VÀNG TRẮNG Ở BIỂN KHƠI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VÀNG TRẮNG Ở BIỂN KHƠI - 1

 

Trong Festival Biển Nha Trang 2011 diễn ra từ ngày 11 đến 15/6/2011, có nhiều Chương trình do Công ty Yến Sào Khánh Hòa tổ chức như: Tour câu cá đêm; du ngoạn biển đêm; Lễ hội Truyền thống Yến Sào Khánh Hòa - 20 năm xây dựng và phát triển, cùng nhiều cuộc Hội thảo. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu công việc khai thác yến sào gian nan nhưng không kém phần thú vị

 

 

Trong công việc, nhiều lần tôi cũng đã ra các đảo yến vào mùa khai thác. Đó là những ngày bận rộn của những người khai thác yến chuyên nghiệp của Công ty Yến sào Nha Trang. Họ là Tống Đình Hoàng, Phạm Văn Hải, Đào Văn Song, Nguyễn Ngọc Quý, Lê Văn Định, Võ Huy Hoàng và nhiều anh em khác đã bám trụ ở nghề khai thác yến sào trên chục năm nay, có người đã vượt qua tuổi 50 nhưng vẫn nhanh nhẹn và năng động. Tổng cộng lực lượng bảo vệ các hang yến và chuyển qua khai thác yến sào trong mùa thu hoạch hiện nay là 270 người, thường làm việc theo ca, thay phiên về đất liền nghỉ ngơi.

Ngoài khơi ấy, từ 12 đảo yến lớn nhỏ, nay đã tăng lên 27 đảo với 102 hang yến. Đó là nơi gần 1 triệu con chim yến sinh sống, mỗi năm có trên 3.000 ký yến sào được khai thác, với giá thành một ký yến sào đảo (phân biệt yến nuôi trong nhà) xuất khẩu là 2.469USD ,thì nguồn lợi kinh tế từ nghề khai thác yến trong năm 2010 là 380 tỉ đồng. Thường thì các đảo được đánh số A1, A2, A3… theo sản lượng yến sào thu hoạch từ nhiều đến thấp. Hòn Ngoại có sản lượng cao nhất, có Hang Trống mà khách có thể đứng từ hành lang an toàn tại Khu Bảo vệ nhìn thấy các tổ yến dày đặc. Đảo Hòn Nội gọi là A2 sản lượng đứng thứ hai, là đảo được đưa vào khai thác tour du lịch “Đảo Yến – Hòn Nội”.

VÀNG TRẮNG Ở BIỂN KHƠI - 2

Mỗi đảo có nhiều địa thế khác nhau và có nhiều hang yến thường ở những vị trí hiểm trở. Tại các hang yến đều có các chòi canh bảo vệ hang yến để tránh trộm cắp. Hiện nay, các hang yến lớn đều được đặt camera theo dõi.

Mùa khai thác yến sào gồm hai lần: Tháng 5 Dương lịch cho lần thứ nhất, tháng 8 cho lần thứ hai khi con chim làm lại tổ, đã sinh nở và con chim con đã bay được để tránh tổn hại đàn yến. Vào mùa khai thác, cũng là mùa làm giàn giáo. Bởi nếu không có giàn giáo thì không cách nào lấy được yến sào.

VÀNG TRẮNG Ở BIỂN KHƠI - 3

Các cây tre già, chắc được ngâm thành bè ở nước biển sẽ được dựng vào hang tùy theo địa thế. Nhìn từ ngoài vào hang giống như giàn giáo xây dựng. Đó là các hang trống, rộng và nhiều tổ yến. Các hang nhỏ đôi khi chỉ cần một hoặc vài cây tre có nhánh để các kỹ thuật viên khai thác tổ yến leo lên đó đi vào gọi là “đi cội”. Thật ra thì chỉ nhìn vào hang yến, mù mù tối với mùi hăng hắc của phân chim trộn với mùi nước biển là đã có cảm giác e ngại. Còn đối với những người khai thác thì họ quá quen rồi. Dụng cụ khai thác yến sào rất đơn giản, các anh chỉ mặc trên người một chiếc quần ngắn, đeo dây an toàn, một túi để đựng tổ yến, một bình xịt nước và một cái nạy đặc biệt để lấy tổ yến ra khỏi vách đá và một cây đèn pin. Theo anh Cam thì giá trị tổ yến ở chỗ còn nguyên vẹn, do đó lấy tổ không thể hấp tấp được.

VÀNG TRẮNG Ở BIỂN KHƠI - 4

Ở những hang cheo leo như Hang Chà Là, Hòn Đụn chẳng hạn, không thể đi thuyền thì các anh leo đây từ trên cao xuống, vì hang nằm ở dưới thấp, cửa vào hiểm trở, tàu thuyền không cập bến được. Những sợi dây ấy nhằm bảo đảm cho các anh lỡ bị trượt tay vẫn không nguy hiểm. Nếu những tổ yến khó lấy thì xịt nước vào vành tai tổ rồi mới dùng nạy gỡ tổ yến ra bỏ vào bao. Như anh Hoàng nói: “Có nhiều hang rất chật, thu hoạch chừng vài ký yến sào, không thể làm giàn giáo, chúng tôi phải đi theo vách đá hoặc theo các thanh tre gác ngang hang để vào trong hang. Sau khi khai thác xong, các túi đựng tổ yến sẽ tập kết ngay bên ngoài, được cân và niêm phong theo quy định, nên không thất thoát.

Nghề khai thác yến sào là một nghề đặc biệt, theo chế độ tập ấm. Nghĩa là khi người thợ khai thác yến gĩa từ nghề, con cái hoặc anh em sẽ được kế thừa.

Anh Võ Văn Cam, người gần như biết hết địa hình tất cả các hang yến, anh cho biết rằng so với cách đây mười năm, thì việc trang bị phương tiện cho người khai thác yến sào đã tốt hơn và an toàn hơn. Người khai thác yến sào tránh xài từ “rớt” vì đó là kiêng kỵ. Còn khi đã lao vào công việc thì cần có tình yêu nghề và chịu khó.

Mỗi năm, cả triệu con chim yến ngoài khơi Nha Trang đã tạo ra thứ vàng trắng quý báu, chính những người khai thác yến sào đã góp sức không nhỏ để đem những tổ yến ấy vào bờ, trở thành một loại thức ăn bổ dưỡng và trị bệnh.

CV

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT