“Không một nước nào mở cửa du lịch mà bắt cách ly tập trung”
Người Việt Nam và người nước ngoài đã tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính, muốn vào Việt Nam phải xin phê duyệt và phải cách ly tập trung. Điều này là một rào cản và có phần vô lý.
Đó là phát biểu của ông Lương Hoài Nam - thành viên tổ tư vấn du lịch, tại tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" do Báo Thanh Niên tổ chức.
Du lịch nước ngoài: đi dễ khó về
Theo ông Nam, khi tỷ lệ tiêm vaccine ở địa phương đã đủ cao, nên không còn giải pháp nào khác mạnh hơn để chờ đợi mới có thể mở cửa du lịch. Như TP.HCM hay Hà Nội tỷ lệ tiêm vaccine còn cao hơn Mỹ, cao hơn châu Âu, gần bằng Singapore... Như vậy còn chờ gì nữa mà chưa mở cửa ngành du lịch vì đến nay vaccine là công cụ mạnh nhất để thích nghi, để làm ăn, để phát triển theo Nghị quyết của Chính phủ.
Ông Lương Hoài Nam cho rằng, đến nay chỉ có khoảng 300 - 400 du khách nước ngoài đến Việt Nam từ chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine du lịch. Kết quả đạt được quá khiêm tốn nguyên nhân do các điều kiện áp dụng chung chưa hấp dẫn, còn nhiều rào cản.
“Trong khi như châu Âu, Mỹ đã mở cửa hoàn toàn, ai cũng được vào miễn là đã tiêm vaccine. Nhiều người Việt Nam đi châu Âu, Mỹ không gặp khó khăn gì. Hay như Dubai mở cửa hoàn toàn từ tháng 8/2021 khi chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR, không yêu cầu chứng chỉ vaccine. Nước láng giềng Thái Lan cũng mở cửa cho người đã tiêm vaccine đến từ 63 quốc gia với chính sách visa như trước dịch bệnh. Thậm chí như Campuchia mở cửa cho người đã tiêm vaccine đến từ tất cả các quốc gia trên thế giới... Điều đáng nói, không có một nước nào mở cửa du lịch mà bắt cách ly tập trung trong khi Việt Nam bắt cách ly tập trung. Người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì dễ nhưng trở về Việt Nam lại khó khăn”, ông Nam phát biểu.
Toàn cảnh tọa đàm
Bên cạnh đó, việc hành khách nội địa đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính không cần xin phép di chuyển, đến nơi không phải cách ly. Nhưng đối với người Việt Nam và người nước ngoài đã tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính, muốn vào Việt Nam phải xin phê duyệt và phải cách ly tập trung. “Điều này là một rào cản và có phần vô lý"- ông Nam nhấn mạnh.
Từ những thực tế trên ông Nam đề nghị cần tạo điều kiện ngay lập tức cho mọi công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước không cần phải thông qua bất kỳ thủ tục xét duyệt nào, bằng các chuyến bay thường lệ của các hàng hàng không nước ngoài đang bay đến Việt Nam. Nhanh chóng cho phép các hãng hàng không Việt Nam mở lại các đường bay thường lệ quốc tế thay thế các chuyến bay hồi hương.
Không bắt buộc cách ly tập trung hành khách người Việt Nam nếu đã tiêm đủ liều vaccine (hoặc đã bị nhiễm Covid-19 và hồi phục), có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ trước khi bay. Trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng người lớn không cần có chứng chỉ vaccine. Chính sách này cần gấp, vì Tết Nguyên đán của Việt Nam đã cận kề.
Thứ hai, đối với các đối tượng khách nước ngoài vào Việt Nam không vì mục đích du lịch, bao gồm khách công vụ, giới đầu tư, kinh doanh, các chuyên gia, lao động cao cấp của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi như đối với công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước (tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực cấp cao).
Thứ ba, đối với khách du lịch nước ngoài, đề nghị áp dụng các chính sách như của Thái Lan. Đặc biệt, đề nghị áp dụng các chính sách visa như trước Covid-19 (Thái Lan không thay đổi chính sách visa so với trước Covid-19). Không bắt buộc mua tour trọn gói (vé máy bay và đặt phòng khách sạn trong danh sách các khách sạn được phê duyệt là đủ).
Trước mắt nên áp dụng cho 6 sân bay là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vân Đồn, Cam Ranh, Phú Quốc. Khi đến Việt Nam có thể nối tour, di chuyển nội địa thì áp dụng các quy định di chuyển nội địa.
Không thể chậm trễ hơn nữa
Cũng tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, ngành du lịch hiện như người bệnh nặng, nếu uống thuốc trễ thì dù tốn tiền nhưng cũng vô dụng. TS Trần Du Lịch cho rằng, hiện nay cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19 hay không. “Chủ trương mở nhưng thực tế vẫn siết, vẫn ràng buộc nhiều rào cản là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong tất cả các ngành, không chỉ riêng du lịch”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Trần Du Lịch cho rằng không còn thời gian để chần chừ mở cửa du lịch
Cũng theo ông Lịch, điều kiện quan trọng nhất để mở cửa du lịch là mở cửa hàng không. Hàng không và du lịch là 2 phạm trù song đôi, không thể mở 1 nửa. Nếu hàng không cứ bay charter như hiện nay thì đừng bàn mở cửa du lịch. Nếu đã mở du lịch, không thể sợ hãi mở hàng không, mở đường bay thương mại quốc tế.
"Mở cửa du lịch, không còn thời gian để chần chừ. Phải có giải pháp mạnh, đồng bộ ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải quốc tế, hàng không để phục hồi ngay trong mùa tết sắp tới. Nếu muốn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chậm hơn nữa" – ông Lịch nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, hệ lụy từ việc chậm trễ hồi phục du lịch là rất lớn. Không thể chần chừ thêm việc mạnh dạn...