Du lịch nước ngoài một mình

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với nhiều người trẻ, du lịch độc hành có ưu điểm lớn nhất là lịch trình linh hoạt. Trong khi đó, chi phí đi một mình có phần tốn kém hơn và mất nhiều thời gian để có ảnh đẹp.

Kể từ chuyến du lịch độc hành vào 2017, travel blogger Kẻ Du Mục (tên thật Phan Quốc, 30 tuổi) có hơn 5 năm xê dịch một mình và không nhớ đã đặt chân tới bao nhiêu điểm đến.

Chia sẻ với Zing từ Sri Lanka, Kẻ Du Mục kể đó là hành trình khám phá 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia trong gần 3 tháng.

“Tôi đi dài ngày, rủ bạn bè không ai sắp xếp được nên quyết định lên đường một mình. Ban đầu, tôi có chút bỡ ngỡ, lo lắng nhưng không sợ hãi. Ba mẹ tôi không dùng mạng xã hội nên không biết, tôi cũng không dám nói vì hai người sẽ lo”, anh nhớ lại.

Với Kẻ Du Mục, chuyến đi độc hành đầu tiên mà không nói tiếng Việt vài tháng là trải nghiệm thú vị. Anh cảm thấy an toàn một phần vì đi trong khu vực Đông Nam Á nên không phải lo khoản pháp lý, visa.

Du lịch nước ngoài một mình - 1

Travel blogger Kẻ Du Mục đi du lịch độc hành, chủ yếu ở nước ngoài, 6 năm nay.

Tự do

Sau 2 năm tạm dừng du lịch nước ngoài vì Covid-19, Kẻ Du Mục đặt chân tới Nepal vào tháng 12/2021. Anh cũng ghé thăm Ấn Độ, Oman trước khi đến Sri Lanka.

Khi còn ở Việt Nam, Kẻ Du Mục đi một mạch 8 tháng không trở về nhà. Với anh, điều này đã trở nên quen thuộc.

“Ưu điểm đầu tiên của du lịch độc hành là sự linh hoạt tuyệt đối: muốn đến đâu có thể đi liền luôn, thích thì ở lại lâu, không thì qua chỗ khác. Bên cạnh đó, tôi có cơ hội gặp rất nhiều người trên đường và dễ dàng trò chuyện, kết bạn với họ”, chàng trai nói.

Về nhược điểm, Kẻ Du Mục cho rằng du lịch độc hành đồng nghĩa phải làm mọi thứ một mình, từ tìm kiếm thông tin điểm đến tới lo thủ tục pháp lý. Hơn nữa, việc đi nhiều và nhanh sẽ phát sinh vấn đề khác nhau, anh buộc phải xử lý mới có thể tiếp tục hành trình.

“Đôi khi, độc hành cũng không tiết kiệm chi phí hơn đi 2 người. Cảm giác hụt hẫng khi phải chia tay bạn bè trên đường cũng không tránh khỏi”, anh nói.

Du lịch nước ngoài một mình - 2

Vấn đề đau đầu nhất với Kẻ Du Mục là không có người giúp chụp ảnh, quay phim.

Là travel blogger, Kẻ Du Mục luôn phải mang theo rất nhiều thiết bị camera. Do đó, vấn đề đơn giản như sạc pin cũng trở nên khó khăn khi phải một mình lo liệu. Với anh, tự quay video đã tốn nhiều thời gian mà chép thẻ nhớ ra khỏi thiết bị lại là chuyện nan giải khác.

Khoảng 6 năm đi độc hành đúng nghĩa, Kẻ Du Mục không thấy buồn nhưng muốn có người đồng hành để giúp mình phần chụp ảnh, quay phim.

Anh giải thích: “Có nhiều nơi rất đẹp nhưng tôi không có tấm hình nào. Việc setup chụp rất kỳ công trong khi tôi không thể mất quá nhiều thời gian ở một địa điểm. Có máy ảnh xịn cũng không xài được, nhờ người địa phương cũng khó thu về kết quả ưng ý”.

Với Kẻ Du Mục, mang theo tripod để chụp ảnh không xứng đáng với giá trị nó đem lại. Bởi thiết bị này có thể giúp anh chụp được vài tấm hình nhưng phải mang theo trong vòng 5-6 tháng liên tục di chuyển dẫn đến vừa nặng, vừa tốn công.

Hiện tại, hành lý của Kẻ Du Mục khoảng 40 kg nên đi đâu anh cũng phải cân nhắc. Việc bảo quản tư trang cũng không hề dễ dàng.

“Có nhiều chuyến, tôi không ngủ được vì phải thức canh đồ. Tôi cũng chưa từng gặp tình trạng nguy hiểm hay mất cắp vì hạn chế để đồ dẫn tới tình huống như vậy. Tài sản có giá trị tôi cho vào ba lô nhỏ và luôn mang theo bên mình. Còn ba lô lớn để quần áo thì tôi để ở nơi nghỉ”, anh nói.

Trên đường đi, Kẻ Du Mục chưa gặp người Việt Nam nào xê dịch một mình còn bạn bè quốc tế thì nhiều.

Theo anh, khi độc hành, mọi người nên ưu tiên chọn địa điểm được quy hoạch để làm du lịch, có bảo vệ, cảnh sát quản lý nhằm đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, tìm hiểu trước về các phương tiện di chuyển, dành riêng cho khách du lịch càng tốt, cũng là việc nên chú ý.

Độc hành không có nghĩa là cô đơn

Cuối năm 2019, khi sang Trung Quốc du học được 3 tháng, Ngọc Anh (26 tuổi, Hà Nội) quyết định đi du lịch độc hành. Điểm đến của cô là thành phố thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc.

“Trong giây phút chán nản, cảm thấy lạc lõng nơi xứ người, tôi một mình xách ba lô lên và đi. Nhưng trước khi lên đường, tôi hoàn toàn không có cảm giác lo sợ mà đi với tâm trạng thoải mái”, cô nhớ lại.

Trước đó, khi còn ở Việt Nam, các chuyến đi của Ngọc Anh đều có gia đình hoặc bạn bè đồng hành. Bởi vậy, khi biết cô du lịch một mình, hầu hết đều không có cái nhìn tích cực.

Trong khi bố mẹ Ngọc Anh tỏ ra lo lắng, bạn bè nói cô “rảnh quá nên mới đi một mình” nhưng vì ở xa, họ dặn dò cô cẩn thận chứ không có phản ứng thái quá.

“Đây là lần đầu tiên tôi độc hành, lại là kiểu nghĩ là đi, không tính toán hay lên kế hoạch, lịch trình nên hành trình đó chứa đầy kỷ niệm vui buồn, nhưng vui nhiều hơn. Tôi có thể một mình đi bộ và ngắm trọn vẹn Vũ Hán theo cách riêng bởi nếu có người đồng hành, đôi khi sẽ phải để tâm đến cảm xúc, thói quen, ý kiến của họ. Nếu đôi bên không cùng quan điểm, ý kiến thì rất dễ tụt cảm xúc, mà khi chán rồi thì làm sao còn cảm nhận cái vui, cái đẹp nữa”, cô lý giải.

Du lịch nước ngoài một mình - 3

Sau chuyến đi Vũ Hán, vì dịch bệnh kéo dài, Ngọc Anh chưa có cơ hội du lịch độc hành lần nữa.

Về nhược điểm khi đi một mình, Ngọc Anh cho rằng đôi lúc gặp được thứ khiến bản thân tâm đắc trên hành trình, cô không thể chia sẻ với ai dẫn đến cảm giác hơi cô đơn.

Tiếp đó, với sở thích thưởng thức ẩm thực đặc trưng của điểm đến, Ngọc Anh hụt hẫng vì không thể ăn được quá nhiều. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn cho bản thân cũng khó hơn.

“Đi một mình sẽ phải tạo dáng chụp ảnh bằng tripod trước sự quan sát của người xung quanh. Ở nơi không đặt được thiết bị, niềm tin phải đặt hoàn toàn vào người đi đường, đôi lúc đúng, sai tùy thuộc vào sự may mắn”, cô chia sẻ.

Sau chuyến du lịch một mình, Ngọc Anh cảm thấy bản thân trưởng thành hơn, ít nhất là dám nghĩ, dám làm. Trở về trường, tâm trạng và cảm xúc của cô cải thiện tích cực từ những gì vừa tận hưởng.

Ngọc Anh rút ra một số kinh nghiệm khi độc hành là nên chuẩn bị thật kỹ lịch trình cơ bản để tránh lãng phí thời gian trong việc di chuyển; chọn dorm hoặc nhà nghỉ ở gần khu trung tâm để tiện cho việc di chuyển (hỏi trước nơi nghỉ vì còn khá nhiều chỗ không tiếp nhận người nước ngoài lưu trú); ở Trung Quốc, an ninh trật tự khá tốt, nhưng cũng nên chú ý bảo quản đồ để tránh kẻ gian lợi dụng sơ hở, đặc biệt là hộ chiếu phải luôn mang theo bên mình.

Theo quan sát của Ngọc Anh, mọi người xung quanh đa số không thích du lịch độc hành. Tuy nhiên, cô cho rằng đây có thể là xu hướng mới của giới trẻ trong tương lai bởi thế hệ này càng ngày càng độc lập, ít muốn phụ thuộc và hơn hết, họ muốn tự mình trải nghiệm nhiều thứ hơn.

Ngọc Anh cho rằng khi còn trẻ, du lịch độc hành là một trong những điều nên thử bởi đó không phải chỉ vì cô đơn, chán nản hay đơn giản là không tìm được người đồng hành phù hợp mà giúp hiểu hơn về bản thân, tìm và khám phá những xúc cảm, nghĩ suy, giá trị của cuộc sống chưa từng biết đến.

“Đi ‘refresh’ lại cuộc sống, tâm hồn, cách nghĩ, nhìn nhận về thế giới, con người vì ‘thanh xuân chẳng 2 lần thắm lại’ nên hãy sống hết mình cho tuổi trẻ. Phải có những trải nghiệm đôi khi hơi điên rồ một chút thì cuộc sống mới bớt tẻ nhạt”.

Nguyễn Phương Mai (28 tuổi, Hà Nội), hiện sống và làm việc ở Dubai, UAE, vừa kết thúc chuyến du lịch Ai Cập một mình trong 8 ngày. Trước đó, người thân và bạn bè khuyên cô cân nhắc việc độc hành vì không an toàn, nhất là đối với con gái.

“Ở nước ngoài nhiều năm, tôi đã quen sinh hoạt và đi chơi một mình nên không ngại du lịch độc hành. Vác tripod lên và đi, tôi có thể tới bất cứ đâu mình muốn”, cô nói.

Du lịch nước ngoài một mình - 4

Mai mô tả chuyến du lịch độc hành tới Ai Cập vui vẻ, an toàn và nhiều tiếng cười nhất từ trước đến giờ.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Mai chia sẻ một số lưu ý khi du lịch một mình.

Về túi xách đựng đồ, như nhiều cô gái thường đi chơi với lỉnh kỉnh đồ đạc, trước khi đi Ai Cập, Mai mua chiếc túi tote vải, đựng được nhiều mà còn an toàn, tránh bị nhòm ngó.

Để bảo quản tiền mặt, Mai chia ra 4 ví cất ở 4 vị trí khác nhau. Khi đi chơi, cô cầm chiếc ví tiện nhất, mang toàn tiền mệnh giá nhỏ để dễ mua đồ và không bị để ý nhiều.

Về bảo quản giấy tờ tùy thân và hộ chiếu, Mai khuyên mọi người có thể cất trong khách sạn, để vào trong tủ nhỏ có khóa là an toàn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thiên Nhi (Zing News)

CLIP HOT