Cách bày mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mâm ngũ quả từng vùng miền có sự khác nhau do đặc trưng văn hóa, khí hậu, sản vật nhưng đều mang ý nghĩa cầu cho năm mới sung túc, khỏe mạnh và bình an.

Mâm ngũ quả là luôn là phần không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên, gợi nên phong vị ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Theo quan niệm dân gian, mâm ngũ quả có 5 loại trái cây, tương ứng với ngũ hành: kim - thủy - mộc - hỏa - thổ.

Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, ông bà xưa chọn số 5 vì quan niệm đây là con số tượng trưng cho phú, quý, thọ, khang, ninh (nghĩa là giàu có, sang trọng, sống lâu, mạnh khỏe, bình an).

Mâm ngũ quả của 3 miền

Mỗi loại quả tượng trưng cho nguyện ước của gia chủ trong năm mới, hy vọng phúc lộc đầy nhà, gia đình yên ấm, khỏe mạnh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc trưng văn hóa, khí hậu, sản vật của từng miền mà người dân sẽ chọn những loại quả khác nhau dâng lên tổ tiên.

Mâm ngũ quả mang ý nghĩa vạn vật dung hòa cùng trời đất, do đó được phối theo 5 màu đại diện cho từng yếu tố: kim - trắng, mộc - xanh, thủy - đen, hỏa - đỏ, thổ - vàng.

Cách bày mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán - 1

Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường có nhiều màu sắc nhất trong 3 miền. Ảnh: Ilovepho_restaurant_crowsnest.

Mâm quả miền Bắc thường có các loại như chuối, cam, phật thủ, bưởi, đào, quất, quýt, hồng, ớt...

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam), khi bày mâm ngũ quả truyền thống, nải chuối xanh được đặt dưới cùng, ở giữa là trái bưởi, điểm xuyết xung quanh là quất, quýt, táo...

Nải chuối xanh được đặt dưới cùng tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, bao bọc và che chở lẫn nhau.

Trong 3 miền, mâm ngũ quả miền Bắc thường có nhiều màu sắc hơn cả, thể hiện ước muốn đạt được "ngũ phúc lâm môn".

Ngoài ra họ có thể cúng lựu vì loại quả này nhiều hạt, tượng trưng con đàn cháu đống, hay phật thủ là bàn tay Phật che chở cả gia đình, bưởi thể hiện mong muốn an khang, thịnh vượng, cam, quýt chính là sự thành đạt.

Cách bày mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán - 2

Mâm ngũ quả của người miền Nam thường mang ý nghĩa năm mới sung túc, đủ đầy. Ảnh: Vietnam Visa.

Trong khi người miền Bắc rất chuộng cúng chuối, người miền Nam lại rất kỵ bày loại quả này trên mâm cúng. Bởi cách phát âm của "chuối" trong giọng miền Nam giống với "chúi" trong "chúi nhủi" - làm ăn không phất lên được.

Mâm ngũ của của người miền Nam thường có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài dựa theo mong ước "cầu vừa đủ xài" - mong cho năm mới đầy đủ, sung túc.

Cách bày mâm ngũ quả bắt đầu với những quả lớn như mãng cầu, đu đủ, dừa đặt trước để lấy thế. Tiếp đến, các quả nhỏ được bày lên trên, sắp xếp hợp lý để có hình dạng như ngọn tháp. Ngoài ra, có thể đặt cặp dưa hấu ở 2 bên sau khi đã hoàn thành mâm quả.

Những loại trái như cam, quýt không được dùng làm đồ cúng vì người miền Nam quan niệm đây là những loại quả kém may mắn, gắn với câu "quýt làm cam chịu".

Nếu người miền Bắc và miền Nam rất quan trọng ý nghĩa tâm linh phía sau tên gọi hay ý nghĩa từng loại quả, người miền Trung ít cứng nhắc trong việc lựa chọn cho mâm ngũ quả.

Cách bày mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán - 3

Người miền Trung có gì cúng nấy, không cầu kỳ trong chọn loại trái cho mâm quả. Ảnh: Hangladyy257.

Với đặc trưng là vùng có khí hậu khắc nghiệt, ít sản vật trái cây hơn các miền khác nên người dân miền Trung quan niệm "có gì cúng nấy", miễn thể hiện được lòng thành kính của gia chủ với tổ tiên.

Từ lý do đó, mỗi gia đình ở miền Trung lại có mâm ngũ quả với những loại trái khác nhau. Mâm quả thường bao gồm thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, dứa, táo, cam, lê, mãng cầu...

Ngày nay, khi các loại trái cây ngày càng đa dang, các gia đình thường bày mâm quả nhiều hơn 5 loại trái. Một số gia đình có thể cầu kỳ hơn khi lựa chọn số lẻ cho mâm quả.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đinh Phạm (Zing News)