Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

James Hill, nhiếp ảnh gia người Mỹ với hơn 32 năm kinh nghiệm chụp ảnh và từng đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá, chia sẻ những bí quyết thú vị về cách chụp, sắp xếp bố cục và chỉnh sửa ảnh phong cảnh, ảnh chân dung bằng điện thoại thông minh.

Ngày nay, việc sở hữu một bức ảnh đẹp không còn là điều quá khó khăn với nhiều người. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã mang đến cho chúng ta những chiếc điện thoại thông minh với khả năng chụp ảnh vô cùng tân tiến và tiện dụng.

Camera trên điện thoại ngày càng được cải tiến về độ phân giải, khả năng zoom, chụp thiếu sáng và xóa phông, cho phép người dùng dễ dàng ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống hằng ngày.

Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ - 1

Với sự vượt trội của công nghệ, camera điện thoại ngày nay đã có thể tạo ra những bức ảnh đẹp như máy ảnh chuyên nghiệp. Ảnh: Andrii Zorii/Getty Images.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ chụp ảnh trên điện thoại di động cũng lắm lúc khiến chúng ta cảm thấy bối rối khi đứng trước lựa chọn khi nào thì nên chụp ảnh và khi nào chỉ nên dành thời gian để ngắm nhìn thế giới xung quanh?

Đối diện với một khoảnh khắc đẹp, chúng ta dễ dàng bị cuốn vào việc cố gắng ghi lại mọi thứ bằng hình ảnh, đến mức quên mất việc thật sự tận hưởng và trải nghiệm chúng bằng chính đôi mắt mình. Việc liên tục giơ điện thoại lên để chụp ảnh sẽ khiến chúng ta bỏ lỡ những chi tiết tinh tế của cuộc sống, những cảm xúc chân thật và những kết nối đáng giá với những người xung quanh.

Với kinh nghiệm dày dạn, nhiếp ảnh gia James Hill đã chỉ ra một số mẹo về thời điểm và những gì cần chụp, cũng như cách chọn bố cục ảnh hợp lý cho những gì mà mắt thường nhìn thấy khi chúng ta đi du lịch.

Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ - 2

"Liệu có nên chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi?". Ảnh: Vadmary.

Đa dạng thể loại ảnh

Hãy cố gắng chụp nhiều thể loại ảnh khác nhau, như ảnh toàn cảnh, ảnh cận cảnh, ảnh chân dung... Trước khi chụp, hãy dành ít thời gian để quan sát đối tượng và tìm ra những đặc trưng như màu sắc, hình dáng độc đáo, cũng như các chi tiết bắt mắt. Đây đều là những thứ tạo nên "hương vị" cho bức ảnh của bạn.

Bên cạnh đó, sẽ rất hữu ích khi sắp xếp những hình ảnh này vào một thư mục riêng trên điện thoại của bạn. Hãy lưu trữ những bức ảnh có góc chụp mà bạn thấy ưng ý vào một album riêng. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể tập trung xử lý hậu kỳ ảnh tốt hơn.

Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ - 3

Hãy cố gắng chụp nhiều thể loại ảnh cho một album. Ảnh: Andrew Angelov.

Quy tắc một phần ba

"Quy tắc một phần ba chưa bao giờ lỗi thời!", James nhấn mạnh. Ý tưởng chia khung hình thành ba phần, theo chiều ngang và chiều dọc đã trở thành một môtip trong sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh.

Đây là khái niệm đặt chủ thể ở góc sao cho chỉ chiếm một phần ba khung hình, xét theo chiều dọc hoặc chiều ngang.

Ngày nay, đa số camera điện thoại đều cho phép bạn bật/tắt lưới bố cục. Hãy truy cập vào phần thiết lập máy ảnh (settings) và cho phép hiển thị phần lưới ảnh. Nhờ đó, bạn có thể căn chỉnh bố cục một phần ba thuận tiện và chính xác hơn.

Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ - 4

Bố cục một phần ba giúp làm nổi bật chủ thể một cách tinh tế. Ảnh: Liza Summer/Pexels.

Thêm chi tiết vào hình ảnh

Để giúp một album ảnh phong cảnh thêm cuốn hút, bạn cần tìm kiếm các điểm nhấn ở tiền cảnh, trung cảnh và khoảng cách.

Hãy tìm một điểm thuận lợi cho phép bạn nhìn thấy các lớp khác nhau của một cảnh. Đồng thời, thử nghiệm nhiều bố cục ảnh khác nhau bằng cách xoay điện thoại theo chiều dọc lẫn chiều ngang. Nếu bạn có nhiều tùy chọn ống kính camera (như góc rộng, góc siêu rộng, góc tele 3x/10x...), hãy dành ít phút để quyết định xem cảnh này nên được chụp bằng ống kính nào sẽ cho hiệu ứng thị giác tốt hơn.

Ngoài ra, để làm phong phú thêm cho hình ảnh, bạn có thể sắp đặt thêm một vài đối tượng phụ khác để tạo điểm nhấn. Đó có thể là một người đang đi bộ dọc theo bãi biển, hoặc một cái cây trên sườn đồi, hoặc một con ngựa trên cánh đồng, hoặc một chiếc xe đạp dựa vào tường. "Nhưng hãy tìm thứ gì đó bắt mắt, tạo nên tỷ lệ và độ tương phản cho cảnh", James chia sẻ thêm.

Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ - 5

Hãy tìm một điểm nhìn cho phép bạn thể hiện được các lớp ảnh khác nhau. Ảnh: Truong Van.

Tìm hậu cảnh phù hợp cho ảnh chân dung

Ưu tiên chọn phông nền "sạch", như một bức tường có màu sắc tương phản với chủ thể, một tấm rèm với họa tiết bắt mắt hay một bầu trời trong xanh... Nếu không thể, hãy di chuyển xung quanh chủ thể để tìm ra một phông nền ít lộn xộn hơn.

Lưu ý, tuyệt đối không để các vật thẳng đứng như đèn đường, thân cây, cột nhà... ở phía sau phần đầu của chủ thể, tạo cảm giác có vật đâm xuyên qua đầu, gây mất thẩm mỹ và làm giảm sự chú ý của người xem vào chủ thể.

Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ - 6

Chọn phông nền sạch sẽ giúp ảnh chân dung thêm thu hút. Ảnh: Stel Antic.

Sử dụng chế độ chụp ảnh tùy chọn

Hầu hết camera điện thoại đều cho phép bạn thiết lập tùy chọn chế độ chụp ảnh, như chụp ảnh chân dung, chụp ảnh toàn cảnh, chụp ảnh RAW, chụp ảnh thức ăn, chụp ảnh đêm... Bạn có thể sử dụng các chế độ này để tiết kiệm thời gian hiệu chỉnh thông số camera như tiêu cự, phơi sáng, cân bằng trắng...

Dành thời gian chọn ảnh

Việc chọn những bức ảnh đẹp nhất cũng quan trọng như việc chụp chúng. Hãy dành thời gian để xem qua tất cả các bức ảnh bạn đã chụp ít nhất hai lần. Nếu có thể, hãy dành hẳn một ngày để cân nhắc bức ảnh nào sẽ dùng, bức ảnh nào không. Bởi vì, mắt chúng ta có thể bị choáng ngợp khi nhìn vào một số lượng lớn hình ảnh và rất dễ bỏ qua một bức ảnh đẹp.

Chỉnh sửa hậu kỳ chớ nên "quá tay"

Camera điện thoại không phải lúc nào cũng đọc ánh sáng chính xác. Thường những người am hiểu nhiếp ảnh sẽ chủ động cân chỉnh độ phơi sáng, đổ bóng hoặc nhiệt độ màu của ảnh khi xử lý hậu kỳ. Ngày nay, với những người không chuyên cũng có thể làm được việc này nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng chỉnh sửa ảnh tích hợp sẵn trong điện thoại.

"Khi chỉnh sửa, điều quan trọng là tập trung vào việc cân bằng tông màu và ánh sáng để tổng thể bức ảnh cho cảm giác gắn kết và liền mạch về phong cách", James nhấn mạnh.

Bí quyết để chụp ảnh bằng điện thoại 'chất lừ' như máy cơ - 7

Không nên chỉnh sửa quá nhiều khi làm hậu kỳ ảnh. Ảnh: arturmarciniecphotos.

Phải thường xuyên "luyện mắt"

Để trở thành một người chụp ảnh giỏi không phải lúc nào cũng lăm lăm máy ảnh trên tay. Điều chúng ta cần làm chính là rèn luyện khả năng quan sát bằng mắt thường. Sở hữu một chiếc điện thoại với camera tân tiến có thể tạo ra các bức ảnh chất lượng, nhưng tính thẩm mỹ và cá tính nghệ thuật chỉ có khi người chụp hiểu rõ từng khoảnh khắc đang diễn ra.

Theo James, mọi người đều muốn chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ của mình để họ có thể ôn lại sau này, nhưng điều quan trọng là phải "ngắm nhìn thế giới mà không cảm thấy có nghĩa vụ phải chụp ảnh". Đôi khi, cảm xúc từ bức ảnh sẽ được thể hiện tốt nhất khi mắt thường cảm thấy hân hoan trước khoảnh khắc được chụp lại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT