Dự án mở rộng đèo Prenn qua Tết mới thực hiện

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đèo Prenn đi lên Đà Lạt vẫn hoạt động bình thường, phục vụ du khách và người dân cho đến qua Tết.

Đèo Prenn là con đường trọng tâm phải đi qua nếu muốn đến với Đà Lạt. Đèo đi xuyên qua khu rừng thông 3 lá, loài thông đặc trưng của Đà Lạt. Đèo do nhà thầu Gross xây dựng từ năm 1943. Cả cung đèo có 79 đoạn cong, trong đó 18 đoạn cong có bán kính 40m, các đoạn cong khác có bán kính 50-1.000m, độ nghiêng tối đa 3-7%. 

Dự án mở rộng đèo Prenn qua Tết mới thực hiện - 1

Đường đèo Prenn là tuyến huyết mạch nối các tỉnh với TP Đà Lạt. Ảnh: Phước Tuấn

Tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định sẽ chuyển thời gian khởi công thực hiện dự án mở rộng đèo Prenn qua Tết, để đảm bảo giao thông và cả tính mỹ quan cho dịp Festival hoa và Tết Nguyên đán sắp tới. 

Xét về khía cạnh giao thông, Đà Lạt lâu nay giống như một “ốc đảo” trên núi, bởi thành phố này cả tứ phía muốn ra hay vào đều phải vượt qua những con đèo khúc khuỷu, quanh co.

Dự án mở rộng đèo Prenn được tỉnh Lâm Đồng công bố tuy vấp phải một số ý kiến phản đối vì lo rằng sẽ làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng của cung đường này, nhưng lại được các chuyên gia quy hoạch đánh giá là dự án không chỉ giúp phá vỡ thế “ốc đảo”, mở rộng giao thông đối ngoại mà còn tạo ra được tính liên kết giữa Đà Lạt với các đô thị vệ tinh.

Đà Lạt mở rộng trong tương lai sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh, lấy đô thị Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Các đô thị vệ tinh đảm nhiệm các chức năng khác nhau và cùng kết nối. Đà Lạt sẽ là đô thị đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc; huyện Đức Trọng sẽ hình thành các khu đô thị Liên Nghĩa - Liên Khương, FiNôm - Thạnh Mỹ và Đại Ninh được định hướng trở thành trung tâm thương mại, giải trí và phát triển kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao; huyện Lâm Hà với đô thị Nam Ban sẽ là trung tâm du lịch hỗn hợp, chế biến nông sản, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao.

Không gian thành phố Đà Lạt hiện nay sẽ phát triển theo mô hình tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước, cảnh quan rừng, cảnh quan địa hình và hệ thống công viên cây xanh; với mục tiêu bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hóa - khoa học, xanh và hiện đại.

Với quy hoạch mở rộng như vậy, nên giao thông là bài toán đầu tiên tỉnh tính toán tới để phát triển xứng tầm, nâng cao chất lượng đô thị, lẫn chất lượng cuộc sống và đó cũng là con đường để đưa Đà Lạt trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, dự án cải tạo, mở rộng đèo Prenn có tổng chiều dài 7,4 km, điểm đầu nối liền cao tốc Liên Khương - Prenn, điểm cuối giáp nút giao thông đường đèo Prenn với đường 3 tháng 4 (Phường 3, TP Đà Lạt), với tổng kinh phí thực hiện 514 tỷ đồng.

Dự án có quy mô 4 làn xe ô tô theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, tốc độ thiết kế 60 km/h, nền đường rộng 15 m và mặt đường 14 m. Trên tuyến có bố trí 1 cầu cạn dài 120 m để cải tạo đường cong, kết hợp với bố trí vọng ngắm cảnh, có 2 đường lánh nạn, 4 vịnh đậu xe để hạn chế các phương tiện giao thông dừng đỗ trong phần đường xe chạy. 

Tuyến đường Prenn tương lai còn đóng vai trò là trục chính đô thị, mang chức năng khác hoàn toàn với trục Quốc lộ 20 (đèo Mimosa) thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư tuyến Prenn - Xuân Thọ để hình thành những tuyến đường kết nối về Đà Lạt và thông với tuyến cao tốc, sân bay Liên Khương. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Kỳ Phong

CLIP HOT