Nếu du lịch "chết" thì ngân hàng liệu có yên?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo các chuyên gia, hệ lụy từ việc chậm trễ hồi phục du lịch là rất lớn. Không thể chần chừ thêm việc mạnh dạn mở cửa du lịch.

Sáng 7/12, Báo Thanh Niên phối hợp Tổng cục Du lịch Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm chủ đề "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế".

Sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh, đặc biệt là đối phó với lần bùng phát thứ 4 vừa rồi với biến thể Delta, kinh tế Việt Nam đã có quý tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ khi tính GDP theo quý. Chấp nhận hy sinh tăng trưởng để bảo vệ sự an toàn, tính mạng cho người dân, Việt Nam đã kiểm soát được dịch, phủ vắc xin ở nhiều tỉnh thành và chuyển sang trạng thái "sống chung với Covid-19". Một chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế cũng đang được Chính phủ xây dựng với những giải pháp đột phá để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hậu Covid-19.

Lĩnh vực được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để phục hồi kinh tế là mở cửa du lịch. Thế nhưng, đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ cho phép 5 tỉnh đón khách quốc tế, chưa mở lại đường bay quốc tế, nhiều địa phương vẫn áp dụng quy định cách ly nghiêm ngặt...

Nếu du lịch "chết" thì ngân hàng liệu có yên? - 1

Toàn cảnh buổi tọa đàm chủ đề "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" sáng 7/12

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết thời điểm hiện tại, dù đã mở cửa du lịch nhưng đến 20/11, Việt Nam chỉ có 5 địa phương được phép đón khách quốc tế với số lượng rất hạn chế. Riêng TP.HCM đã đề xuất với Chính phủ cho phép đón khách quốc tế từ đầu tháng 12 nhưng vẫn chưa được phê duyệt, bay quốc tế cũng được chưa được mở nên khách hết sức hạn chế, nhiều địa phương vẫn ra các quy định riêng về cách ly và phòng dịch. Những rào cản này khiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành tiến thoái lưỡng nan. Lúc chưa mở thì đã khổ, bây giờ mở rồi thì lại càng khổ hơn. Đó là lý do báo Thanh niên tổ chức buổi tọa đàm. 

Nếu du lịch "chết" thì ngân hàng liệu có yên? - 2

Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập báo Thanh Niên phát biểu khai mạc tọa đàm

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch TP.HCM cho hay, Thành phố đã trải qua thời gian đại dịch năm 2021 khá dài, chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kể từ ngày 1/10, TP.HCM đã ban hành chương trình phục hồi kinh tế, trong đó ngành du lịch là ngành đầu tiên được chú trọng phục hồi theo 3 giai đoạn. 

“Giai đoạn thứ nhất là khôi phục du lịch nội bộ trong Thành phố. Thứ hai là mở rộng ra các tỉnh vùng xanh, điểm đi và đến là một hành trình khép kín an toàn, đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch. Giai đoạn cuối cùng là tổng khôi phục kinh tế, đón khách quốc tế”, bà Thắng nói.

Nếu du lịch "chết" thì ngân hàng liệu có yên? - 3

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết Thành phố đã ban hành chương trình phục hồi kinh tế, trong đó ngành du lịch là ngành đầu tiên được chú trọng phục hồi theo 3 giai đoạn

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện ngành du lịch đang thực hiện theo đúng lộ trình và ở giai đoạn 2 và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tạo ra sức sống mới cho ngành đang rất khó khăn, tạo niềm tin để doanh nghiệp trụ vững và tiếp bước, phần nào lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời hiệu quả rõ nhất trong giai đoạn đầu phục hồi của ngành du lịch TP.HCM là đóng góp hiệu quả vào sự phục hồi kinh tế trước mắt, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. 

Để có được một số kết quả đó phải kể đến kế hoạch phục hồi ngành được Tổng cục Du lịch ban hành ngay từ tháng 9 làm tiền đề cho Sở phải tính tới kế hoạch phục hồi ngành ngay khi TP.HCM kiểm soát được dịch. Cũng trong tháng 9 khi Bí thư Thành ủy TP.HCM đã quyết định mở tuyến du lịch về Cần Giờ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tuy nhiên, nhu cầu đi du lịch sau dịch bệnh và tâm lý của du khách bị ảnh hưởng nhiều, ngần ngại khi chọn đi du lịch dù các đơn vị tổ chức theo quy trình an toàn. Chính những người làm du lịch cũng có tâm lý e dè khi nhiều khu du lịch vẫn chưa mở cửa trở lại. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành nhưng vẫn còn nhiều địa phương có quy định khác nhau đã ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tour - tuyến của công ty du lịch. Hay quy trình xử lý ca F0 cũng khác nhau khiến công ty lữ hành không tự tin khi tổ chức tour do ảnh hưởng đối với khách làm mất niềm tin của khách hàng vì không đúng như cam kết.

Do vậy cần đẩy mạnh thêm hoạt động truyền thông, lan tỏa chính sách tổ chức an toàn hơn nữa để tạo tâm lý an tâm hơn cho khách du lịch. Cần khuyến khích các khu du lịch trọng điểm mở cửa mới tạo sự lan tỏa cho các dịch vụ xung quanh.

Nếu du lịch "chết" thì ngân hàng liệu có yên? - 4

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận định nhu cầu đi du lịch sau dịch bệnh và tâm lý của du khách bị ảnh hưởng nhiều, ngần ngại khi chọn đi du lịch dù các đơn vị tổ chức theo quy trình an toàn

“Các địa phương cần nghiên cứu tổ chức một cách đồng bộ theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đồng thời, kiến nghị Tổng cục Du lịch có hướng dẫn chung cho các đơn vị quản lý ngành ở các địa phương. Cần kiến nghị thêm các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư như về thuế, đất... để doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển các điểm du lịch hơn nữa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch xứng tầm hơn giúp tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. TP.HCM mong muốn Trung ương sớm cho phép TP.HCM được mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine trong thời gian tới để góp phần phục hồi kinh tế”, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nói.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, ngành du lịch hiện như người bệnh nặng, nếu uống thuốc trễ thì dù tốn tiền nhưng cũng vô dụng. Những điểm du lịch náo nhiệt giờ chỉ còn là khung cảnh tiêu điều, không có sức sống. Có nhiều quan điểm cho rằng trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, ngành du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, sau khi tháo chốt sẽ có khả năng tự phục hồi. Thế nhưng theo ông Lịch, những chiếc lò xo đã liệt thì dù có buông, không đè cũng không thể phục hồi nổi.

Có thể chia các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh làm 3 loại: Thứ nhất là các doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường - nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên. Thứ hai là nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất 1 phần thị trường nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi, có thể phục hồi được. Thứ ba là nhóm đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện để tiếp tục vay vốn. Trong 3 nhóm này, ngành du lịch phần lớn ở nhóm 2 và nhóm 3, chỉ có số ít ở nhóm 1 nên khả năng tự phục hồi gần như không thể.

Nếu du lịch "chết" thì ngân hàng liệu có yên? - 5

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng ngành du lịch hiện nay như những chiếc lò xo đã liệt thì dù có buông, không đè cũng không thể phục hồi nổi

"Ngành công nghiệp du lịch liên quan tới rất nhiều ngành. Trong 3 lĩnh vực lưu trú, lữ hành và vận tải thì lưu trú phát triển rất mạnh, tổng vốn đầu tư rất lớn. Hàng loạt chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ không thể vực dậy vì du lịch bất động. Họ chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nếu họ "chết" thì ngân hàng có yên? Nói vậy để thấy hệ lụy từ việc chậm trễ hồi phục du lịch là rất lớn. Không thể chần chừ thêm việc mạnh dạn mở cửa du lịch" - ông Lịch nhận định.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An - Hữu Long

CLIP HOT