Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau Tết Nguyên đán, hàng chục ngàn lượt du khách lại lên chùa Non (còn gọi là chùa Thần Đinh) trên đỉnh núi Thần Đinh. Dù không còn nguyên vẹn, nhưng chùa Non vẫn mang nhiều huyền tích tâm linh, được người xưa coi là chốn cửa Phật.

Vài năm trở lại đây, khi tỉnh Quảng Bình mở đường bậc cấp để dễ dàng lên núi thì chùa Non trở thành điểm du lịch được nhiều du khách tìm đến sau Tết. Bởi ngoài vãn cảnh và thăm thú chốn chùa thiêng, lên đây du khách còn được nghe những truyền thuyết về Phật và những câu chuyện sử xa xưa.

Núi Thần Đinh ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cách TP Đồng Hới hơn 30km về phía Tây Nam. Núi có độ cao 405m so với mực nước biển. Du khách đi trên đường Hồ Chí Minh (nhánh đông), đến địa phận xã An Ninh có một ngã ba rẽ lên phía Tây, đi chừng 8km sẽ đến chân núi Thần Đinh. Từ chân núi lên đến đỉnh núi du khách phải trèo qua 1.260 bậc đá, trong đó nhiều bậc được giữ nguyên xưa, khi trèo qua du khách như còn thấy những dấu chân của tiền nhân in lại...

Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh - 1

Nét đẹp như tranh của ngọn núi Thần Đinh nhìn từ dòng sông Đại Giang.

Theo con đường xây bằng đá, chúng tôi leo lên núi Thần Đinh. Đường lên Thần Đinh, dù nay đã được lát đá bậc cấp, nhưng vẫn làm trên nền lối cũ, nên ngoằn ngoèo vắt qua sườn núi, hai bên cây cối rủ um tùm. Càng leo lên cao không khí càng mát mẻ bởi những làn gió biển mùa xuân thổi lồng lộng. Lên đến bậc cao nhất, đứng trên núi nhìn về phía Đông, là một vùng đồng bằng rộng lớn của huyện Quảng Ninh và TP Đồng Hới, có dòng sông Đại Giang (hay còn gọi là Long Đại, đoạn nguồn của sông Nhật Lệ) chảy uốn lượn rất hữu tình dưới cầu đường sắt và cầu đường bộ Long Đại - một “tọa độ lửa” thời chiến tranh chống Mỹ - rồi vào đoạn sông Nhật Lệ để tuôn ra biển cửa sông Nhật Lệ.

Cũng đứng trên đỉnh núi Thần Đinh, nhìn xuống sẽ thấy một đoạn đường Hồ Chí Minh vắt ngang dòng sông Đại Giang, cả vùng đất như biến thành một bức tranh thủy mặc đầy sức sống. Các dòng sông Rào Trù, Rào Đá ở quanh Thần Đinh cũng uốn mình lúc ẩn lúc hiện dưới chân núi, giữa đôi bờ cây ngan ngát xanh. Từ đỉnh cao nhất của núi nhìn về biển, phía rất xa ta còn thấy dáng dấp ẩn hiện một vùng đô thị của thành phố Đồng Hới và biển xa xa hút tầm mắt.

Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh - 2

Dòng người nối đuôi nhau chinh phục cung đường mòn dẫn lên chùa Non.

Trên đỉnh Thần Đinh có một khu đất bằng phẳng, rộng chừng 400m2, có rừng cây lớn, chính là nơi người xưa đã chọn để xây cất khu chùa Non. Qua bao năm tháng nắng mưa, trên núi vẫn còn lại nhiều di tích của ngôi chùa cổ. Chùa xưa có tám gian, bây giờ chỉ còn lại những bức tường đá, những ô cửa và bệ thờ đầy rêu phong. Trên khoảng đất bằng phẳng đó, hiện vẫn còn nguyên vẹn mấy cái miếu nhỏ, ẩn hiện dưới tán cây râm mát, bên những gốc cây cổ thụ. Ngày có nhiều du khách lên núi, khung cảnh miếu, chùa hoang tàn ẩn hiện trong khói hương bay la đà trông thật huyền ảo.

Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh - 3

Một ngôi miếu nhỏ còn sót lại.

Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh - 4

Các vị khách vãn cảnh chùa thắp nén nhang tưởng nhớ các bậc tiền nhân.

Núi Thần Đinh và chùa Non là nơi có nhiều truyền thuyết về chốn tiên, Phật. Xưa núi Thần Đinh còn có tên gọi là Bất Nghĩa Sơn... Vì tục truyền khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, do gọi các ngọn núi thì đều hướng về tây, riêng núi Thần Đinh này quay lưng lại. Chùa Non trên núi Thần Đinh xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 21 (1701) đời vua Lê Huy Tông, sau đó bị hư hỏng do loạn lạc. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) dựng tạm lại chùa lợp tranh, đến năm thứ 10 (1829) người địa phương mới quyên triều tu bổ và lợp lại bằng ngói.

Ngày nay lên với chùa Non, cảnh vật cũng không khác mấy so với những gì mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã từng mô tả: “Sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động hẹp phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng. Đá xếp hệt như bàn ghế, có viên giống tượng Phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rủ xuống. Thạch nhũ trong động có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi. Ngoài động có giếng đá nước ngọt, không bao giờ cạn”. Toàn đỉnh núi Thần Đinh là những dãy đá vôi thấp màu xám đen, lô nhô như những dãy núi nhỏ mọc lên từ một đỉnh núi lớn trông rất kỳ lạ. Phải chăng vì vậy mà người xưa mới đặt tên là chùa Non?

Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh - 5

Đường lên núi Thần Đinh rợp bóng cây xanh.

Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh - 6

Bên trong một hang động trên núi Thần Đinh.

Núi Thần Đinh có ba ngọn. Đá xếp chồng lên nhau gợi cho ta tưởng tượng đây là vị quan viên đội mũ cánh chuồn đang đọc văn. Kia là hình con đại bàng tung cánh, nọ là con hổ đang nhe nanh vuốt. Ngôi chùa Non xưa có tám gian, nay chỉ còn lại những mảng tường đá rêu phong, đổ nát, chen đầy cây cối, giữa một vạt đất bằng phẳng đầy cổ thụ. Chỉ một căn miếu nhỏ nằm lẻ loi ở rìa cây phía Bắc là còn khá nguyên vẹn. 

Từ bãi bằng này đi tiếp vào vài chục mét, xuống 100 bậc đá theo triền núi ta bắt gặp giếng Tiên. Nước từ trong các khe núi đá chảy ra đọng lại ở một hốc đá nhỏ và thành giếng Tiên. Lạ thay, dù nằm ngay giữa bốn bề là đá khô khốc, lại ở trên đỉnh núi cao như vậy mà giếng luôn đầy nước mát lạnh, trong vắt. Khi đã lên với chùa Non, không mấy du khách quên lấy nước giếng này mang về dùng để cầu phúc, cầu an lành cho một năm mới.

Cổ tự linh thiêng trên núi Thần Đinh - 7

Nhiều khách đến viếng núi Thần Đinh thường tìm đến khu vực giếng Tiên để lấy nước về dùng cầu an, cầu phúc dịp năm mới.

Bên cạnh đường xuống giếng có một số hang động nhỏ, trong đó nổi bật là động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào đá hoặc những cơn gió mạnh đi qua là vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Trong động có hai tầng, đá xếp hệt như bàn ghế, có viên đá giống tượng Phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Trước động về phía tả lại có một động, thạch nhũ trong động chỗ ẩn chỗ hiện, có chỗ như cái tàn vàng, có chỗ như hình voi... Xung quanh động là các dãy đá vôi lởm chởm xếp chồng nhau trông rất ngoạn mục.

Dưới chân núi Thần Đinh ngày nay, tỉnh Quảng Bình và bà con tăng ni Phật tử trong cả nước đã xây dựng một khu đón khách khang trang, tạo thành khu du lịch tâm linh Thần Đinh hấp dẫn với du khách thập phương mỗi độ xuân về.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lam Giang

CLIP HOT