn 1.000 ca mắc mới/ngày, đây là số ca mắc cao nhất chạm mốc 2.000 ca/ngày trong hơn nửa năm qua.
Tình hình số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh cũng đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể: Trong tuần 15, thành phố ghi nhận 33 ca xác định COVID-19, tăng hơn 6 lần so với trung bình bốn tuần trước đó.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh, hầu hết đều có miễn dịch – do vắc xin hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này đã bảo vệ làm cho các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Riêng nhóm người có nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) cần được tiêm đủ 4 mũi bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong khi nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV2 .
Mặc dù số ca mắc COVID-19 nhập viện điều trị tại TP. HCM hiện bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ nhưng hầu hết tập trung ở người cao tuổi. Cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 và thực trạng miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm (từ 98,7% người dân Thành phố có miễn dịch với SARS-CoV-2 vào tháng 9/2022 nay giảm xuống còn 94,2%), việc tăng cường vận động người dân đi tiêm vắc xin các liều bổ sung để duy trì miễn dịch cộng đồng ở mức cao, trong đó đặc biệt tập trung cho nhóm người có nguy cơ cần được triển khai. Sở Y Tế TP.HCM đã tham mưu UBNDTP kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.
Trước tình hình số ca mắc mới, ca nhập viện do COVID-19 tăng nhẹ trở lại, người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin. Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thường xuyên khử khuẩn nhất là vệ sinh tay và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ.
Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội, lao động sản xuất, học tập…. những người sống chung nhà có thể mang mầm bệnh về lây nhiễm cho những người thân thuộc nhóm người có nguy cơ, Vì vậy, để bảo vệ người thân của mình – là người thuộc nhóm nguy cơ, ý thức phòng bệnh của người thân, người chăm sóc cùng sống chung trong nhà cũng rất quan trọng. Khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chẩn đoán điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.
Cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ dài cuối tháng 4, sự gia tăng đi lại, giao lưu, tiếp xúc sẽ có nguy cơ làm mức độ lây nhiễm COVID-19 tăng cao. Ngành Y tế kêu gọi người dân không hoang mang nhưng cũng không lơ là chủ quan, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19, có ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.