CĂN CỨ QUÂN ỦY BỘ CHỈ HUY MIỀN B2 TÀ THIẾT

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Căn cứ Tà Thiết có tổng diện tích 1.200 ha, tọa lạc tại ấp Cần Dực, Xã Lộc Thành, Huyện Lộc Ninh, Tỉnh Bình Phước. Xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến QL13, với quãng đường khoảng 150km, đến ngã ba Đồng Tâm rẽ  trái theo con đường LTL 17 vào 12 km sẽ đến khu căn cứ Quân ủy Bộ Chỉ huy Miền. Nơi đây có 09 ngôi nhà là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy Miền đều được xây dựng nửa chìm, nửa nổi, mái lợp bằng lá Trung quân có đặc tính: bền, dai, lâu mục, khó cháy, cách nhau từ 50m đến 600m

CĂN CỨ QUÂN ỦY BỘ CHỈ HUY MIỀN B2 TÀ THIẾT - 1

Căn cứ Tà Thiết khi xưa là nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo cấp cao cách mạng lâm thời miền Nam như: Nơi ở và làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền; Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền; Đại tướng Lê Đức Anh - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền; Chính ủy Phạm Hùng ...cùng với nơi ở và làm việc là hệ thống các công trình khác như: Hội trường, Hầm giao ban, Bếp Hoàng Cầm, Hầm chỉ huy, Hầm chữ A, Hầm thông tin, Hầm quân y…

CĂN CỨ QUÂN ỦY BỘ CHỈ HUY MIỀN B2 TÀ THIẾT - 2

Bộ Chỉ huy Miền là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là nơi tiếp đón các đoàn lãnh đạo cao cấp Bộ Chính trị, Bộ Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung ương cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang và triển khai các Chỉ thị của Trung ương Đảng. Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ Quân ủy Bộ Tư lệnh Miền đã phải di chuyển qua nhiều nơi để bảo đảm an toàn, bí mật, nhưng căn cứ Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được xây dựng qui mô lớn mạnh nhất. Đây không những là nơi dự trữ hậu cần chiến lược mà còn là nơi thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

CĂN CỨ QUÂN ỦY BỘ CHỈ HUY MIỀN B2 TÀ THIẾT - 3

Ngày nay, đến với Căn cứ Tà Thiết chúng ta sẽ được ôn lại những kỷ niệm hào hùng của dân tộc, tưởng nhớ lại những hy sinh xương máu của cha anh cho nền độc lập của nước nhà, cùng thăm lại chiến trường xưa với những kỷ vật đơn sơ, mộc mạc còn lưu giữ cẩn thận ở Bảo tàng Tà Thiết, thăm lại nơi ở, hội trường làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, cùng với thưởng thức những món ăn dân dã của bộ đội ta ngày xưa như: Củ mỳ, lá nhíp đọt mây, rau rừng, lá giang…. dưới tán cây rừng cổ thụ mát mẻ quanh năm, để nhớ về những khó khăn vất vả mà cha ông ta đã trải qua để giành lại nền độc lập cho dân tộc. 

Vào tháng 4/2015, tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Ban lịch sử Quân sự Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học "Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết (1972-1975)" với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cùng với các nhân chứng lịch sử và đã đánh cao vị trí, vai trò chiến lược của Căn cứ Tà Thiết đối với công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hiện nay, Căn cứ Tà Thiết là một trong 5 điểm du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư và đang là dự án được tỉnh kêu gọi đầu tư.

CĂN CỨ QUÂN ỦY BỘ CHỈ HUY MIỀN B2 TÀ THIẾT - 4

Ngoài căn cứ Tà Thiết, trên địa bàn huyện Lộc Ninh còn có nhiều điểm di tích lịch sử để du khách tham quan như: Nhà Giao tế, nơi từng diễn ra các cuộc họp của Ban Liên hợp quân sự 4 bên để bàn về điều khoản sẽ được ký kết trong Hiệp định Paris vào tháng 01/1973. Sân bay Quân sự Lộc Ninh - nơi diễn ra các cuộc trao trả tù binh năm 1973 giữa ta và địch và các di tích khác như Tổng kho nhiên liệu VK98, căn cứ cục hậu cần miền (B2)…

 Với những ý nghĩa lịch sử trên, Căn cứ Tà Thiết luôn là điểm đến hấp dẫn cho mọi thế hệ để tìm hiểu về cội nguồn lịch sử dân tộc.

Phạm Kha

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

Đờn ca tài tử: 'Tri kỷ' của người phương Nam
Đờn ca tài tử: 'Tri kỷ' của người phương Nam

Dù cho dòng chảy thời gian có trôi nhanh đến đâu, nhịp sống hiện đại có hối hả thế nào, đờn ca tài tử vẫn luôn giữ cho mình một khoảng trời riêng, một vị trí đặc biệt trong lòng người Nam Bộ.