Áo dài - Batik: Sự giao thoa giữa di sản văn hóa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Batik và áo dài là sự giao thoa giữa di sản văn hóa, là bằng chứng cho tình bạn lâu dài và bền chặt giữa Việt Nam và Indonesia.

Sáng 3/4, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Indonesia tổ chức buổi trình diễn, giới thiệu về vải Batik và áo dài Việt Nam với chủ đề “Áo dài - Batik, nơi di sản hội tụ” tại Bảo tàng Áo dài (chi nhánh Áo dài Exhibition, Q.1).

Tại chương trình, ông Agustaviano Sofjan (Tổng lãnh sự Indonesia) cho biết, Việt Nam và Indonesia có mối quan hệ thân thiết và gắn bó. Cả hai nước không chỉ nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác song phương mà còn nỗ lực tăng cường quan hệ và hợp tác giữa các thành viên trong khối ASEAN.

Áo dài - Batik: Sự giao thoa giữa di sản văn hóa - 1

Biểu diễn áo dài tứ thân của Việt Nam.

Điều đặc biệt, Việt Nam và Indonesia còn có sự tương đồng về lịch sử, các giá trị và văn hóa, là cơ sở vững chắc cho tình hữu nghị của hai nước. “Chương trình “Áo dài - Batik, nơi di sản hội tụ” là bằng chứng cho tình bạn lâu dài và bền chặt giữa Việt Nam và Indonesia. Batik và áo dài là sự giao thoa giữa di sản văn hóa. Chúng ta có thể thấy văn hóa có thể gắn kết chúng ta lại với nhau như thế nào. Tôi muốn nhìn thấy tương lai không xa các nhà thiết kế nổi tiếng sẽ dễ nhận biết nét đặc biệt của vải Batik từ Indonesia và chiếc áo dài từ Việt Nam”, ông Agustaviano Sofjan nhấn mạnh.

Áo dài - Batik: Sự giao thoa giữa di sản văn hóa - 2

Ông Agustaviano Sofjan - Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM chia sẻ tại chương trình.

Ở Indonesia có những trang phục mang nhiều nét tương đồng với áo dài Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên các nghệ nhân đi sâu tìm hiểu, thể nghiệm làm áo dài bằng Batik.

Áo dài - Batik: Sự giao thoa giữa di sản văn hóa - 3

Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài.

Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho rằng, áo dài là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Trải qua lịch sử hàng trăm năm áo dài ngày càng được bạn bè trên thế giới biết đến với vẻ đẹp thướt tha, duyên dáng cùng với những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần của nhân dân Việt Nam.

“Buổi trình diễn, giới thiệu về vải Batik và áo dài Việt Nam với chủ đề “Áo dài - Batik, nơi di sản hội tụ” cùng với buổi hướng dẫn trang trí trên vải Batik không chỉ là dịp các di sản văn hóa độc đáo của hai dân tộc hội tụ về mà còn là cơ hội để nhân dân Việt Nam chiêm ngưỡng, học hỏi về một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại do UNESCO vinh danh từ đất nước Indonesia”, bà Vân khẳng định.

Áo dài - Batik: Sự giao thoa giữa di sản văn hóa - 4

Batik là một sản phẩm thủ công và nghệ thuật trong nhiều thế kỷ.

Batik được xem là một nét truyền thống lâu đời, là một sản phẩm thủ công và nghệ thuật trong nhiều thế kỷ. Từ “Batik” có nguồn gốc từ tiếng Java là “amba”, có nghĩa là “viết” và “titik - những chấm nhỏ”. Một bản sao từ năm 1520 sau công nguyên được tìm thấy ở tỉnh Tây Java, Indonesia chỉ ra rằng Batik cũng có nghĩa là “viết”.

Trên thực tế, Batik có nghĩa là “viết bằng sáp”, đây là một cách trang trí vải bằng cách phủ một lớp sáp, được gọi là “malam”, lên một phần nhất định của tấm vải, sau đó nhuộm vải. Phần vài được bao phủ bởi lớp sáp sẽ không bị đổi màu khi nhuộm. Do đó, sau khi loại bỏ lớp sáp, tấm vải sẽ xuất hiện sự tương phản về màu sắc giữa phần được nhuộm và phần có lớp sáp bao phủ.

Áo dài - Batik: Sự giao thoa giữa di sản văn hóa - 5

Biểu diễn hát quan họ Việt Nam.

Năm 2009, Batik được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể. Điều này đã mang lại niềm tự hào cũng như một cột mốc chiến lược cho Indonesia và Batik cũng thể hiện chức năng kinh tế quan trọng trong xã hội của quốc gia này.

Áo dài - Batik: Sự giao thoa giữa di sản văn hóa - 6

Biểu diễn trang phục vải Batik Indonesia.

Được biết, Bảo tàng Áo dài đã từng phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM tổ chức triển lãm và trình diễn “Áo dài và Saree” năm 2016. Liên tiếp trong Lễ hội Áo Dài TP.HCM năm 2018 và 2019, Bảo tàng Áo dài đã phối hợp với Hiệp hội hoa vải Tsumami (Nhật Bản) tổ chức triển lãm, trình diễn và lớp hướng dẫn làm hoa vải cho người Việt Nam. Lần đầu tiên những bông hoa có lịch sử gần 200 năm của Nhật Bản được thử nghiệm trang trí trên tà Áo dài Việt Nam đã tạo nên một tác phẩm độc đáo hiếm thấy.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT