Bí kíp chung sống hòa bình với chứng say độ cao khi đi leo núi
Say độ cao, nhẹ thì choáng váng, khó thở, nhức đầu nôn ói, nặng thì nằm vật, mất ý thức, chờ máy bay tải về bệnh viện thủ đô và xì ra 3000 USD. Đấy, nghe thế ai chả sợ!
Trước chuyến đi leo núi dài ngày, tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu về chứng say độ cao hay còn gọi là say núi cấp tính (tiếng Anh: acute mountain sickness AMS) là ảnh hưởng bệnh lý của độ cao đối với con người, do tiếp xúc đột ngột với môi trường có áp suất riêng phần của khí ôxy thấp ở độ cao lớn, thường là trên 2.400 mét.
Cung đường trekking tôi chọn ở Nepal bắt đầu từ độ cao trên 1000m, mỗi ngày đều tăng độ cao trung bình 600-900m. Độ cao lớn nhất mà tôi phải vượt qua là đèo Throngla 5416m. Cộng thêm việc thời tiết tháng 11 trời lạnh, nhiều nơi xuống -10 độ C khiến việc sống chung với say độ cao càng trở nên quan trọng.
Cung đường trekking ở Nepal bắt đầu từ độ cao trên 1000m
Thực ra nhiều người bạn từng đi leo núi, trekking lẫn nhiều tài liệu tôi đọc được đều kết luận rằng say độ cao là do thể trạng, không liên quan mấy đến việc bạn mập hay ốm, khoẻ như trâu hay bánh bèo yếu đuối. Kiểu như trời kêu ai nấy dạ. Nhưng thực tế trải qua trong chuyến đi giúp tôi đúc rút được một số kinh nghiệm để sống chung yên bình với say độ cao, hi vọng sẽ giúp ích được cho nhiều người.
Tập thể lực trước chuyến đi
Như đã nói ở trên, say độ cao có thể đến với người khỏe nhất nhóm. Nhưng như thế không đồng nghĩa với việc bạn chẳng tập tành gì mà đòi đi trekking lên đến độ cao hơn 5000m.
Bạn phải có sức khỏe để đi leo núi, để làm gì? Để không làm gánh nặng cho các bạn chung đoàn khi phải đi chậm để chờ một mình bạn, hay phải vác giúp bạn balo hoặc có khi là cõng bạn khi bạn hết sức. Và trên hết, phải khoẻ để có sức chụp hình, ngắm núi, tận hưởng chuyến đi mà bạn đã mong chờ cũng như tốn tiền để có được.
Tôi đã chạy bộ 6 tháng trước chuyến đi. Chạy bộ giúp tăng sức bền của đôi chân đặc biệt là bắp chân. Quan trọng nhất, chạy bộ giúp tôi kiểm soát, điều hòa hơi thở của mình. Điều này giúp tôi thích ứng tốt với việc hít thở khi ở trên núi cao, không khí loãng.
Uống nhiều nước
Hãy uống nhiều nước! Đó là câu mà Ganesh – người dẫn đường của tôi lặp lại mỗi bữa cơm, nhắc nhở tôi không biết chán. Đó hẳn là điều rất ít người chú ý đến khi đi trekking. Bởi thời tiết trên núi càng đi lên nhiệt độ càng giảm, trời càng mát, thậm chí là tuyết rơi khiến cơ thể bị đánh lừa, không cảm thấy khát nước nên không bổ sung nước.
Sau khi được nhắc nhở thì tôi chú trọng hơn việc uống nước, đặt một chai nhỏ ở vị trí dễ dàng lấy ra bên hông balo, cứ 30 phút lại uống một ngụm. Mỗi ngày bắt buộc phải uống đủ 2 lít nước.
Có những ngày trời rất mát, thậm chí ngày đi qua đèo Thorongla, nước để trong chai nhựa ở balo đều đóng băng đá. Nhưng tôi và các bạn chung đoàn vẫn đều đặn nhắc nhau nửa tiếng dừng uống nước một lần, không khát cũng uống, lạnh cũng ráng uống, phá đá ra để uống lạnh buốt răng.
Uống nhiều nước để hạn chế việc say độ cao
Ngoài nước ra thì tôi cũng được khuyến khích uống trà gừng mỗi sáng, mỗi tối. Thế là ròng rã 2 tuần trên núi, cứ tối tối, sáng sáng, một anh lớn tuổi trong đoàn pha trà gừng cho uống rất ấm bụng. Ngoài ra thì tôi còn bổ sung thêm viên C sủi, viên uống tăng lực hòa vào nước uống… Nói chung nước chính là sự sống. Uống đủ nước còn hạn chế khô da, chống nứt môi.
Cố gắng ăn
Sau thần chú “uống nhiều nước” thì tôi còn phải tự động viên bản thân ăn. Đến một đất nước xa lạ, ăn những món cơm bản địa đầy mùi cà ri hoặc các món ăn nhanh lặp đi lặp lại như spaghetti, hamburger rất dễ làm chúng ta chán nản. Tôi cũng rơi vào tình trạng như thế.
Nhưng may mắn cho tôi là đi cùng nhóm bạn đông người, chúng tôi mang theo một ít gia vị từ Việt Nam, kết hợp với nguyên liệu sẵn có tại các khách sạn trên núi như gà, bò, trứng, rau củ… để làm các món đơn giản ăn với cơm.
Tự nấu ăn cũng là một giải pháp tốt khi đi trekking
Dù vậy, không ít bữa ăn trên độ cao 4000m trở lên, tôi và các bạn đều ngao ngán nhìn nhau, cơm không muốn nuốt. Đĩa mì hay cơm mới bưng ra còn nghi ngút khói, vài phút sau đã nguội lạnh vì thời tiết. Lúc ấy, bạn tôi đùa: ăn đi, ăn để có năng lượng tỏa nhiệt giữ ấm cơ thể. Từ đó cái slogan chuyến đi “Ăn để tỏa nhiệt” ra đời. Cả đám phá lên cười rồi lại cố gắng ăn.
Tăng độ cao từ từ, leo cao ngủ thấp
Cung đường trekking của tôi ròng rã hơn 10 ngày quanh dãy Annapurna. Tôi khá hài lòng với lộ trình mà người dẫn đường thiết kế. Theo đó, mỗi ngày tôi xuất phát khoảng 7h30, sau khi ăn bữa sáng, đi quãng đường khoảng 10-15km, chênh lệch độ cao khoảng 600 – 900m. Điều này giúp cơ thể chúng ta thích ứng dần dần với độ cao, tránh việc bị sốc.
Đoạn đường trekking tăng dần độ khó mỗi ngày
Thêm một điều nữa mà chúng tôi đã trải qua đó là: từ trên 3000m, mỗi ngày đều có 1 bài tập up độ cao, chính xác là: leo cao ngủ thấp. Hiểu một cách đơn giản là mỗi buổi chiều, về đến tea house, chúng tôi bỏ lại đồ đạc rồi leo lên một ngọn đồi nào đó cao hơn, đứng hít thở, rồi tụt xuống chỉ để thích ứng với chỗ ngủ.
Đặc biệt giữa hành trình, tôi có một ngày nghỉ ngơi ở làng Manang, độ cao 3500m. Đó là ngày được bố trí đặc biệt để mọi người thoải mái dạo chơi quanh làng, nghỉ ngơi, quen với độ cao của các ngày sau. Leo núi, trekking là một hành trình dài với những nguyên tắc cần phải tuân theo, ngay cả khi bạn còn thừa năng lượng, sức khỏe vẫn cần nghỉ ngơi và chờ đợi. Ngay cả những nhà leo núi chuyên nghiệp chinh phục đỉnh Everest vẫn phải nghỉ ở Basecamp đó thôi.
Suốt chuyến đi, đoàn của tôi đều có những biểu hiện thường gặp của say độ cao: có người váng đầu, người chảy máu mũi, tay chân sưng phù… Tôi bị sốt một trận ngay độ cao 5000m trước ngày vượt đèo. Nhưng may mắn những triệu chứng của tôi và cả đoàn đều được tour guide xử lý kịp thời bằng các loại thuốc chuyên dụng.
Đó cũng là lời khuyên sau cùng của tôi dành cho các bạn có ý định trekking ở nước ngoài: nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy thuê tour của người bản địa, họ có kiến thức, kỹ năng để giúp bạn xử lý các vấn đề sức khỏe thông thường. Ngoài ra, dù chọn hình thức tự túc hay thông qua tour, bạn nhớ mua bảo hiểm du lịch dành cho hình thức du lịch mạo hiểm với các quyền lợi hỗ trợ tốt nhất về mặt y tế ở nước ngoài.
Suốt dọc đường trekking, thỉnh thoảng ngước lên trời tôi vẫn thấy những chiếc trực thăng bay lượn. Ganesh bảo đó là trực thăng khẩn cấp đưa người bị say độ cao biểu hiện nặng về bệnh viện thủ đô điều trị, và giá của mỗi chuyến trực thăng như thế đâu đó chừng 3000USD, chưa kể chi phí điều trị trong bệnh viện.
Hãy tập chung sống một cách hòa bình với chứng say độ cao để chinh phục những ngọn núi
Ngày vượt qua đèo Throngla 5416m, ngước nhìn trời xanh tôi thầm cảm ơn sự kiên cường của bản thân và cảm ơn những ngọn núi đã tiếp thêm sức mạnh cũng như đã đối xử “nhân từ” với tôi cả hành trình.
Thông qua các chuyến du lịch bụi, bạn không chỉ trưởng thành hơn mà còn nhận ra nhiều “sự thật ngỡ ngàng“ trong đời sống.