Đại biểu Quốc hội muốn truy trách nhiệm vấn đề thiếu hụt xăng dầu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 22/10, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định "chưa bao giờ thiếu xăng dầu".

Bởi tới ngày 30/9, hàng dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu; hai nhà máy sản xuất là 1,36 triệu m3 và nhập khẩu là 500.000 m3. Như vậy, tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu, chưa kể tháng 11 tiếp tục nhập khẩu.

Đại biểu Quốc hội muốn truy trách nhiệm vấn đề thiếu hụt xăng dầu - 1

Cây xăng trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TP.HCM) treo biển hết xăng còn dầu, nhiều khách lưỡng lự lượn vào nhìn biển rồi đành quay xe (ảnh chụp ngày 19/10).

Lý giải về tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu chủ yếu tập trung ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ông Diên cho rằng khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả.

"Nếu có xăng trôi nổi thì người kinh doanh không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu và không quan tâm lắm đến việc đăng ký mua của ai một cách ổn định", ông Diên nói.

Thêm nữa, bộ trưởng cho hay một số doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, chứng khoán thời gian qua nên ảnh hưởng tới nguồn tiền nhập khẩu xăng dầu.

Về giải pháp, ông Diên cho hay tới đây sẽ sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, nhưng trước hết sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ thị trường, "sai đâu xử đó", kể cả thu hồi giấy phép, nếu trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm hai lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chỉ ra việc một số bộ, ngành có trách nhiệm quản lý lại nói "không liên quan" khiến cử tri rất bức xúc. Thực tế quản lý điều tiết xăng dầu chưa chặt chẽ, gây thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại phía Nam.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho rằng có nguyên nhân Bộ Tài chính, Bộ Công Thương điều hành chưa sát với thực tế thị trường, chính sách chiết khấu làm doanh nghiệp càng bán càng lỗ, nên ngại bán.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, nhằm tránh tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Cơ quan cần xem xét, tính toán sao cho hiệu quả, đảm bảo cung cầu, giá cả, chi phí.

"Đó là bài toán mà Chính phủ cần tập trung nhiều hơn để tháo gỡ, vì người dân rất bức xúc. Đồng thời, Quốc hội cần ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan thuế xăng dầu", ông Ngân nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói đừng xem chuyện xăng dầu là nhỏ. Bởi xăng dầu khan hiếm thì vận chuyển lương thực khó khăn, có thể dẫn đến mất an ninh lương thực, khủng hoảng cục bộ. Nên chúng ta cần đánh giá sâu hơn, đồng bộ hơn để có giải pháp kịp thời.

Ông Mãi đề nghị cần có cơ chế dự trữ năng lượng, trong đó có xăng dầu với các trung tâm kinh tế lớn cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngọc An (Báo Tuổi Trẻ)

CLIP HOT