Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Một Paris lộng lẫy, hoa lệ, một Venice thơ mộng, hiền hòa, một New York hiện đại tràn đầy năng lượng - vẻ đẹp mê hoặc và sự cởi mở của những thành phố ấy đã khiến chúng trở thành trạm dừng chân cho giới nghệ sĩ, đồng thời nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của họ lớn dần theo những chiều sâu riêng biệt.

Suốt chiều dài lịch sử phát triển của nghệ thuật, có những địa danh mang ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với nhiều thế hệ nghệ sĩ. Đó là nơi họ chọn để học tập, trau dồi kĩ năng và thăng hoa sáng tạo. Hãy cùng Travellive khám phá những thành phố như vậy trong bài viết dưới đây.

Paris

Khi nói về những kinh đô nghệ thuật của thế giới, thật khó khi không nhắc đến Paris. Sự hiện hữu của Bảo tàng Louvre - một trong những kho tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới, huyền thoại The Salon - triển lãm nghệ thuật danh giá hay sự thành công vượt thời gian của thế hệ họa sĩ trưởng thành từ đây như Claude Monet, Vincent van Gogh, Edgar Degas... là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định vị thế của thành phố này.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 1

Một góc bên trong bảo tàng Louvre

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 2

Hubert Robert - The Grande Galerie of the Louvre, 1801

Phát triển hưng thịnh từ giai đoạn thế kỉ 17 - 18, tuy nhiên hội họa ở Paris thời kì này vẫn mang nặng những tư tưởng giáo điều và bị bó buộc trong những quy tắc, luật lệ hà khắc. Bắt đầu từ thế kỉ 19, một thế hệ họa sĩ mới xuất hiện, đem đến cho Paris một làn gió mới.

Sự chuyển mình khởi phát nhờ công cuộc đổi mới đô thị toàn diện tại đây. Những tòa nhà với kiến trúc lộng lẫy liên tục mọc lên, những đại lộ thẳng tắp hình thành với những hàng cây xanh mơn mởn, ánh đèn điện lấp lánh bao trùm cả thành phố, khiến Paris như biến thành một giấc mơ có thực.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 3

Boulevard des Сapucines - Edouard Cortes

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 4

Quai du Louvre - Claude Monet

Vẻ đẹp căng tràn sức sống của Paris như lực từ trường hấp dẫn một thế hệ họa sĩ táo bạo. Họ từ chối tiếp nhận quan điểm nghệ thuật cổ điển cũ kĩ - thứ xiềng xích tâm hồn tự do vào những khuôn phép lỗi thời - để đem đến những tác phẩm ngập tràn ánh sáng và màu sắc. Không đi theo chủ đề lịch sử hay thần thoại, không gồng gánh một lý tưởng cao sang, họ bước ra khỏi studio chật hẹp, hòa mình vào cuộc sống nhộn nhịp, tìm kiếm những điều đời thường nhất và say mê khắc hoạ chúng lên những bức tranh.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 5

Le Louvre - Camille Pissarro

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 6

Luncheon of the Boating Party - Pierre-Auguste Renoir

Và như vậy, trường phái Ấn tượng ra đời. Mặc dù còn vấp phải nhiều chỉ trích, phản đối của giới hàn lâm, quan điểm nghệ thuật của thế hệ nghệ sĩ này vẫn tạo nên một trong những trường phái quan trọng nhất trong lịch sử.

Tại Paris, bên cạnh nguồn cảm hứng từ vẻ đẹp lãng mạn đến từ mọi ngóc ngách của thành phố, người nghệ sĩ còn được tiếp cận với nền giáo dục bài bản và chính thống. Bên cạnh đó, cơ hội được trưng bày tác phẩm tại những triển lãm danh giá rộng mở hơn và từ đó, những lời mời bảo trợ cũng trở nên đáng kể. Chính vì vậy, Paris trở thành nơi tụ hội của những nghệ sĩ trẻ, ôm ấp giấc mộng thành tài. Cộng đồng ấy mỗi lúc một lớn mạnh với những buổi giao lưu, chia sẻ về nghệ thuật trong những quán bar, cafe, câu lạc bộ... Bầu không khí đặc trưng ấy thậm chí còn được tái hiện qua nhiều tác phẩm điện ảnh, có thể kể đến bộ phim kinh điển Midnight in Paris.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 7

Cảnh phim Midnight in Paris

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 8

Cảnh phim Midnight in Paris

Trải qua dòng chảy thời gian, Paris ngày nay vẫn giữ nguyên sức quyến rũ khó cưỡng. Dòng người từ khắp nơi trên thế giới vẫn háo hức tìm đến Paris để dạo bước trên những đại lộ ngập ánh sáng, đắm mình trong bầu không khí đậm chất cổ điển lãng mạn và ghé thăm những bảo tàng trưng bày hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật quý giá. Từ Louvre đến Musée d'Orsay, từ Musée du Quai Branly đến Musée de l'Orangerie, Paris có quá nhiều điều để người yêu nghệ thuật khám phá.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 9

Bức tranh Mona Lisa tại bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) luôn nhận được sự chú ý lớn của du khách

Venice

Ngược dòng lịch sử về thời Phục hưng, nhiều thành phố tại Ý đã có những đóng góp quan trọng trong phong trào văn hoá này, nổi bật là thành phố của những kênh đào - Venice.

Nền tảng của sự phát triển văn hóa nghệ thuật bắt nguồn từ sự giàu có và thịnh vượng của Venice với mạng lưới thương mại phát triển mạnh mẽ. Nhiều trường đào tạo nghệ thuật đã ra đời và sản sinh ra thế hệ nghệ sĩ tài năng như Titian và Giorgione. Bầu không khí cởi mở tại đây cũng mở đường cho sự phát triển tự do của hội họa, thoát ly phần nào khỏi bầu không khí nặng nề của tôn giáo. Từ cuối thế kỉ 15, những họa sĩ thuộc trường phái Venetian đã có thể vẽ những bức tranh khỏa thân - điều hiếm thấy hoạ sĩ nào dám làm vào thời điểm ấy.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 10

Diana and Actaeon - Titian

Sau này, Venice còn trở thành tâm điểm của "vedute" - phong cách thưởng tranh coi trọng yếu tố về địa hình, kiến trúc. Những bức tranh tái hiện tòa nhà, nhà thờ, công trình lớn và kênh đào tại Venice có sức hút kì lạ với một bộ phận người yêu nghệ thuật. Từ sau đó, hàng loạt những tác phẩm về những địa danh đặc trưng tại thành phố này đã được ra đời dưới nét vẽ của các danh họa như Canaletto, Guardi…

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 11

Piazza San Marco, looking East - Canaletto

Sự hấp dẫn của Venice còn đến từ vẻ đẹp nên thơ có một không hai trên thế giới. Hệ thống kênh rạch dày đặc chảy qua mọi ngõ ngách của thành phố, những chiếc gondola lững thững đưa tiếng hát của người chèo thuyền lãng đãng khắp không gian, những công trình kiến trúc tráng lệ hay bầu không khí vừa phóng khoáng vừa lãng mạn có lẽ là thứ khiến trái tim người nghệ sĩ rung động.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 12

Venise, palais et gondoliers sur le Grand Canal - Henri Martin

Đại danh họa Claude Monet cũng là một trong những cái tên bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của thành phố Venice. Đặt chân tới đây năm 68 tuổi, ông say mê thực hiện 37 bức tranh. Ông dành thời gian quan sát để mô phỏng hiệu ứng ánh sáng từ sự thay đổi của không khí kết hợp với sương mù, từ đó khắc họa chính xác sự chuyển dịch của từng khung cảnh.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 13

The Grand Canal in Venice - Claude Monet

“Thật đáng tiếc khi tôi không tới Venice khi còn trẻ và phiêu lưu hơn…” - Claude Monet nói trong bức thư gửi Gustave Geffroy.

Ngày nay, những bảo tàng tại đây vẫn thu hút bước chân du khách khắp nơi tới khám phá thế giới nghệ thuật đầy màu sắc. Nếu như Gallerie dell'Accademia khiến người ta đắm chìm trong thời kỳ Phục hưng huy hoàng, Ca' Pesaro International Gallery of Modern Art lại đem đến những kiệt tác nghệ thuật của thế kỉ 19 - 20 với những cái tên như Gustav Klimt, Auguste Rodin…

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 14

Bảo tàng Gallerie dell'Accademia tại Venice (Ý)

New York

Từ thế kỉ 19, New York trở thành trung tâm thương mại, tài chính quan trọng của Mỹ. Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế kéo theo sự thăng hoa trong văn hoá đã biến thành phố "Big Apple" trở thành nơi tụ hội của những tinh hoa nghệ thuật.

Năm 1913 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử nghệ thuật của New York nhờ sự khánh thành của The Armory Show - nơi người yêu nghệ thuật được tiếp cận với 1.300 bức tranh và điêu khắc từ khắp nơi trên thế giới như Anh, Ireland, Đức, Pháp, Thụy Sĩ. Các tác phẩm thách thức thẩm mỹ truyền thống và đưa đến cái nhìn mới về chủ đề, màu sắc và cách thể hiện. Sự kiện này đã đưa nước Mỹ vào thời kì đỉnh cao của nghệ thuật trong khi New York đóng vai trò là sân khấu đầu tiên của nghệ thuật cấp tiến.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 15

The Armory Show, 1913

Mặt khác, New York cũng là mảnh đất được mọi tầng lớp xã hội tìm đến cùng “giấc mơ Mỹ”. Điều này tạo nên một thứ năng lượng kì lạ, tỏa ra khắp mọi ngõ ngách và hình thành một bầu không khí sôi động, tràn đầy cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Ngay cả khi cuộc Đại suy thoái diễn ra, nghệ thuật vẫn được chú trọng phát triển với niềm tin rằng chúng là nền tảng của cuộc sống và nền dân chủ, đồng thời nuôi dưỡng sự kiên cường và niềm tự hào dân tộc.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 16

City Activities with Dance Hall - Thomas Hart Benton

Nhịp sống tại New York, sự phát triển của kinh tế và những ảnh hưởng xã hội, chính trị cũng là đề tài và cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Tiêu biểu như Edward Hopper, người được mệnh danh “họa sĩ của sự cô đơn”. Ông gắn bó sâu sắc với thành phố thông qua khung cảnh đô thị, những ô cửa sổ của các tòa nhà, quán bar, cafe, nhà hàng, trạm xăng… Tất cả đều được ông tái hiện lại trong rất nhiều các tác phẩm nổi tiếng của mình.

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 17

Nighthawks - Edward Hopper

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 18

Room in New York - Edward Hopper

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 19

New York Corner - Edward Hopper

Ngày nay, New York vẫn là trung tâm nghệ thuật tại Mỹ. Guồng quay cuộc sống tại đây chưa bao giờ cạn kiệt chất liệu để thế hệ nghệ sĩ tự do khai thác, thể hiện cá tính, phong cách của bản thân, thay vì đóng khung trong một hình tượng cụ thể. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy những lát cắt thi vị của nơi này trong các tác phẩm hội họa ở The Metropolitan Museum of Art, Museum of Modern Art (MoMA), Whitney Museum of American Art...

Dòng chảy bất tận của nghệ thuật trong các thành phố - 20

Bảo tàng Metropolitan Museum of Art tại New York (Mỹ)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Thu (Travellive+)

CLIP HOT