Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Câu chuyện người Việt cần hành xử văn minh, không phạm pháp khi đi nước ngoài đang được rất nhiều người quan tâm sau khi xảy ra vụ hai nghệ sĩ Việt Nam bị tố cưỡng hiếp khi đi du lịch ở Tây Ban Nha.

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 1

Du khách Việt Nam du lịch ở Campuchia luôn tôn trọng văn hóa ứng xử khi đến đền thờ, chùa chiền - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các nghệ sĩ, hướng dẫn viên du lịch, nhà văn, chuyên gia... về vấn đề rất đáng bàn này.

* Nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp:

Giữ thái độ thận trọng và chừng mực

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 2

Kinh nghiệm của anh em tôi khi đi lưu diễn các nước là mình phải tìm hiểu về đất nước đó trước. Đến đâu khi chưa quen biết, chúng tôi cũng giữ thái độ thận trọng và chừng mực.

Đất nước Tây Ban Nha là nơi chúng tôi đến nhiều lần và mới đây vừa lập kỷ lục thế giới mới cuối năm 2021 tại nhà thờ Girona.

Chúng tôi cảm nhận luật pháp nơi đây rất chặt chẽ. Đợt đó có người bạn từ Đức sang bị kẻ gian đập kính xe hơi lấy trộm đồ. Chúng tôi gọi điện báo, rất nhanh chóng cảnh sát xuất hiện và tìm lại đồ đã mất.

Từ rất nhiều chuyến lưu diễn nước ngoài có khi kéo dài cả vài tháng đến một năm, chúng tôi rút ra rằng dù không quá rành về luật nhưng mình cứ tôn trọng người khác, ắt người khác sẽ tôn trọng lại mình thôi.

Chỉ cần để ý đến điều đó mà anh em chúng tôi vẫn an toàn, không gặp rắc rối trong các chuyến lưu diễn nước ngoài.

* Ca sĩ Dương Đình Trí:

Tôn trọng nơi mình đến

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 3

Tôi cho rằng mình đã không đến đất nước người ta thì thôi, đã quyết định đến rồi phải tuân thủ theo quy định của đất nước họ, không thể ứng xử một cách tùy tiện.

Điều đó thể hiện sự văn minh và tôn trọng nơi mình đến và khiến người ta tôn trọng mình.

Tôi có thói quen trước khi đến nước nào đó tìm hiểu thật kỹ về văn hóa, luật pháp nơi đó. Đặc biệt ở những đất nước Phật giáo, Hồi giáo họ có những quy định nghiêm ngặt ở nơi chốn tâm linh.

Ví dụ hồi tôi đi Brunei được biết khi vào đền thờ Hồi giáo không được dùng nước hoa, chụp ảnh ở các tượng thờ không được giỡn hớt, mình vô tình phạm phải sẽ khiến người ta cảm thấy bị xúc phạm.

Nói chung, phải tìm hiểu mọi thứ trước và khi đến nơi phải cẩn thận, ý tứ để không rơi vào tình trạng tình ngay lý gian, nhất là vướng vào những quy định pháp luật của họ thì càng mệt.

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 4

Khách du lịch Việt Nam tham quan Vườn quốc gia Yosemite, California, Mỹ - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Là một người từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, tôi thấy chúng ta cần có sự nhất quán trong cách hành xử. Sự nhất quán này sẽ tạo ra thói quen và dần dần chúng ta sẽ xây dựng được nét đặc trưng của người Việt Nam. Một dân tộc văn minh là một dân tộc có cách ứng xử nhất quán trong tất cả tình huống, tại nhiều môi trường khác nhau, phù hợp với quy định của Việt Nam cũng như nước sở tại.

Ông NAM HUÂN (TP.HCM)

* Ông Phan Thanh Bình (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, nay là Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội):

Phải có sự chuẩn mực từ Nhà nước tới người dân

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 5

Cư xử văn minh, có văn hóa phải trở thành thói quen, nếp sống, phẩm chất của mỗi con người, để ở đâu và lúc nào người ta cũng giữ được ứng xử văn minh, từ trong nhà ra tới ngoài xã hội, từ trong nước ra nước ngoài.

Phải làm sao để mỗi người Việt dù ở đâu cũng luôn sống thật, luôn kỹ lưỡng trong mọi việc. Cư xử văn minh phải là thói quen được xây dựng từ nhỏ trong gia đình trở đi.

Muốn như vậy thì người lớn phải nêu gương cho trẻ nhỏ. Nếu người lớn dạy trẻ một kiểu nhưng hành xử một kiểu khác thì trẻ không bao giờ nghe.

Xây dựng văn hóa, ứng xử văn minh phải đi từ giáo dục nhưng chắc chắn không chỉ có giáo dục. Kinh tế, chính trị cũng góp phần vào đó. Và sẽ phải là một quá trình dài lâu, kiên nhẫn chứ không thể nóng vội. Muốn có văn hóa thì giáo dục phải làm đúng, làm chuẩn.

Nhưng giáo dục hiện nay không làm người ta yên tâm về sự chuẩn thì rất khó. Muốn có sự chân thật, văn minh trong mỗi công dân thì xã hội nói chung phải mực thước. Không thể để một xã hội đầy rẫy những sai phạm trong mọi ngành nghề, bộ máy nhưng lại hô hào người dân phải tốt, phải văn minh.

Phải có sự chuẩn mực từ Nhà nước tới người dân. Ở ta từ nghị quyết của Đảng tới pháp luật của Nhà nước đều không sai nhưng làm thì chưa chuẩn. Cho nên, văn hóa là một câu chuyện dài, phải xây dần dần, từng chút một và phải làm cả tổng thể xã hội chứ không phải chỉ hô hào người dân.

* Nhà văn Nguyễn Bình Phương:

Đẹp từ chính mình, từ ngôi nhà của mình

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 6

Người Việt phải văn minh khi đi ra nước ngoài, phải là một đại sứ văn hóa thì đúng rồi. Nhưng quan trọng hơn là phải làm sao mỗi người sống văn hóa với chính mình, với gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp, với đồng bào mình ngay trên chính quê hương mình.

Từng người sống với nhau phải đẹp đã. Người ta phải đẹp từ bên trong thì mới tỏa ra được bên ngoài. Văn hóa phải là cái đẹp tự thân, văn hóa là ứng xử trung thực với chính mình, là cái lượng từ bên trong toát ra.

Để người Việt giữ hình ảnh đẹp khi ra nước ngoài thì bản thân họ phải đẹp từ trong chính mình, từ ngôi nhà của mình, từ đất nước mình, đẹp trong mỗi ứng xử với đồng bào mình hằng ngày.

* Anh Đoàn Chuẩn Võ Trường An (hướng dẫn viên du lịch):

Phải ứng xử chừng mực

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 7

Người Việt đi du lịch nước ngoài có trẻ em đi kèm luôn được ưu tiên. Trong ảnh: một gia đình người Việt ở sân bay Úc được tạo điều kiện làm thủ tục - Ảnh: THU LÊ

Trước mỗi chuyến đi dẫn đoàn du khách Việt, dù tour đi châu Âu, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào, hướng dẫn viên chúng tôi đều cung cấp rất kỹ thông tin về văn hóa, pháp luật, quy tắc ứng xử ở điểm đến để du khách cập nhật, tuân thủ và đảm bảo sự an toàn cho họ.

Có thể nói hai vấn đề pháp luật và văn hóa ứng xử là điều mà du khách Việt thường vướng phải nhất, trong đó ở những tour cơ bản, du khách Việt vẫn thường gặp rắc rối về văn hóa ứng xử.

Du khách luôn được dặn cần phải có hành vi chừng mực ở công cộng như xếp hàng chờ vào bảo tàng, ăn buffet cần lấy lượng vừa phải hay không nhậu nhẹt ồn ào, say xỉn vì những hành động này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt chung trong mắt bạn bè quốc tế.

Tôi vẫn thường nhắc rằng mỗi du khách khi bước ra khỏi biên giới Việt Nam còn mang thêm trọng trách là đại sứ văn hóa. Bởi chỉ có một tỉ lệ phần trăm rất nhỏ người Việt được đi đây đó trên thế giới, và cách chúng ta đang ứng xử sẽ đại diện cho người của quốc gia mình.

Hầu hết du khách đều ứng xử chừng mực nhưng thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp du khách để xảy ra sự cố và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nước sở tại.

Những cú sốc về văn hóa bao giờ cũng đáng nhớ. Như vào một nhà hàng Pháp để thưởng thức một bữa ăn cần ít nhất 3 tiếng, trong khi bữa cơm món Việt chỉ cần 1 tiếng là xong.

Nhiều du khách phản ứng mạnh vì thời gian chờ đợi, trong khi nếu am hiểu thì du khách cần xem khoảng thời gian chờ đợi là trải nghiệm ẩm thực một quốc gia, hiểu cách người Pháp ăn chậm như thế nào và tại sao chúng ta phải kiên nhẫn...

Có nhiều hành vi, cư xử của người Việt nếu ở Việt Nam không sao, nhưng sang Mỹ rất dễ dính vào lao lý. Một số người Việt khi gặp trẻ xinh xắn thì hay nựng má, vuốt tay... nhưng ở Mỹ nếu làm điều này đã không được phép, rất dễ bị cáo buộc tội xâm hại.

Một số du khách đi cùng con nhỏ, nếu nóng giận đánh con mà cảnh sát thấy cũng sẽ bị buộc tội hành hung trẻ em. Một tình huống mà tôi cũng từng gặp là cạo gió cho người khác, trong y tế Mỹ xem đó là bạo hành... Do đó, để có hành xử văn minh khi đi ra nước ngoài, bất kỳ ai cũng phải thuộc lòng câu nói "Nhập gia tùy tục".

Một người Việt đi ra nước ngoài bị phạm tội thì sẽ chịu sự trừng phạt của luật pháp nước đó. Đó là chuyện không bàn cãi. Vậy lúc quay về Việt Nam có nên phạt tiếp hay không? Tôi nghĩ là cần thiết.

Và muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được một bộ quy tắc ứng xử đi kèm mức chế tài đủ răn đe, để không có những trường hợp tái phạm. Vì những ảnh hưởng mà du khách gây ra không chỉ động đến bản thân họ mà còn uy tín văn hóa Việt Nam trên thế giới.

Trung Quốc nhắc dân hành xử đúng mực ở nước ngoài

Nhắc đến cách hành xử của người dân khi ra nước ngoài, Trung Quốc là một trong những nước đã kêu gọi công dân của họ có các hành vi đúng mực trong các chuyến đi, nhằm đối phó các sự cố ở nước ngoài có thể làm xấu hình ảnh của đất nước.

Năm 2015, Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc thông báo hồ sơ của những du khách nước này có hành vi xấu sẽ bị lưu giữ tới 2 năm.

Cơ quan này cho biết các hành vi xấu bao gồm vi phạm phong tục tập quán, phá hủy cơ sở hạ tầng công cộng và các di tích lịch sử, gây rối trật tự trên phương tiện giao thông công cộng, tham gia cờ bạc và mại dâm.

"Hình ảnh của Trung Quốc đã bị hoen ố" - Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc thừa nhận trên trang web của họ lúc đó. Cơ quan này nói rằng hành vi xấu của các du khách nước này đã khiến nhiều người "đỏ mặt vì xấu hổ" và những du khách có hành vi không tốt ở nước ngoài cần "rút ra bài học".

BẢO ANH

25.000 người Việt bị trục xuất trong 4 năm qua

Bàn chuyện giữ hình ảnh người Việt khi xuất ngoại sau vụ 2 nghệ sĩ bị tố cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha - 8

Thượng tướng Lương Tam Quang

Tại hội nghị ngày 29-6 về công tác người Việt ở nước ngoài, thượng tướng Lương Tam Quang - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết tình hình người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã nhận được yêu cầu phối hợp điều tra, xử lý từ nước ngoài gần 800 vụ việc liên quan công dân Việt Nam phạm pháp, xác minh và tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị nước ngoài trục xuất.

Nổi cộm hàng đầu là tình trạng cư trú, lao động bất hợp pháp xảy ra ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ nhưng gần đây có xu hướng gia tăng ở Úc, khu vực Trung Đông và châu Phi.

Tình trạng nhập cư bất hợp pháp cũng xảy ra ở châu Âu, chủ yếu các nước Anh, Pháp, Đức. Tội phạm buôn bán người, mại dâm liên quan đến người Việt cũng xảy ra ở nhiều quốc gia.

"Thời gian gần đây còn xuất hiện hành vi lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội để dụ dỗ, lôi kéo, đưa người Việt Nam sang một số nước Đông Nam Á để lao động nhưng thực chất là bán cho các công ty đánh bạc trực tuyến", ông Quang cho biết thêm.

Cũng theo ông, "tội phạm ma túy do người Việt Nam thực hiện ở nước ngoài chiếm tỉ lệ cao trong số tội phạm người nước ngoài bị bắt giữ ở nước sở tại, chủ yếu diễn ra ở Cộng hòa Czech, Úc, Trung Quốc, Lào, Anh, Mỹ...".

"Tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại như trộm cắp, đánh bạc, mại dâm, tín dụng đen, buôn bán và vận chuyển sản phẩm từ động vật hoang dã bị cơ quan chức năng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, một số nước Trung Đông và châu Phi phát hiện, xử lý diễn ra thường xuyên. Trong đó tại Nhật Bản, người Việt Nam vi phạm pháp luật đứng tốp đầu các nước có dân vi phạm pháp luật", ông Quang nêu thực trạng.

Theo ông Quang, thực trạng trên có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn pháp luật hiện hành thiếu tính răn đe, chưa quy định hậu quả pháp lý cụ thể đối với công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ngoài. Để khắc phục triệt để tình trạng này, ông đề xuất các bộ cần cùng nhau vào cuộc để đấu tranh, ngăn chặn.

Theo đó, Bộ Ngoại giao cần tăng cường nắm tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bố trí hoặc triển khai thêm cán bộ công an ở nước ngoài; Bộ Lao động - thương binh và xã hội cần thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và các nước theo hướng mở rộng ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam để góp phần giảm tình trạng lao động bất hợp pháp; siết chặt quản lý nhà nước với các doanh nghiệp đưa công dân đi lao động ở nước ngoài...

Người Việt ở nước ngoài trở thành đối tượng kiểm tra chủ yếu của các cơ quan chức năng sở tại trong các chiến dịch truy quét người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp... và thường xuyên bị phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều nước.

Thượng tướng LƯƠNG TAM QUANG (thứ trưởng Bộ Công an)

DUY LINH

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

THIÊN ĐIỂU - LINH ĐOAN - NHƯ BÌNH (Báo Tuổi trẻ)

CLIP HOT