Bí quyết chụp ảnh flycam đẹp lung linh như nhiếp ảnh gia

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Với sự tân tiến của công nghệ ngày nay, flycam là một công cụ mạnh mẽ để những người yêu nhiếp ảnh khai thác và sáng tạo nên những bức ảnh chất lượng.

Trong quá trình thực hiện bộ ảnh "50 biểu tượng du lịch TP.HCM", nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân đã khéo léo sử dụng flycam như một công cụ đắc lực để ghi lại vẻ đẹp của thành phố từ trên cao. Nhờ có người bạn đồng hành này, anh đã làm nên những bức ảnh có góc nhìn bao quát, độc đáo, mang đến cảm giác mãn nhãn và ấn tượng cho người xem khi chiêm ngưỡng những công trình quen thuộc dưới một góc độ hoàn toàn mới.

Trên thế giới, flycam cũng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhiếp ảnh. Từ những bức ảnh chụp toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở Iceland hay Patagonia từ trên cao, cho đến những bức ảnh kể về vẻ đẹp hào nhoáng của các siêu đô thị như New York hay Dubai, tất cả đều để lại cảm xúc mạnh mẽ cho người xem.

Bí quyết chụp ảnh flycam đẹp lung linh như nhiếp ảnh gia - 1

Hố phun nước ngầm Strokkur - Điểm du lịch nổi tiếng tại Iceland. Ảnh: Getty Images Signature.

Bí quyết chụp ảnh flycam đẹp lung linh như nhiếp ảnh gia - 2

Toàn cảnh Công viên Quảng trường Washington ở thành phố New York. Ảnh: Getty Images Signature.

 Bí quyết chụp ảnh flycam đẹp lung linh như nhiếp ảnh gia - 3

Dubai hào nhoáng trong ánh đèn đô thị về đêm. Ảnh: Getty Images Signature.

Là một thiết bị nhiếp ảnh hiệu quả, thế nhưng, flycam chỉ có thể phát huy hết sức mạnh thật sự khi người điều khiển nắm vững kỹ thuật xử lý góc máy, cũng như sở hữu một tư duy nghệ thuật tinh tế. Một góc chụp được tính toán kỹ lưỡng, kết hợp với sự nhạy bén trong việc nắm bắt ánh sáng, bố cục và khoảnh khắc, sẽ biến những khung cảnh nhìn từ trên cao trở nên sống động và đầy cảm xúc.

Thực tế, không phải ai cũng nắm bắt được "chìa khóa" mở ra kỹ năng chụp ảnh đẹp bằng flycam. Sau đây là một vài gợi ý giúp việc chụp ảnh bằng flycam của bạn đẹp hơn khi đi du lịch.

Trước tiên, cần hiểu rõ luật sử dụng flycam

Tại Việt Nam, việc sử dụng flycam chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật, trong đó quan trọng nhất là Nghị định 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, và Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thiết lập các khu vực cấm bay, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Theo đó, nguyên tắc chung là mọi hoạt động bay flycam, dù là cho mục đích cá nhân, giải trí hay thương mại, đều phải được cấp phép.

Cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc cấp phép và quản lý hoạt động này là Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng. Để xin giấy phép, người dùng cần nộp hồ sơ bao gồm các thông tin chi tiết về người điều khiển, thông số kỹ thuật của flycam, khu vực dự kiến bay, độ cao, thời gian bay và mục đích sử dụng.

Có những khu vực cấm bay tuyệt đối hoặc hạn chế bay như khu vực sân bay và vùng phụ cận (thường trong bán kính 8km trở lên), các công trình quốc phòng, khu vực quân sự, trụ sở các cơ quan nhà nước quan trọng, khu vực biên giới và các khu vực nhạy cảm khác liên quan đến an ninh quốc gia.

Việc điều khiển flycam khi chưa được cấp phép hoặc bay vào các khu vực cấm có thể dẫn đến các hình thức xử phạt nghiêm khắc, bao gồm phạt tiền hành chính và tịch thu thiết bị. Do đó, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy định này để bảo đảm an toàn, an ninh và tránh vi phạm pháp luật khi có ý định sử dụng flycam tại Việt Nam.

Bí quyết chụp ảnh flycam đẹp lung linh như nhiếp ảnh gia - 4

Cần có giấy phép mới được bay flycam tại Việt Nam.

Thấu hiểu flycam của mình

Sai lầm thường thấy ở những người lần đầu bay flycam chính là cố gắng bay càng cao càng tốt, để rồi chụp lại những bức ảnh thiếu điểm lấy nét hoặc không có bố cục mạnh.

Để có được bức ảnh nhiều chi tiết khi chụp bằng flycam, hãy thiết lập thông số ISO ở mức thấp, thường là 100. Đồng thời, thiết lập định dạng ảnh trả về là RAW để bảo toàn các thông số kỹ thuật cũng như độ chi tiết trong bức ảnh. Khi trải qua xử lý hậu kỳ, những bức ảnh RAW có khả năng giữ lại nhiều chi tiết nhất so với các định dạng ảnh khác.

Bạn cũng cần lưu ý cập nhật thường xuyên các bản vá kỹ thuật và nâng cấp cho flycam của mình, được nhà sản xuất phân phối định kỳ theo quý hoặc năm, để bảo đảm thiết bị vận hành trơn tru.

Bí quyết chụp ảnh flycam đẹp lung linh như nhiếp ảnh gia - 5

Việc am hiểu chi tiết cách sử dụng flycam sẽ giúp bạn khai thác tốt thiết bị của mình: Ảnh: Pexels.

Sử dụng bản đồ, kết hợp với dự báo thời tiết để căn chỉnh góc chụp và thời điểm chụp lý tưởng

Việc nắm bắt rõ ràng dáng hình chủ thể trước khi chụp bằng bản đồ giấy hoặc bản đồ 3D sẽ giúp bạn dễ dàng hình thành ý tưởng bố cục trong đầu.

Khi đã xác định địa điểm chụp, điều tiếp theo cần làm chính là tìm ra khung giờ "vàng". Thông thường, chụp ảnh vào khoảng thời gian bình minh và hoàng hôn thường sẽ tạo ra những bức ảnh ấn tượng nhất với ánh sáng ấm áp và đổ bóng hoàn hảo.

Tuy nhiên, nếu thời tiết bất lợi thì khung giờ "vàng" này cũng vô tác dụng. Vì vậy, hãy dành thời gian theo dõi các bản tin dự báo thời tiết để nắm bắt hướng gió, điều kiện nắng/mưa tại điểm chụp để việc điều khiển flycam thuận lợi hơn.

Chú ý các đường nét trên vật thể, tìm hướng ánh sáng ấn tượng trong khi bay flycam

Mặt nước sông gợn sóng hay phản chiếu ánh sáng mặt trời, cánh đồng xanh bát ngát lay động trong gió thoảng qua, dáng hình của những tán cây xanh chụm lại có thể tạo ra các họa tiết và đường nét hấp dẫn cho bức ảnh của bạn.

Cũng đừng bỏ qua hướng ánh sáng chiếu đến chủ thể. Đôi khi, ánh sáng tốt nhất không có nghĩa là ánh sáng chói chang, rực rỡ. Tùy thuộc vào thông điệp và cảm xúc mà bạn muốn truyền tải đến người xem mà có thể chọn chụp trong điều kiện ánh sáng khuếch tán hay ánh sáng cô đọng. Vào những ngày trời đầy mây, u ám, việc chọn góc chụp thẳng đứng 90 độ, nhìn xuống chủ thể sẽ là một điều hợp lý và mang lại hiệu quả tốt nhất cho bức ảnh.

Chụp ảnh bằng flycam vào lúc chạng vạng cũng có thể tạo ra một bức ảnh hấp dẫn. Đây là thời điểm sau khi mặt trời lặn và trước khi màn đêm buông xuống hoàn toàn. Khi đó, hãy thiết lập flycam ở chế độ phơi sáng thủ công, đặt ISO thành 100 và liên tục thử nghiệm với các lần phơi sáng lâu cho đến khi bạn có được bức ảnh ưng ý.

Bí quyết chụp ảnh flycam đẹp lung linh như nhiếp ảnh gia - 6

Một góc chụp flycam thẳng đứng từ trên xuống. Ảnh: Pexels.

Một lưu ý nhỏ cuối cùng, chính là hãy quan sát, học tập các góc chụp flycam của những nhiếp ảnh gia để cải thiện góc chụp của mình. Việc học hỏi này không chỉ giúp bạn thoát khỏi những góc chụp quen thuộc, nhàm chán mà còn rèn luyện tư duy về bố cục, ánh sáng và cách kể chuyện bằng hình ảnh từ một phối cảnh hoàn toàn khác biệt. Nhờ đó, những bức ảnh flycam của bạn sẽ trở nên sáng tạo, chuyên nghiệp và có sức hút hơn hẳn, ngay cả khi bạn chưa phải là một nhiếp ảnh gia dày dạn kinh nghiệm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT