Bản quyền Báo chí: Trách nhiệm của Tổng Biên tập

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 21.3.2013 Hội Nhà báo TP HCM và Tạp chí Nghề báo đã tổ chức tọa đàm “Bản quyền Báo chí: Các vấn đề pháp lý liên quan”.  Đến dự có đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ông Đào Kim Phú -  Trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý PT-TH  & Thông tin điện tử, Ông Nguyễn Văn Khanh - Trưởng phòng Quản lý Xuất bản – Báo chí, Sở TTTT TP HCM , Phó chủ tịch HNB VN  Phạm Quốc Toàn… Đặc biệt, tọa đàm còn thu hút các Nhà báo từ Hà Nội như Nhà báo Nguyễn Như Phong – TBT Báo Năng Lượng mới; Nhà báo Lê Quốc Minh – TBT VietNamplus và Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ EPI Chủ nhiệm trang web baomoi.com - Nguyễn Anh Tuấn.

Bản quyền Báo chí: Trách nhiệm của Tổng Biên tập - 1
Từ trái sang: Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phạm Quốc Toàn, Đào Kim Phú và Nguyễn Văn Khanh chủ trì Tọa đàm

Thực trạng bản quyền Báo chí hiện nay

Tọa đàm đã đi sâu vào mổ xẻ 3 vấn đề trọng tâm về Bản quyền Báo chí: Thực trạng, trách nhiệm và hợp tác thông tin giữa các cơ quan báo chí. Tọa đàm kết thúc với 15 ý kiến từ hơn 50 người tham dự. Hầu hết các ý kiến phát biểu đều đồng thuận với nhau về vi phạm Bản quyền Báo chí: Vai trò của cơ quan chức năng, chủ quản, Tổng biên tập… đến đạo đức của người Phóng viên, cần giữ cái tâm trong sáng của người cầm bút. Cần có nhiều hơn nữa những biện pháp chế tài, đưa ra những hình thức xử phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm Bản quyền Báo chí.

Mở đầu tọa đàm, Nhà báo Phạm Quốc Toàn nhấn mạnh về hiện tượng vi phạm bản quyền rất nóng sốt, vấn đề này tuy không mới, nhưng lại mang tính thời sự vì với sự bùng nổ của thời đại internet, tin tức được sao chép và đưa lên một cách tràn lan khiến xã hội “hơi hỗn loạn” thông tin. Bên cạnh đó, Ông còn hoan nghênh Tạp chí Nghề báo đã tổ chức tọa đàm thiết thực và bổ ích.

Bày tỏ về nguyên nhân dẫn đến thực trạng vi phạm Bản quyền Báo chí, Nhà báo – Luật sư Phan Đăng Thanh, cho biết: Hiện tượng tiêu cực lấy tin của nhau là vấn đề nhỏ và do nhiều người tạo nên “thảm cảnh” này. Nhưng đây là chuyện “bình thường” trong xã hội hơi hỗn loạn mà không ai có thể tự cung tự cấp. Vì thế, lấy thông tin trên báo chí chuyện bình thường nhưng lấy sao hợp pháp và không vi phạm đạo đức và vi phạm quyền tài sản. Theo ông những hiện tượng trên đây chưa đáng gọi là trộm hay cướp, mà phải gọi là công nhiên chiếm đoạt mới đúng, bởi vì họ mới có dấu hiệu phạm tội chứ chưa cấu thành tội phạm như một số báo đã gọi là “ăn trộm, ăn cướp”.

Xét ở phương diện Pháp luật ông cũng đồng ý với quan điểm Luật Báo chí hiện nay có nhiều lỗ hổng, nhất là Báo điện tử. Ông kiến nghị: “Các cơ quan chức năng nên xem lại luật và có thể áp dụng luật thế giới để theo đà phát triển của báo chí hiện nay và Luật Báo chí là khung luật dở nhất hiện nay. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền giải thích về Luật Sở Hữu trí tuệ trong nội bộ báo chí và rạch ròi về bản quyền báo chí”.

 

Tổng Biên tập – người chịu trách nhiệm về Bản quyền Báo chí

Đến tham dự tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Như Phong được cho là người nổ phát pháo đầu tiên về vấn đề vi phạm Bản quyền Báo chí nhận định: “Hiện tượng vi phạm bản quyền xảy ra từ nhiều năm nay và cũng có nhiều quy định Pháp lý và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc thực hiện, nhưng vấn đề này vẫn xảy ra liên tục và hầu như không có điểm dừng, thì phải kể đến trách nhiệm của Tổng Biên tập  - người đứng đầu mỗi cơ quan báo chí. Có những Tổng Biên tập không ý thức hết trách nhiệm của mình, không biết rằng bài báo là sự sáng tạo của Phóng viên hay là sao chép từ báo khác, hoặc dung túng cho Phóng viên “đạo bài” nên mới xảy ra hiện tượng tiêu cực như vậy. Ông rất hoan nghênh website baomoi.com đã có tinh thần cầu thị trong vấn đề này”.

Cùng quan điểm với Nhà báo Như Phong, Nhà báo Đức Liên chia sẻ: “Vấn đề vi phạm bản quyền báo chí không chỉ xảy ra ở các trang báo điện tử mà còn ở cả báo in. Vì thế, các Tổng biên tập cần xem lại trách nhiệm của mình trong vấn đề này, có phải đã buông lỏng vai trò, trách nhiệm của mình đối với tờ báo hay không? Nếu muốn sử dụng thông tin từ các nguồn khác, Tổng Biên tập nên làm văn bản thỏa thuận cho phép sử dụng lại những thông tin đó và ghi tên tác giả. Nhà báo còn đề cập đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận phóng viên sống dựa vào sự sáng tạo của các Phóng viên khác”.

Nhà báo Phạm Quốc Toàn và Ông Đặng Kim Phú cũng đồng tình với việc các tổng biên tập lơi lỏng trong việc bảo vệ quyền lợi sáng tạo của các phóng viên và chính cơ quan mình.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Tp.HCM, Trưởng ban Tổ chức:

Tình trạng vi phạm bản quyền trong lịch vực báo chí diễn ra quá phổ biến và lâu nay, làng báo gần như sống chung với nó. Đã đến lúc các cơ quan báo chí chí phải lên tiếng và các cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc kịp thời, tránh tình trạng mất kiểm soát như lâu nay. Việc lạm dụng chia sẻ bản quyền cũng không nên, vì như thế nhà báo sẽ mất dần tính tìm tòi phát hiện tính năng động. các báo, đài cũng sẽ na ná nhau, độc giả chỉ cần mua một tờ báo cũng đủ để biết tin tức chung và dần dần sẽ xa lánh báo chí, hoặc chỉ lướt web là đủ.

Bản quyền Báo chí: Trách nhiệm của Tổng Biên tập - 2
Ông Đào Kim Phú phát biểu

Bản quyền Báo chí: Trách nhiệm của Tổng Biên tập - 3
Nhà Báo Đức Liên phát biểu

Bản quyền Báo chí: Trách nhiệm của Tổng Biên tập - 4
Nhà báo Phạm Quốc Toàn phát biểu

(TCNB – TPHCM)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!