Cảnh trái ngược của các quán cà phê ở TP.HCM khi được mở bán mang đi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong khi nhiều quán nhanh chóng thích nghi, dần bán ổn định, một số nơi chỉ nhận được khoảng 1-2 đơn/ngày, cộng thêm việc thiếu nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa còn khó khăn.

Ngày 16/9, Hà Nguyễn (27 tuổi), chủ tiệm Mai Cà Phê ở quận 10, cùng 2 nhân viên tất bật dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu cho buổi bán hàng đầu tiên sau 3 tháng tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh.

Chia sẻ với Zing, chị cho biết đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM ảnh hưởng nặng nề tới việc kinh doanh, khiến tiệm “gần như trở về con số 0”. Vì thế, khi UBND thành phố cho phép các hộ kinh doanh bán mang về, các thành viên đều thấy phấn chấn hơn.

“Tôi mở quán từ tháng 3/2021, lại trải qua đợt dịch dài nhất từ trước tới nay. Dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn thấy lạc quan vì được làm việc trở lại”, chị nói.

Cảnh trái ngược của các quán cà phê ở TP.HCM khi được mở bán mang đi - 1

Nhân viên The Coffee House đều đã có thẻ xanh Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh 2 ngày một lần. Ảnh: Phương Lâm.

Bán thận trọng

Trước đây, do muốn đầu tư vào không gian, hướng đến đối tượng sinh viên và freelancer, tiệm cà phê của Hà Nguyễn chỉ tập trung kinh doanh tại chỗ.

Hiện nay, tiệm của Hà Nguyễn bắt đầu mở bán qua ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến, thực hiện quy định “3 tại chỗ”.

“Từ 10 người, quán nay chỉ còn 2 nhân viên túc trực để nhận và xử lý đơn hàng. Họ được test nhanh 3 ngày/lần, sát khuẩn hàng hóa khi giao nhận và giao dịch qua hình thức chuyển khoản”, chị nói.

Cảnh trái ngược của các quán cà phê ở TP.HCM khi được mở bán mang đi - 2

Dù lượng khách chưa ổn định, chị Hà Nguyễn và đội ngũ nhân viên vẫn lạc quan và dành thời gian phát triển sản phẩm mới để đón khách sau dịch.

Tuy nhiên, quán chưa có lượng khách ổn định sau khi chuyển sang hình thức bán mang về.

Hà Nguyễn tiết lộ doanh thu giảm hơn 70%, có ngày chỉ nhận được khoảng 1-2 đơn do khách hàng online còn xa lạ với quán.

Ngoài ra, do nhiều nhà cung cấp nguyên liệu chưa hoạt động lại, việc vận chuyển hàng hóa còn khó khăn và phí giao hàng liên quận tăng gấp 2-3 lần, quán cũng phải giới hạn menu từ 30 món xuống còn 9 món.

“Dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn coi đây như một dấu hiệu tích cực. Được làm việc ngày nào thì cả đội vui ngày đó. Nếu ít đơn, chúng tôi có thể dành thời gian dọn dẹp, phát triển thêm sản phẩm mới để đón khách sau dịch”, Hà Nguyễn chia sẻ.

Với Trần Quang Nghĩa (32 tuổi), chủ tiệm trà sữa Pay Kin Cha Kan ở quận 1, đợt dịch thứ 4 là lần đầu quán anh phải ngừng hoạt động hoàn toàn.

Khi được phép mở bán mang về, anh nhận được nhiều đơn từ cả khách quen lẫn khách mới.

“Khách hàng thường đặt chai lớn cho cả nhà, hoặc trữ tủ lạnh dùng dần. Do hiện tại chỉ có tôi và người nhà quán xuyến, quán chưa dám hoạt động lại trên các nền tảng giao hàng, chỉ nhận đơn qua fanpage”, Quang Nghĩa kể.

Cảnh trái ngược của các quán cà phê ở TP.HCM khi được mở bán mang đi - 3

Anh Quang Nghĩa cho biết dù mở bán mang về, quán vẫn gặp nhiều thách thức như khan hiếm shipper, khó mua nguyên vật liệu và lo lắng dịch bệnh.

“Tôi hay đùa rằng tìm shipper mùa dịch giống như chờ điểm thi đại học. Tìm xế cho một đơn mất 2-3 tiếng là chuyện thường, có khi 9h đặt mà 16h mới có người nhận cũng từng xảy ra với tôi”, anh nói.

Ngoài ra, nguồn cung nguyên vật liệu cũng là một trong những khó khăn đáng kể khi hoạt động trong dịch.

“Hầu hết nhà cung cấp đều đóng cửa, hoặc không nằm ở cùng quận nên tôi phải tìm nguồn hàng, nguyên liệu thay thế nhưng phải đảm bảo mùi vị sản phẩm như thường ngày. Tất cả nguyên liệu đều tăng giá ít nhất 20-30% so với bình thường”, anh nói.

Với Quang Nghĩa, thách thức lớn nhất vẫn là nguy cơ mắc Covid-19 trong quá trình làm việc.

“Tôi là người trực tiếp làm ra sản phẩm nên càng phải cẩn trọng hơn ai hết. Tôi hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang và găng tay khi giao nhận hàng, tự test Covid-19 2-3 lần mỗi tuần. Dù mỗi bộ xét nghiệm có giá khoảng 170.000 đồng, tôi vẫn chấp nhận bỏ tiền để đảm bảo sức khỏe”.

Anh cho biết ít nhất 2 tháng tới, quán vẫn chủ yếu hoạt động online.

“Nếu như thành phố cho phép mở cửa lại, tôi vẫn sẽ cân nhắc chứ chưa dám mở rộng hoạt động vì lo cho sức khỏe bản thân và người nhà”, anh nói.

Cảnh trái ngược của các quán cà phê ở TP.HCM khi được mở bán mang đi - 4

Nhân viên quán Katinat Đồng Khởi xịt khuẩn vào túi đựng đồ uống trước khi đưa cho người mua mang về. Ảnh: Phương Lâm.

Có lượng khách ổn định

Ngày 15/9, Vũ Nhật Quang (26 tuổi), chủ quán cà phê Barxiu Coffee (quận 1), phấn khởi đăng thông báo giao hàng liên quận trên trang fanpage.

Anh cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quán của anh vẫn duy trì hoạt động buôn bán, không đóng cửa. Tuy nhiên, để kinh doanh trong bối cảnh giãn cách xã hội, anh Quang phải thay đổi kế hoạch khá nhiều lần theo chỉ thị của thành phố.

Barxiu Coffee đã chuyển từ hình thức đóng gói ly nhựa sang chai thủy tinh để an toàn, tiện lợi hơn cho người dùng. Vì thế, giá sản phẩm cũng bị đẩy lên một chút, chênh khoảng 10.000 đồng so với trước đây.

“Nếu bán ly thì giá vật liệu rẻ hơn rất nhiều, còn tiền mua chai thủy tinh đã chiếm khoảng 30% trên tổng chi phí. Nhưng tôi cũng không dám tăng giá quá cao vì hiểu rằng trong mùa dịch ai cũng hạn hẹp kinh tế. Từ lúc chuyển qua chai, tôi thấy khách hàng có vẻ thích hơn”, ông chủ 26 tuổi chia sẻ.

Cảnh trái ngược của các quán cà phê ở TP.HCM khi được mở bán mang đi - 5

Anh Nhật Quang đẩy mạnh sản phẩm đóng chai để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Anh Quang cho biết thêm lượng order dao động mỗi ngày khoảng 100-150 đơn. Hiện quán của anh đang đẩy mạnh dòng sản phẩm chủ yếu là bạc xỉu, coldbrew.

“Lúc được giao liên quận, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là do được hoạt động trở lại để khách không quên mình, nhân viên có ‘công ăn việc làm’. Còn lo là vì từ lúc dịch bệnh đến giờ, chi phí cố định tăng cao. Thật sự thì doanh nghiệp nhỏ như tôi làm được ngày nào để trả tiền mặt bằng và lương nhân viên là vui nhất rồi, còn giảm doanh thu bao nhiêu thì chưa tính”, anh Quang bày tỏ.

Theo anh, qua đợt dịch này, những mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống không chỉ tập thích nghi, ứng biến với các chỉ thị của chính phủ mà còn phải chuyển mình, áp dụng công nghệ vào việc buôn bán.

“Dịch chưa hết là rủi ro vẫn còn nhưng có kinh nghiệm từ trước, tôi nghĩ mọi người sẽ làm tốt hơn”.

Tương tự với những địa điểm khác, quán cà phê Local Saigon Cafe (quận 1) cũng mở bán online từ ngày 16/9. Quách Thanh Quyền (26 tuổi), chủ quán, cho biết chị và các nhân viên luôn trong tâm thế sẵn sàng cho việc hoạt động trở lại.

Trước mắt, quán của chị sẽ nhận order cho khách trong quận và các khu vực lân cận. Nếu tình hình ship liên quận thuận tiện hơn, quán mới triển khai thêm các đơn hàng từ quận xa trung tâm thành phố.

Do hạn chế về mặt nhân sự và nguyên vật liệu, quán chỉ phục vụ 3 mặt hàng: Local Special Caffee, bạc xỉu và hồng trà tắc.

Các sản phẩm này được đóng chai thủy tinh nên có thể bảo quản trong thời gian từ 1-2 tuần, giúp khách yên tâm hơn khi đặt nhiều món cùng lúc. Ngoài ra, đơn hàng còn được gói kín trong các hộp giấy để người nhận và shipper dễ dàng xịt khử khuẩn mà không ảnh hưởng đến bên trong.

Cảnh trái ngược của các quán cà phê ở TP.HCM khi được mở bán mang đi - 6

Các dịch vụ ăn uống đều gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu.

Tuy còn nhiều khó khăn, quán của chị vẫn hỗ trợ khách hàng một phần phí ship, đồng thời chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm, sự an toàn của nhân viên, shipper và cộng đồng.

“Chúng tôi may mắn là có lượng khách quen ổn định nên khi nghe mở lại, mọi người rất vui và rất háo hức. Mặc dù đang giãn cách, khách vẫn hay nhắn tin hỏi han tình hình. Hiện lượng đơn mỗi ngày vẫn duy trì ổn định như trước đây, thậm chí còn có thêm nhiều khách hàng mới”, chị Quyền bộc bạch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trang Minh - Phương Thảo (Zing News)

CLIP HOT