Quận 6 công bố sản phẩm du lịch "Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn"
Những địa điểm được công bố trong dịp này có thể phát huy tiềm năng về di tích, ẩm thực, vui chơi và có lịch sử lâu đời, gắn liền với người Việt cũng như người Hoa tại quận 6.
Đó là nhận định của Chủ tịch UBND Quận 6 Lê Thị Thanh Thảo vào sáng 22/10 tại buổi lễ công bố sản phẩm du lịch đặc trưng của quận, nhằm bổ sung thêm vào sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM. Sự kiện do UBND Quận 6 phối hợp cùng Sở Du lịch TP.HCM tổ chức
Bà Lê Thị Thanh Thảo - Chủ tịch UBND Quận 6.
Phát biểu tại chương trình, bà Lê Thị Thanh Thảo - Chủ tịch UBND Quận 6 - cho biết, quận đã rà soát tất cả tài nguyên du lịch đang có để nghiên cứu, xây dựng tour du lịch vừa có mang tính đặc trưng của địa phương, vừa mới lạ và độc đáo.
Theo đó, quận 6 đã công bố sản phẩm du lịch mới có tên: "Quận 6 - Chuyện nhỏ trong lòng Chợ Lớn". Sản phẩm du lịch mới sẽ giúp du khách khám phá các điểm tham quan, du lịch, văn hóa, lịch sử đặc trưng của quận như: Quán hủ tiếu mì Huỳnh Gia, chùa Thảo Đường Thiền Tự, chùa Giác Hải, chợ Bình Tây, tiệm bánh Triệu Minh Hiệp, quán ăn Gia Phú Phúc Kiến…
Nghi thức khai mạc công bố sản phẩm du lịch đặc trưng của quận 6.
Thông tin về các sản phẩm du lịch trên địa bàn, bà Thảo cho hay, những điểm đến tập trung giới thiệu các công trình văn hóa mang tính lịch sử của quận để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về quá trình hình thành lâu đời của địa phương. Các điểm đến này có những không gian tham quan, vui chơi và thưởng thức ẩm thực của người Hoa nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch trong và ngoài nước.
"Điểm chung là những điểm này đều có thể phát huy tiềm năng, lợi thế về di tích, ẩm thực, vui chơi. Các địa điểm có lịch sử lâu đời, lịch sử gắn liền với người Việt và người Hoa tại quận 6", bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết thêm.
Điểm đến đầu tiên sau lễ công bố, đoàn dùng điểm tâm sáng tại quán mì ký Huỳnh Gia.
Món mì truyền thống của người Hoa luôn hấp dẫn thực khách gần xa.
Đoàn khảo sát đến tham quan làng nghề đúc tượng Phật gần trăm năm tuổi.
Tiếp theo, đoàn tham quan quan chùa Giác Hải - ngôi chùa được xây như ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo và được khánh thành vào năm 1820 (Canh Dần).
Đoàn tham quan Nhà truyền thống cách mạng người Hoa trên đường Phạm Văn Chí.
Nơi này lưu giữ những giá trị của quá khứ cùng khoảng thời gian gắn bó, sát cánh của đồng bào người Hoa tại thành phố.
Đoàn còn đến tham quan, vãn cảnh Thảo Đường Thiền Tự tọa lạc tại đường Trần Văn Kiểu.
Ngôi chùa mang đậm lối kiến trúc Trung Hoa kết hợp với nét văn hóa Việt Nam tạo nên công trình vô cùng giá trị.
Bữa trưa tại Gia Phú Phúc Kiến với món khai vị "Phật nhảy tường" danh bất hư truyền.
Tiếp theo lễ công bố, tại chương trình khảo sát các tuyến điểm trên địa bàn quận, đoàn tham quan đến vãn cảnh Thảo Đường Thiền Tự, tham quan làng nghề đúc tượng Phật gần trăm năm tuổi, chiêm bái chùa Giác Hải, ghé thăm Nhà truyền thống cách mạng người Hoa, khám phá chợ Bình Tây…
Đồng thời, đoàn thưởng thức ẩm thực đặc trưng mang đậm phong cách người Hoa tại đây như điểm tâm sáng tại hủ tiếu mì Huỳnh Gia, dùng bữa trưa tại Gia Phú Phúc Kiến.
Tại các điểm tham quan, đoàn được nghe thuyết minh về những câu chuyện gắn với văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển của khu vực quận 6.
Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt - chia sẻ bên lề sự kiện.
Tại điểm đến quen thuộc chợ Bình Tây nằm ở đường Tháp Mười (quận 6), ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt - cho hay, khu chợ là điểm đến ưa thích của nhiều đoàn khách quốc tế.
"Vừa qua, tôi dẫn một đoàn khách Pháp đi tham quan và mua sắm tại chợ này. Du khách bày tỏ sự thích thú với các gian hàng bán vải, quần áo, có thể yên tâm mua sắm mà không phải lo lắng về vấn đề an ninh", ông Phan Xuân Anh chia sẻ.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết: "Mỗi sản phẩm du lịch mới được ra mắt đều có sự chăm chút, đầu tư công phu của các quận, huyện nhằm thu hút nhiều du khách đến với địa phương. Ở đó, mỗi địa phương đã tìm ra lợi thế của mình, không rập khuôn theo nhau mà có sự khác biệt để du khách khi đi quận 1 vẫn có thể tìm đến sản phẩm du lịch của quận 3, quận 6...
Ngoài ra, sau khi công bố sản phẩm du lịch của mình, mỗi nơi lại cùng bắt tay liên kết để tạo một sản phẩm du lịch liên quận. Cụ thể như quận 6 đang ấp ủ kết hợp với quận 11, quận 5 hình thành tour tuyến du lịch Chợ Lớn".
Các lãnh đạo cùng quan khách chụp hình lưu niệm tại chùa Giác Hải.
Theo bà Phan Thị Thắng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng quận, huyện và TP Thủ Đức trong giai đoạn hiện nay có tác động rất lớn đến việc khôi phục nền kinh tế của TP.HCM nói chung. Bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, khi ngành du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển ngành giáo dục văn hóa, xã hội…, từ đó giúp tạo sự đồng bộ trong việc khôi phục nền kinh tế chung của TP.HCM sau mùa dịch bệnh.
"Sắp tới, mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức cần xây dựng một 'Bộ tài nguyên du lịch'. Ví dụ tại quận 6, du khách khi thích ăn món Hoa thì đi vào quán nào, muốn nghỉ ngơi vào khách sạn gì… 'Bộ Tài nguyên du lịch' này sẽ giúp địa phương khai thác dòng khách du lịch tự do trên nền tảng tài nguyên có sẵn và để giữ chân du khách, mỗi điểm đến lại phải có sự đầu tư, chăm chút riêng", bà Phan Thị Thắng nhận định.
Quận 11 đang nỗ lực đem đến những sản phẩm du lịch đặc sắc và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy...