Đúng lúc cần tăng tốc, ngành du lịch lại “khát” nhân lực
Để đạt được mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch Việt Nam đã “gỡ nút thắt” visa để mở đường tăng tốc và phát triển. Tuy nhiên, ngành vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân lực có chuyên môn...
Ảnh minh họa.
Đánh giá về nhu cầu nhân lực, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết hiện nay, ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025, riêng tổng cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu. Như vậy, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
DOANH NGHIỆP ĐANG XOAY SỞ MỌI CÁCH
Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết Việt Nam nằm trong top những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất do đại dịch Covid-19. Lực lượng lao động có thâm niên 5 - 10 năm đã chuyển nghề là 44%, lao động sau đại học chuyển nghề tới 90%.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, đánh giá: "Để tuyển và đào tạo một nhân sự cứng, có thể đảm nhận được các yêu cầu theo các vị trí việc làm tại một khách sạn, doanh nghiệp lữ hành mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm, cho nên việc bổ sung lượng lớn lao động thất thoát do dịch không phải chuyện có thể thực hiện trong một sớm một chiều".
Đại diện một cơ sở lưu trú 3 sao chuyên đón khách đoàn quốc tế trên đường Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM chia sẻ, sau hơn 2 năm đóng cửa tạm nghỉ vì dòng khách ngoại quốc bị nghẽn bởi dịch bệnh, khách sạn này đã khởi động trở lại từ tháng 1/2023 bằng việc sửa chữa tân trang và tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, việc tuyển dụng người lao động toàn thời gian và cả thời vụ ở mảng buồng phòng, nhân viên phục vụ bar - nhà hàng, bộ phận tiền sảnh là vô cùng khó khăn, "đỏ mắt" tìm người không ra.
Không chỉ với các nhà hàng, khách sạn, "bài toán" nhân lực cũng khiến các doanh nghiệp lữ hành đau đầu. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ đã đặt kế hoạch phải tuyển dụng nhân sự ổn định, lấp đầy các chỗ trống trước thời điểm cuối năm 2022, nhưng cho đến nay, đã qua quý 1/2023 mà chỉ tiêu chỉ đạt khoảng 60%. Tại một số doanh nghiệp, nhân viên phải đảm trách nhiều vị trí một lúc. Ở những vị trí không quan trọng phải tuyển dụng lực lượng lao động bán thời gian, thời vụ để ứng phó thời gian cao điểm.
Bên cạnh các nhà hàng, khách sạn, "bài toán" nhân lực cũng khiến các doanh nghiệp lữ hành đau đầu.
Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn cũng còn hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế. Theo CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài, do thời gian “đóng băng” du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm.
“Ngành du lịch không đơn thuần bán các gói nghỉ dưỡng, lưu trú mà phải “bán” cả trải nghiệm và cảm xúc. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cần nhân sự được đào tạo bài bản và có trình độ”, ông Tài nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings, nêu quan điểm, khách đi du lịch hiện nay mong muốn có nhiều dịch vụ trải nghiệm theo hướng “không chạm,” tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, nhân sự ngành du lịch rất cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các ứng dụng số hóa, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội. Doanh nghiệp cần chủ động bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách như tổ chức đào tạo ngay từ khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp.
Trước những khó khăn về mặt nhân sự, bà Nguyễn Hoàng Như Thảo, đại diện Wink Hotels (TP.HCM), cho biết doanh nghiệp này đã áp dụng công nghệ hiệu quả với mục đích vừa giảm thiểu chi phí, vừa tăng cường trải nghiệm của khách hàng.
"Hiện, chúng tôi có khoảng 50 nhân sự trên quy mô 237 phòng. Số lượng nhân sự này cũng chỉ bằng 1/5 so với các khách sạn vận hành theo mô hình tương tự", bà Thảo chia sẻ. Hiện khách sạn áp dụng quầy check-in tự động, máy bán hàng tự động... Điều này vừa giúp doanh nghiệp không quá áp lực trong tuyển dụng, vừa là bước đệm cho quá trình số hóa trong tương lai.
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam hiện có gần 200 cơ sở đào tạo nghề du lịch, trong đó 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm dạy nghề. Thế nhưng, công tác đào tạo nhân lực du lịch còn khoảng cách khá xa về chất lượng so với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội...
Nạn chặt chém khách du lịch đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết để tạo ra một môi trường...