Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việt Nam là một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á đối với khách nước ngoài. Khi khám phá dải đất chữ S, đôi khi họ có thể mắc phải các sai lầm giống nhau.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 1

Việt Nam nằm ở bán đảo Đông Dương, có đường bờ biển dài và rất nhiều điều để khám phá, từ thành phố, làng mạc đến núi non, bãi biển, hang động.

Đây cũng được biết đến là một trong những điểm du lịch có chi phí hợp lý nhất ở Đông Nam Á. Vào năm 2019, khoảng 18 triệu du khách đã đến thăm dải đất hình chữ S.

Nhiều người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới cũng chọn Việt Nam là "nhà", với hơn 100.000 người hiện sinh sống lâu dài ở các thành phố.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 2

Ian Paynton sống tại Việt Nam từ năm 2010. Ảnh: Ian Paynton.

Ian Paynton, người Anh, đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007. Sau đó 3 năm, anh quyết định định cư tại Hà Nội. Sau khoảng một thập kỷ sinh sống tại Việt Nam, Ian nhận thấy khách du lịch thường lầm tưởng hoặc mắc phải một số vấn đề tương tự khi đi du lịch nước ta.

Anh chỉ ra 7 điều phổ biến khách du lịch cần chú ý.

1. Tránh mặc đồ hở hang quanh thành phố

Tiêu chuẩn cái đẹp ở Việt Nam là sự thanh lịch và việc mặc những bộ đồ hở hang quá nhiều là không phù hợp. Điều này đặc biệt đúng khi đến thăm các ngôi đền, chùa.

Vào năm 2016, một người nước ngoài từng bị yêu cầu ra khỏi địa điểm linh thiêng vì mặc áo ngực và quần đùi.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 3

Vịnh Nha Trang. Ảnh: Khanh Bui.

Việc một người đi lại trong thành phố khi mặc đồ "thiếu vải" (như đồ bơi đi biển) cũng sẽ khiến họ bắt gặp những ánh mắt tò mò của người dân địa phương.

2. Việc chen hàng và giao thông lộn xộn

Mặc dù có những sự thay đổi tích cực, việc xếp hàng ở Việt Nam dường như không phổ biến, trừ một số địa điểm như ngân hàng hoặc quầy nhập cư tại sân bay. Khách du lịch có thể cảm thấy thất vọng, đặc biệt nếu họ không quen với điều này.

Tuy nhiên, người dân địa phương không coi đó là hành động thô lỗ. Một số thấy những người khác được hưởng lợi từ việc chen hàng nên họ cũng làm theo.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 4

Giao thông và xe máy tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Marielle Descalsota.

Điều tương tự cũng xảy ra đối với tắc đường. Việt Nam có hơn 65 triệu xe máy tính đến năm 2020, theo Statista. Tại các thành phố lớn, các tuyến đường trở nên đông đúc vào giờ cao điểm và việc những người tham gia giao thông cố gắng chen lấn làn đường là điều hoàn toàn bình thường.

3. Tôn trọng bàn thờ của người dân địa phương

Giống như ở một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nhà ở, nhà hàng và nơi làm việc của người Việt thường có bàn thờ để cúng đồ ăn thức uống, tỏ lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 5

Bàn thờ ở một cửa hàng. Ảnh: Roberto Schmidt.

Đây là vật linh thiêng và khách du lịch nước ngoài nên tỏ sự tôn trọng với tín ngưỡng của người địa phương. Chẳng hạn, bạn nên cởi giày dép để ở ngoài trước khi bước vào những nơi có bàn thờ.

4. Cẩn thận lừa đảo ở club khi dùng app hẹn hò

Khách du lịch nên cẩn thận nếu được yêu cầu gặp nhau trong hộp đêm cho buổi hẹn hò đầu tiên. Một số người đã cảnh báo những hướng dẫn viên du lịch và nhân viên, quản lý các bar, club đang sử dụng các ứng dụng như Tinder để tìm kiếm khách hàng.

Một chủ đề trên mạng về Việt Nam từ tháng 11/2022 đã nêu chi tiết cách thức lừa đảo này đang trở nên phổ biến hơn.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 6

Một club tại TP.HCM. Ảnh: Marielle Descalsota.

Sau khi kết đôi trên Tinder, những người dẫn dắt mời khách đến quán bar nơi họ làm việc. Mánh khóe này được thực hiện để thu hút nhiều khách hàng hơn. Người nước ngoài khi đến những cơ sở này thường bị mời rất nhiều món rượu, mục đích để hóa đơn cao, đem lợi ích về hoa hồng cho những nhân viên booking.

5. Đừng ngại mặc cả với người bán hàng rong

Những người bán hàng rong rất phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê của Statista, có hơn 430.000 người bán đồ ăn đường phố trên khắp đất nước vào năm 2018.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 7

Quầy hàng rong tại TP.HCM. Ảnh: Marielle Descalsota.

Những người bán đồ ăn đường phố thường có một tấm biển ghi các món ăn mà họ bán có giá bao nhiêu và không nên mặc cả. Trong khi những người bán hàng rong khác, với các mặt hàng như quần áo và nữ trang, thường tính giá quá cao cho người nước ngoài, đặc biệt là tại các điểm du lịch hấp dẫn.

Một mẹo nhỏ khi mặc cả với những người này là trả giá bằng một nửa giá niêm yết.

Một số người bán hàng thường thu tiền của khách du lịch khi chụp ảnh họ. Ví dụ, ở Hà Nội, những người bán trái cây sẽ mời khách du lịch chụp ảnh với nón lá và giỏ trái cây của họ. Điều thú vị là du khách chỉ được yêu cầu trả khoảng một USD hoặc hơn.

6. Ưu tiên trải nghiệm ra khỏi Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM

Khi đến thăm Việt Nam, ngoài các điểm dừng chân là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. HCM, du khách nên nghiên cứu những điểm đến hấp dẫn khác.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 8

Thung lũng tuyệt đẹp ở Hà Giang. Ảnh: Ian Paynton.

Việt Nam có diện tích khá rộng với nhiều cảnh quan thiên nhiên trải dài từ bắc chí nam. Một số địa điểm không thể bỏ qua bao gồm ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái), đồi núi hùng vĩ của tỉnh Hà Giang, rừng rậm và hang động ở Phong Nha (Quảng Bình) và cố đô Huế ở miền Trung.

7. Không nên bực bội nếu lịch trình không theo đúng kế hoạch

Trong chuyến đi xuyên Việt, du khách có khả năng sẽ gặp phải trường hợp mọi thứ không diễn ra như kế hoạch. Người cung cấp dịch vụ thường nói một đằng, nhưng thực tế có thể là một nẻo. Thay vì thất vọng và tức giận, du khách có thể mong chờ vào những bất ngờ sẽ được trải nghiệm.

Khách Tây lưu ý 7 điều nên nhớ khi du lịch Việt Nam - 9

Khách du lịch ở vịnh Hạ Long. Ảnh: Sebastian Kahnert.

Dù có đến muộn hay thay đổi kế hoạch vào phút cuối, đó là điều khách du lịch nên chuẩn bị tinh thần để đón nhận một cách linh hoạt vì người dân địa phương tin rằng cuối cùng mọi việc sẽ ổn thỏa, bằng cách này hay cách khác.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

An Ngọc (Zing News)

CLIP HOT

Lập web giả mạo - chiêu trò mới trong lừa đảo combo du lịch
Lập web giả mạo - chiêu trò mới trong lừa đảo combo du lịch

Lừa đảo dưới hình thức du lịch không phải là chiêu thức mới, thế nhưng vẫn có khá nhiều người dân sập bẫy. Bởi những đối tượng lừa đảo đã sử dụng những chiêu thức hết sức tinh vi, đặc biệt trong thời gian qua nổi lên hiện tượng nhiều đối tượng đã giả lập những website, fanpage và Công ty du lịch để tạo lòng tin cho khách hàng. Khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán những