Thăm cù lao Phố một thuở vàng son

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nằm cách không xa trung tâm thành phố Biên Hòa, cù lao Phố vẫn còn lưu dấu ký ức của một thuở vàng son – nơi từng là thương cảng sầm uất của cả vùng Gia Định xưa…

Cù lao Phố (còn được gọi là Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu, hay Nông Nại Đại Phố) là tên một địa danh cũ nay là phường Hiệp Hòa, thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong thế kỷ XVII – XVIII, cù lao Phố đã từng là một thương cảng sầm uất, nơi thuyền bè qua lại tấp nập, là nơi giao thương buôn bán của cả vùng Gia Định (tức Nam bộ ngày nay).

Thăm cù lao Phố một thuở vàng son - 1

Cầu Ghềnh (hay còn gọi là cầu Gành, cầu Đồng Nai Lớn) bắc qua sông Đồng Nai, nối phường Bửu Hòa và phường Hiệp Hòa (cù lao Phố) của thành phố Biên Hòa.

Thắng Tài hầu Trần Thượng Xuyên là người có công rất lớn biến Đồng Nai, đặc biệt là Cù lao Phố từ vùng đất hoang vu hẻo lánh trở thành trung tâm thương mại sầm uất và thịnh vượng.

Trần Thượng Xuyên quê tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), là quan của triều nhà Minh. Năm 1644, nhà Mãn Thanh đánh chiếm hầu hết lãnh thổ Trung Quốc, lập nên triều Thanh nhưng trong thực tế lực lượng ủng hộ nhà Minh vẫn còn chiến đấu rải rác các nơi. Trần Thượng Xuyên tham gia phong trào kháng Thanh của Trịnh Thành Công và được phong làm Tổng binh 3 châu Cao - Lôi - Liêm.

Tuy nhiên, theo thời gian triều đình nhà Thanh ngày càng ổn định vững chắc, lực lượng kháng Thanh thất bại. Năm Kỷ Mùi 1679, sau khi quân Thanh dẹp loạn Tam Phiên, Trần Thượng Xuyên cùng quân của mình và gia đình rời Trung Quốc tị nạn.

Thăm cù lao Phố một thuở vàng son - 2

Cầu Hiệp Hòa dẫn qua cù lao Phố

Theo Đại Nam thực lục, chỉ riêng đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên đã lên đến 50 chiếc cùng với khoảng 3 ngàn người đến cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng xin thần phục nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần thu nhận, ban cho chức cũ và sai đến ở đất Đông Phố (Đồng Nai ngày nay). Đoàn thuyền của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ tiến vào định cư ở Bàn Lân (hoặc Bàn Lăn, nay thuộc TP.Biên Hòa).

Khi đó, vùng đất này còn là chốn hoang sơ. Sau đó, họ đã phát hiện ra cù lao Phố - một bãi sa bồi hoang sơ rộng lớn nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng Nai, do sông Đồng Nai chảy đến khúc này thì tự chia hai), tuy nằm cách xa biển nhưng là nơi sông sâu nước chảy, từ đây có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, hoặc xuôi theo phía Nam thì thông ra biển Cần Giờ hay sang tận Campuchia.

“Đất lành, chim đậu”, phần lớn nhóm người Trần Thượng Xuyên đã chuyển từ Bàn Lân đến cù lao Phố, cùng với nhóm lưu dân người Việt đến trước, họ đã cùng nhau tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ trở thành một thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định. Sự phát đạt của thương nghiệp đã lôi kéo những ngành nghề thủ công khác phát triển theo, như dệt chiếu, dệt tơ lụa, làm gốm, đúc đồng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo,…

Sau này, khi Trần Thượng Xuyên qua đời, để ghi nhớ công ơn của ông, nhân dân trong vùng đã lập ngôi miếu nhỏ thờ cúng, sau nhiều lần dịch chuyển thì đã yên vị ở đình Tân Lân (Tân Lân thành phố miếu) toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, thành phố Biên Hòa ngày nay.

Đáng tiếc là thời huy hoàng không kéo dài được lâu. Một cù lao Phố huyền thoại chỉ góp mặt được 97 năm (1679-1776) trong lịch sử, sau đó thoái trào cũng bởi những sự kiện lịch sử.

Ngày nay, đến với cù lao Phố, du khách cảm nhận thấp thoáng đâu đây trong từng bến sông, từng góc phố, từng công trình tâm linh cổ kính vẫn còn đó linh hồn và dấu chân người xưa - những người từng có công mở cõi và dựng xây đất này. Từ thành phố Biên Hòa, du khách qua cầu Hiệp Hòa là đã đến được một vùng xanh mát của cù lao Phố.

Thăm cù lao Phố một thuở vàng son - 3

Chùa Đại Giác trên cù lao Phố

Thăm cù lao Phố một thuở vàng son - 4

Chùa Ông (Thất Phủ cổ miếu)

Cù lao Phố của hiện tại vẫn đất rộng, người thưa. Vùng tập trung dân cư đông đúc chỉ ở xung quanh các điểm di tích tham quan lịch sử – tâm linh chính như: chùa Đại Giác - ngôi cổ tự được dựng từ năm 1665, và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (đình Bình Kính). Ở những khu vực ngoại ô, người dân trồng cây ăn trái, và ven sông, vài quán ăn, quán cà phê mọc lên phục vụ chủ yếu du khách trong tỉnh.

Thăm cù lao Phố một thuở vàng son - 5

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua cù lao Phố

Dừng chân bên mé sông, để mặc gió từ mặt sông thổi lên lồng lộng, người lữ khách nghe đâu trong tiếng gió văng vẳng tiếng lòng người xưa, bất giác chợt cảm khái cho một thuở vàng son từng có trong quá khứ huy hoàng…

Đi tìm 'món xưa' Biên Hòa
Đi tìm 'món xưa' Biên Hòa

Với bề dày hơn 320 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa là vùng đất vẫn còn giữ được những nét xưa của mình từ...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Thị Bình An

CLIP HOT