Du lịch sát lễ, khách không thể chờ đến lượt để vào quán ăn
Vừa trở về từ chuyến du lịch Phú Quốc, Đỗ Tuấn Việt (26 tuổi, Hà Nội) không giấu nổi vẻ hụt hẫng bởi trải nghiệm đi chơi không hề thoải mái như anh kỳ vọng.
Tuấn Việt và bạn gái lựa chọn đến đảo ngọc từ ngày 22-24/4, trước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 một tuần, với hy vọng tránh được cảnh đông đúc. Tuy nhiên, thực tế là mỗi ngày, cả hai đều phải chen chân, chờ đợi hàng giờ giữa dòng người dày đặc để chụp ảnh hoặc mua đồ ăn uống.
"Chúng tôi xếp hàng rất lâu để được chụp ảnh tại bãi biển hoặc nơi check-in nổi tiếng. Vài lần, hai đứa ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không được phục vụ ở quán ăn. Chúng tôi đành chấp nhận bỏ về giữa chừng vì quá nóng bức, mệt mỏi", Tuấn Việt chia sẻ với Zing.
Chuyến du lịch mệt mỏi
Tương tự Tuấn Việt, Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, Hà Nội) cũng chán nản sau chuyến du lịch trước lễ của mình.
Ngày 22-24/4, cô và nhóm bạn thân cùng nhau đến Huế, với mong muốn có thể trải nghiệm không gian yên bình của cố đô. Nhưng ngay từ sân bay, cô lập tức hối hận.
Tuấn Việt và bạn gái phải bỏ về vì không thể chờ đợi quá lâu ở quán ăn tại Phú Quốc.
"Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ du lịch vào dịp lễ nên xin nghỉ phép trước để 'chớp' lấy khoảng thời gian vắng vẻ. Sau 45 phút xếp hàng gửi hành lý và qua cửa an ninh ở sân bay, tôi cảm giác như mình bị đánh lừa vậy, cảnh đông đúc ở khắp mọi nơi. Chúng tôi may mắn bảo nhau đến sân bay từ khá sớm mới không bị muộn giờ làm thủ tục", Quỳnh Trang nói.
Tại Huế, cảnh tượng ngột ngạt cũng không khác là bao, đặc biệt ở các điểm tham quan nổi tiếng.
Quỳnh Trang cho biết các khu di tích ở Huế như Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, làng hương… đều rất đông du khách, phần lớn là các bạn trẻ. Ai cũng mong muốn chụp ảnh check-in nên chấp nhận xếp hàng dài chờ đến lượt.
"Nhóm chúng tôi có 5 người, việc chờ nhau thay cổ phục, chụp ảnh trong thời tiết nóng nực quả thật rất vất vả. Chuyến đi rất vui nhưng có lẽ tôi hơi tiếc nuối. Phải chăng cả nhóm không đi vào dịp này mà chờ đến khi du lịch hạ nhiệt, hành trình sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều", Quỳnh Trang bày tỏ.
Sau chuyến đi Quy Nhơn ngày 25-27/4, Hoàng Phương (23 tuổi) cũng khẳng định sẽ không bao giờ đi du lịch dịp sát lễ.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết mình và bạn trai phải yêu xa do đặc thù công việc. Ít được đi du lịch cùng nhau, hai người chỉ có thể chờ đợi những dịp nghỉ phép. Một tuần cuối tháng 4 chính là cơ hội như vậy.
"Chúng tôi muốn về nhà với gia đình vào ngày lễ nên chọn đi chơi cùng nhau vài ngày trước đó. Hai đứa tưởng rằng thời điểm này sẽ không quá đông nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược", Hoàng Phương kể lại.
Quỳnh Trang và nhóm bạn không tránh khỏi mệt mỏi khi phải xếp hàng chờ đợi chụp ảnh check-in.
Khi đến Nội Bài, cô và bạn trai nhận thông báo chuyến bay bị hoãn đến 45 phút. Cả hai ngồi chờ đợi trong tâm trạng mệt mỏi bởi không gian quá chật chội, đông đúc và ngộp thở.
Đến Quy Nhơn, Hoàng Phương được tận hưởng thời tiết mát mẻ và quang cảnh thoáng đãng. Tuy nhiên, tại một số điểm check-in và ăn uống nổi tiếng, cô phải xếp hàng rất lâu để chờ đợi.
"Thời điểm này là đợt cao điểm du lịch, dù không đúng ngày lễ nhưng các điểm nổi tiếng đều rất đông. Cả hai cố gắng sắp xếp đi sớm trải nghiệm, nhưng dù dậy sớm bao nhiêu, chúng tôi vẫn không tránh khỏi cảnh đông đúc", cô kể lại.
Cần sự chuẩn bị
Tuy nhiên, theo Hoàng Phương, nếu vẫn lựa chọn đi du lịch dịp sát lễ thì du khách có thể chuẩn bị kỹ cả về tinh thần và kế hoạch để tránh khỏi những tình huống bị động.
Theo Hoàng Phương, du khách cần xác định tâm lý sẵn sàng khi du lịch dịp sát lễ.
Đầu tiên, hãy xác định rằng các địa điểm du lịch vào thời điểm sát lễ đều có rất đông, do vậy việc chen lấn, chờ đợi là khó tránh khỏi.
Mọi người có thể ưu tiên những điểm đến vắng vẻ, hoang sơ hơn nếu muốn có được trải nghiệm bình yên.
Thứ hai, hãy chú ý để đến sân bay sớm ít nhất 2 giờ nhằm đề phòng tình huống bất ngờ.
"Chúng tôi chủ động đến sân bay sớm một tiếng nhưng chỉ kịp làm xong thủ tục check-in theo quy định. Nếu không bị hoãn chuyến, có lẽ cả hai đã muộn giờ bay rồi vì còn chưa xếp hàng tại cửa an ninh", Hoàng Phương chia sẻ.
Trong khi đó, kinh nghiệm Tuấn Việt rút ra là không nên dành quá nhiều kỳ vọng vào những quán ăn hay địa điểm check-in nổi tiếng bởi những nơi này thường rất đông đúc, khách du lịch sẽ phải xếp hàng rất lâu.
Thay vào đó, mọi người có thể mua mang về hoặc tìm đến những tiệm ăn uống địa phương.
"Du lịch dịp lễ hay sát lễ đều đông đúc cả, tôi tin rằng mọi người cần xác định tinh thần như vậy trước chuyến đi. Các bạn cũng nên chuẩn bị thêm đồ chống nắng cùng nước uống vì thời tiết của Phú Quốc vào mùa này rất khắc nghiệt. Mình và bạn gái đều bị cháy nắng nhẹ vì thiếu áo dài tay", anh tâm sự.
Khảo sát của Zing cho thấy rất nhiều du khách nội địa quyết định sẽ du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5 bởi ngày nghỉ dài, giá dịch vụ được công ty du lịch cũng như các cơ sở lưu trú giảm kịch trần.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang, nhận định lượng khách nội địa đến Phú Quốc vào dịp nghỉ lễ cuối tháng 4 này dự kiến bùng nổ và tăng mạnh hơn so với dịp Tết Nguyên đán. Khả năng cao, các dịch vụ sẽ quá tải.
Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt dự báo đón hơn 180.000 lượt khách, trong đó có khoảng 140.000 khách lưu trú, tăng 135% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Võ Quang Hoàng - Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa - thuộc Hiệp hội du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, các booking dịp lễ tại cơ sở lưu trú bắt đầu tăng nhưng chưa có đột biến, trong đó một số khách sạn 3-4 sao có công suất buồng phòng đã đạt hơn 80%.
Thay vì chen chúc tới các “điểm nóng“ du lịch trong kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Diệu Thùy, Mai Quyền hay cặp đôi Anh Tuấn - Cẩm...