Vẽ những hành trình xanh
Những năm gần đây, du lịch xanh được xem là xu thế phát triển bền vững ở Việt Nam với những tác động tích cực góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn các di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên. Là một người đam mê du lịch khám phá, dưới đây là một số cách mà tôi đã và đang thực hiện để có một chuyến du lịch “xanh” theo cách của mình.
Hạn chế đồ nhựa dùng một lần
Không thể phủ nhận sự tiện lợi mà các món đồ nhựa mang đến trong cuộc sống cũng như trong các chuyến du lịch. Nhưng mỗi lần đến một bãi biển nhìn rác thải nhựa trôi dạt vào hay vỏ chai nhựa ngổn ngang dọc đường leo núi, tôi lại tự nhủ phải thay đổi thói quen. Tôi và các bạn đồng hành giao ước với nhau mỗi người tự mang theo chén đĩa riêng thay vì dùng chén đĩa nhựa.
Trước khi rời khỏi địa điểm cắm trại, tôi đều dọn sạch rác với tinh thần “không lấy đi gì ngoài những bức ảnh - không để lại gì ngoài những dấu chân”. Tương tự với các món đồ như chai nước, áo mưa tôi cũng hạn chế mua loại dùng một lần và luôn tìm cách để tái sử dụng chúng.
Trong nhiều chuyến đi trong nước và hay một vài quốc gia, tôi đã bắt gặp người dân chuẩn bị rất nhiều điểm tiếp nước miễn phí dọc đường cho khách du lịch. Đó là các thùng nước đặt dọc đường ở miền Tây, những chum nước mát lành dưới bóng cây ở Myanmar hay các trụ nước dọc đường trekking ở Nepal. Khi đó, chỉ cần một chiếc bình, cả chặng đường tôi chẳng bao giờ lo đến việc phải mua nước.
Đi ăn trực tiếp tại quán
Với sự phát triển nhanh chóng của các app giao hàng, nhiều người đi du lịch chỉ cần ở khách sạn mà vẫn tha hồ chọn lựa và thưởng thức được các món ăn đặc sản. Và các bạn chắc cũng từng gặp trường hợp na ná tôi: đặt một tô bún bò được đính kèm đâu đó gần chục món đồ nhựa: một bịch bún, một bịch nước, một bịch chanh ớt, một bịch sa tế, một bịch rau, thìa, hộp xốp.
Trong khi đó, chỉ cần vượt lười đến quán ăn là có ngay tô bún bò nóng hổi. Tôi nhớ cảm giác thích thú khi được xem tráng phở và ăn phở gà đen thơm lừng ở Tráng Kìm, nhớ cái không khí tất bật của buổi chợ phiên và hương vị món bánh đúc ngô, nhớ cuộc gặp gỡ bất ngờ với những người bạn mới quen ở một quán café trên Đà Lạt… Đi ăn không chỉ đơn thuần là một trải nghiệm ẩm thực mà còn là cơ hội để tìm hiểu văn hóa địa phương, giúp chúng ta có thêm những kỷ niệm đẹp, thực hành lối sống xanh.
Gia tăng hoạt động ngoài trời hướng đến thiên nhiên
Việc cho thêm vài hoạt động ngoài trời luôn xuất hiện trong các chuyến du lịch của tôi. Từ nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe khám phá thành phố đến các hoạt động thể thao cần thể lực như trekking đường dài, bơi, leo núi, chạy bộ, chèo sup…
Tùy độ dài chuyến đi, tình hình thời tiết mà tôi sẽ cân nhắc hoạt động phù hợp để trải nghiệm. Những hoạt động này không chỉ giúp tôi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai của cơ thể mà còn giúp tôi có thời gian chậm lại quan sát, cảm nhận và tận hưởng bầu không khí thiên nhiên của vùng đất mình đang tới.
Một buổi sáng dậy sớm đi bộ men theo con đường Vách đá trắng cheo leo nơi lưng chừng núi, tôi gặp những em bé theo cha mẹ đi làm nương, gặp những người đồng bào người Dao dù không nói được tiếng Kinh nhưng vẫn nhiệt tình chỉ đường, gặp cả một biển mây trắng bao phủ khắp núi đồi hùng vĩ. Đôi khi chúng ta thật sự cần chậm lại, chỉ để hít thở thật sâu để được “chữa lành” bởi thiên nhiên.
Du lịch kết hợp hoạt động tình nguyện
Mỗi chuyến đi luôn mở ra trước mắt ta những chân trời mới. Tôi nghĩ rằng càng ý nghĩa hơn nếu trong chuyến đi ấy bạn có thể góp sức mình vào một hoạt động thiện nguyện. Ký ức của chúng ta về miền đất đã đi qua, vì thế mà càng khắc sâu, càng khó phai nhòa.
Du lịch tình nguyện hiểu một cách đơn giản là sự kết hợp giữa việc đi du lịch tới một địa điểm kèm theo một trong các mục đích: hỗ trợ công tác thiện nguyện như bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai, dạy học, y tế…
Một trong những trải nghiệm đáng nhớ của tôi là được làm tình nguyện viên đỡ đẻ cho rùa biển trong vòng 2 tuần ở Côn Đảo. Sự thú vị của công việc không chỉ ở việc được tận mắt xem rùa đẻ trứng, thả những chú rùa con về biển mà còn là những ngày sống khác ở một hòn đảo không có người dân sinh sống. Hàng ngày tôi học cách xem thủy triều canh giờ rùa lên đẻ trứng, đi dọn rác dọc bờ biển, đi trekking khám phá hay bơi lặn ngắm san hô…
Chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu thích biển như vậy và đã quay rất nhiều video, chụp hình, viết các bài báo lan tỏa tinh thần trách nhiệm với hoạt động bảo tồn rùa biển, bảo vệ thiên nhiên.
Du lịch xanh - chữa lành từ bên trong
Với nhịp sống hiện đại, đôi khi công việc đòi hỏi chúng ta phải dính lấy chiếc điện thoại, laptop phần lớn thời gian trong ngày. Bên cạnh đó là rất nhiều áp lực trong cuộc sống luôn đè nặng khiến những tour du lịch “chữa lành” ngày càng được ưa chuộng.
Với tôi, khái niệm “chữa lành” thật ra vô cùng đơn giản. Đó là một sáng cuối tuần được đạp xe về ngoại ô thỏa thích ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh mát tầm mắt, tự tay thu hái trái cây ở miệt vườn, là một chuyến đạp xe giữa rừng Nam Cát Tiên ngâm chân trong dòng suối mát, lắng nghe chim kêu vượn hót, ngắm sương sớm trên Bàu Sấu…