Dân làm tour du lịch 'gác kiếm', xoay nghề trong bão dịch COVID-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều dân làm du lịch chuyển sang kinh doanh bất động sản, giáo viên tiếng Anh, bán hàng online, vận chuyển hàng hóa, chạy Grab, kể cả về quê. Chỉ ít chủ tour có tiềm lực còn duy trì hoạt động ở mức nhỏ nhất để cầm cự, chờ dịch bệnh lắng xuống.

Dân làm tour du lịch 'gác kiếm', xoay nghề trong bão dịch COVID-19 - 1

Anh Nguyễn Văn Hiển trong văn phòng tour vắng bóng khách ở Hà Nội - Ảnh: TÂM LÊ

"Chỉ công ty lớn mới duy trì được ở mức cầm cự. Du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và sẽ là ngành hồi phục sau cùng, chắc phải mất mấy năm sau dịch mới về trạng thái ban đầu.

(Anh Nguyễn Văn Hiển)

Tại văn phòng tour duy nhất còn lại trong đại dịch, anh Nguyễn Văn Hiển (giám đốc Hãng du lịch lữ hành Nữ Hoàng) ôm máy tính ngồi một góc làm những giao dịch vận chuyển hàng hóa cỏn con. 

Hơn 20 năm làm nghề, anh chưa bao giờ phải "gác kiếm" như bây giờ, kể cả đại dịch SARS năm 2003.

20 năm bỗng bị "dừng chân, gác kiếm"

Thời điểm chưa bùng dịch, văn phòng tour ven sông Hồng của anh có du khách trong nước và quốc tế đứng chen chân. Bây giờ không một bóng người, thay vào đó là những thùng hàng nằm gối nhau lăn lóc dưới mặt sàn. Cứ độ 10 phút lại có một chú Grab gõ cửa chở hàng đến, mang hàng đi giao.

Anh Hiển và 3 nhân viên nữ ở văn phòng không còn quá bận rộn như ngày đón tiếp du khách. "Chúng tôi nghĩ dịch chỉ kéo dài 6 tháng, khó nghĩ tới hai năm và đây là lần thứ 4 dịch bùng phát trong nước. Chưa biết khi nào dịch lắng để khởi động lại, nhiều hãng tour đã phá sản rồi, chúng tôi chỉ duy trì được một phần nhỏ bé", anh Hiển trải lòng.

Công ty của anh Hiển phát triển mảng du lịch lữ hành trọn gói với hơn 10 văn phòng đặt ở phố cổ Hà Nội. Anh còn điều hành đội xe đưa đón khách khoảng 30 chiếc và tham gia chuỗi cung ứng của hệ thống nhà hàng, khách sạn, du thuyền.

Mỗi năm, công ty này đón 3.000 - 4.000 khách quốc tế, chiếm 70%, và khách nội địa khoảng 30%. Lúc cao điểm, đội ngũ nhân viên công ty lên tới 100 người, giờ giảm còn 10 người cốt cán. Lượng xe cũng rút xuống còn 5 chiếc nhưng đang phục vụ trái nghề, vận chuyển hàng hóa để trả phí thuê văn phòng.

Phần lớn nhân viên của anh Hiển phải tìm việc mới: "Có người làm giáo viên ngoại ngữ, người làm bảo hiểm, làm bất động sản, bán hàng online... những nghề không đòi hỏi chuyên môn sâu thì họ làm được". Không chỉ nhân viên, một số chủ hãng tour, đồng nghiệp của anh Hiển, cũng loay hoay với đủ thứ nghề với hi vọng vượt qua đại dịch để trở lại với du lịch.

Dân làm tour du lịch 'gác kiếm', xoay nghề trong bão dịch COVID-19 - 2

Anh Nguyên Văn Sáng chuyển sang làm tài xế Grab và kinh doanh online - Ảnh: TÂM LÊ

Học nghề mới

Ở nhà riêng yên tĩnh, anh Chu Thanh Tuyền đang giảng dạy lớp bất động sản online cho nhân viên và học viên của mình.

Anh Tuyền đang là giám đốc một công ty du lịch lữ hành có địa chỉ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Anh có 10 văn phòng tour quanh phố cổ và hơn 10 xe đưa đón khách chuyên dụng. Dịch giã, anh cũng chỉ giữ được 1 văn phòng và 2 xe. Số ít nhân viên ở lại theo anh làm bất động sản để duy trì cuộc sống, số khác đã ra ngoài tìm việc thích hợp.

"Tôi đã phát triển thêm mảng bất động sản trước đại dịch, rất may bây giờ nó giúp tôi và một số anh em có chút thu nhập. Nhưng không phải ai xoay sang lĩnh vực này cũng làm được, lại phải học từ đầu và cần có thêm kinh nghiệm", anh Tuyền chia sẻ.

Nếu dịch không bùng trở lại, anh Tuyền đã cùng các học viên đi thực tế các dự án đang nóng. Chúng tôi quan sát phần mềm Zoom trên máy tính có vài chục học viên đang theo dõi bài giảng của anh. Nhưng anh Tuyền vẫn hi vọng sớm khôi phục được du lịch vì nhớ nghề: "Tôi làm du lịch từ thời đại học, giờ đã 10 năm nên khó bỏ được".

Cũng làm chủ công ty lữ hành ở phố cổ, anh Nguyễn Văn Sáng là người năng động. Hiện 7 văn phòng tour của anh phải đóng cửa vì dịch bệnh, anh quay sang mảng kinh doanh online và chạy xe Grab. "Dịch đưa tôi về con số 0. Tôi phải làm lại từ đầu, tìm việc và học việc như 10 năm trước. Chỉ khác là giờ tôi có thêm vợ con và có một cái nhà để ở", anh Sáng cười nói.

Ngày trước, công ty phát triển, anh đã đưa toàn bộ anh em trong quê Thanh Hóa ra Hà Nội lập nghiệp. Sau có người thành công đã tách ra chủ riêng, nhưng đại dịch lần này đẩy họ đến khó khăn chưa từng có. Anh em trong gia đình đã chuyển về quê lánh dịch, có người tìm việc khác để làm nhưng vẫn chưa ổn định.

Anh Sáng giơ điện thoại "khoe" việc mới của anh, đó là lập ra hàng loạt trang mạng về thực phẩm để kinh doanh. Có rất nhiều mặt hàng hải sản tươi sống, rau củ quả, cà phê sạch, nước ozone khử khuẩn mùa dịch.

Ngoài ra, anh còn làm tài xế Grab; công việc này giúp anh đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều khách hàng. Anh bán hàng ngay cho khách Grab, ai đang có nhu cầu việc làm anh kéo họ về giao hàng, bán hàng cho các trang của mình. Thậm chí có người cần tư vấn kinh doanh nhỏ anh cũng giúp họ.

"Tất cả đều là việc mới, từ trước tới nay tôi chưa từng làm. Mình cứ vừa làm vừa học thôi, ngồi một chỗ thì bao giờ mới ra việc" - anh Sáng nói và cho biết vẫn duy trì trang web về du lịch và hi vọng ...

Dân làm tour du lịch 'gác kiếm', xoay nghề trong bão dịch COVID-19 - 3

Hàng loạt trang mạng của anh Sáng được lập để bán thực phẩm sạch - Ảnh TÂM LÊ

Được, mất trong đại dịch

"Dịch giã đem đến tổn hại chưa từng có", các chủ hãng tour đều khẳng định như thế. Tuy nhiên, theo họ, dịch cũng tạo ra vài thay đổi tích cực trong đầu tư, cho họ thời gian chiêm nghiệm lại cuộc sống.

"Chúng tôi phải bán đồng nát những đồ vật nhỏ bé của văn phòng, từ cái máy in, bộ máy tính, bàn ghế. Buồn nhất là biển hiệu cũng phải gỡ bỏ" - anh Nguyễn Văn Năm, một chủ tour nhỏ đã rời Hà Nội về quê, tâm sự.

Theo anh, quá nhiều lực lượng lao động ngành du lịch phải ra khỏi nghề, họ có thể đã có việc mới và không trở lại nữa. Chuỗi cung ứng, các đầu mối liên kết bị đứt gãy trên cả nước và nước ngoài. Mặt bằng phải hoàn trả, tiền đặt cọc 6 tháng đến một năm bị mất, chỉ vài người được chủ trợ giúp chút ít.

Nội thất nhà nghỉ, khách sạn, đội xe, du thuyền chuyên dụng để lâu không hoạt động sẽ xuống cấp, lỗi thời. "Có những đội xe, đội thuyền chúng tôi mới vay ngân hàng đầu tư chưa thu hồi được vốn đã gặp dịch phải đắp chiếu. Không thể chuyển đổi mục đích sử dụng vì xe chuyên dụng, nội thất rất đắt đỏ.

Trong lúc khó khăn nhất, chỉ mong ngân hàng khoanh nợ, kéo dài thời gian trả nợ bằng với thời gian dịch bệnh để chúng tôi xoay xở. Nếu chỉ hoãn nợ 6 tháng như hiện nay thì không thể giải quyết nổi. Bây giờ là năm thứ hai dịch bệnh, du lịch vẫn gần như đóng băng và chỉ còn biết trông đợi, hi vọng…" - anh tâm sự.

Dịch bệnh làm thay đổi tư duy nhiều chủ tour

Ngoài khó khăn, dịch bệnh đã thay đổi cách sống và suy nghĩ của nhiều chủ tour.

"Nó giúp tôi sống chậm lại. Tôi đặt mục tiêu làm việc gì cũng trên cơ sở bảo vệ môi trường và giúp được người khác - anh Sáng hào hứng kể - Chúng ta đã phá hoại môi trường quá nhiều, đến mức khó mà phục hồi được. Chuỗi mặt hàng kinh doanh thực phẩm sạch của tôi hướng về sản phẩm hữu cơ, không hóa chất. Tôi cũng đang giúp một số người cần việc làm, như người bán cà phê dạo kia".

Về lĩnh vực lữ hành, anh không chỉ tìm cách bán tour cho thật nhiều như trước mà giúp khách hiểu tour nào mang lại giá trị lớn nhất. Anh Sáng cũng dành thời gian cho mình và gia đình - điều mà trước dịch anh bị cuốn trong guồng quay công việc không thể nào thoát ra.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tâm Lê (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT