Chưa hè đã liên tiếp các vụ học sinh tử vong do đuối nước: Khung giờ cha mẹ cần giám sát trẻ chặt chẽ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khoảng thời gian buổi trưa, buổi chiều sau khi tan học, phụ huynh cần nắm được con em mình đi đâu, làm gì. Theo nghiên cứu, thống kê, đây là khoảng thời gian thường xuyên xảy ra đuối nước ở trẻ em.

Chưa hè đã liên tiếp các vụ học sinh tử vong do đuối nước: Khung giờ cha mẹ cần giám sát trẻ chặt chẽ - 1

Ảnh minh hoạ

Liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm

Vụ việc 3 học sinh tắm ao đuối nước trên đường đi học ở Sơn La khiến dư luận xót xa. Đáng buồn hơn, đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tai nạn đuối nước xảy ra trong thời gian ngắn từ đầu tháng 4 đến nay.

Theo đó, ngày 15/4, một nhóm học sinh trường Tiểu học -THCS Phổng Lăng rủ nhau đi tắm ao thuộc khu vực bản Lăng Nọi, xã Phổng Lăng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Tắm xong, một số em lên bờ chuẩn bị đi học, còn 3 em là Cà Văn Đ. Quàng Hải B. (học sinh lớp 5A1) và em Lò Văn S. (học sinh lớp 4A1) vẫn tiếp tục tắm.

Vào giờ học chiều, giáo viên điểm danh thì không thấy 3 em nên đã báo với người nhà đi tìm. Mọi người ra khu vực ao các cháu hay tắm (cách trường gần 300m) thì phát hiện cả 3 em bị chìm phía dưới cái bè tre.

Chưa hè đã liên tiếp các vụ học sinh tử vong do đuối nước: Khung giờ cha mẹ cần giám sát trẻ chặt chẽ - 2

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em

Trước đó, chỉ trong ngày 14/4, liên tiếp những vụ trẻ đuối nước đã xảy ra tại nhiều địa phương. Cụ thể, em H.A.K. (học sinh lớp 3C, trường Tiểu học Quỳnh Thanh B., xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bị nước cuốn trôi, tử vong khi cùng nhóm bạn tắm sông.

Chiều 14/4, tại xã Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng có học sinh chết đuối khi đi tắm thác. Theo đó, em Nguyễn Thị L. (SN 2005, trú tại thôn 4, xã Sơn Lĩnh) cùng bạn đi tắm tại thác Xài Phố. Quá trình tắm tại đây, không may em L. bị sẩy chân đuối nước.

Cũng trong ngày 14/4, 2 học sinh của trường THCS Đào Xá cũng bị nước cuốn mất tích khi rủ nhau đi tắm sông Đà (đoạn qua địa phận xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Đến ngày 17/4, người dân cùng lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của 2 em học sinh này.

Mới đây nhất là ngày 16/4, Nguyễn Đức Khánh Công (SN 2012), Nguyễn Văn Phú (SN 2012), Đào Công Hiếu (SN 2012), Lý Văn Kiên (SN 2010), Lý Văn Kiệt (SN 2012, em ruột Kiên) đều là học sinh trường tiểu học Quý Sơn 1, rủ nhau ra hồ Làng Thum (Lục Ngạn, Bắc Giang) chơi. Trong lúc chơi đùa, không may 3 cháu Phú, Kiên và Kiệt trượt chân ngã xuống hồ dẫn tới đuối nước. Do khu vực hồ Làng Thum có ít người qua lại nên khi có người lớn phát hiện vụ việc thì các cháu đã tử vong.

Dạy kỹ năng bơi cho trẻ là hết sức cần thiết

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây đuối nước ở trẻ em là tỉ lệ trẻ biết bơi thấp, kĩ năng an toàn trong môi trường nước không cao. Thiếu sự giám sát của người lớn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Môi trường sống xung quanh của trẻ còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ gây đuối nước.

Chưa hè đã liên tiếp các vụ học sinh tử vong do đuối nước: Khung giờ cha mẹ cần giám sát trẻ chặt chẽ - 3

Một lớp học bơi cho trẻ. Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, để cải thiện tình trạng đuối nước ở trẻ em thì cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước ở sông, hồ... phải có những biển báo. Bên cạnh đó, môi trường xung quanh gia đình cũng cần được rào chắn an toàn.

Cục trưởng Cục Trẻ cho rằng, dạy kỹ năng và dạy bơi cho trẻ em hết sức cần thiết. Bên cạnh việc học bơi, các em cũng cần được huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống. "Gia đình nào có con nhỏ thì cha mẹ phải nhắc nhở các em không được tắm sông, hồ. Bên cạnh đó, nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở về nguy cơ và biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ trong những tiết học có liên quan", ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, gia đình phải thường xuyên giám sát các em. Đặc biệt khoảng thời gian buổi trưa, buổi chiều sau khi tan học, phụ huynh cần nắm được con em mình đi đâu, làm gì. Theo nghiên cứu, thống kê, thời gian trẻ em thường xuyên xảy ra đuối nước rơi vào khung giờ trên.

Cục trưởng Cục Trẻ em đề nghị, cộng đồng cũng có những giám sát với đối tượng này. Với những vùng ven sông, suối... nơi hay có trẻ em tắm, chính quyền địa phương và các đoàn thể phải có những biển báo và phân công người thường xuyên đi tuần để nhắc nhở các em. "Các địa phương biết hết khu vực nào trẻ em hay tắm. Vấn đề ở đây là cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở các em. Vai trò chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ dịp hè", ông Nam nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Long (Phụ nữ Việt Nam)