Bà tôi đóng oản
Với người nhà quê, "nếp cái hoa vàng" chẳng đơn giản là đặc sản, mà nó là món quà quý giá tạo hoá ban tặng cho người nông dân.
Mỗi dịp tháng 10, sau khi thóc tẻ đã vào bồ tinh tươm, người làng tôi mới đi gặt đám ruộng nếp cái hoa vàng ở "vùng ruộng chân trên". Lúa nếp được hong từ bóng râm rồi dùng bàn chang tãi ra chỗ nắng. Duới cái nắng gầy hanh hao tháng mười hạt thóc mới không khô quá lúc xay xát tránh được gạo bị gãy. Nếu phơi không đủ độ lúc cho vào bồ sẽ bị mối mọt. Với người nhà quê, nếp cái hoa vàng chẳng đơn giản là đặc sản, mà nó là món quà quý giá tạo hoá ban tặng cho người nông dân.
Dụng cụ để đóng oản.
Gạo nếp dùng để đồ xôi đóng oản cúng trời đất, thần, phật, gạo nếp để làm ra những chiếc bánh chưng bánh dày để dâng lên vị thần cai quản, dâng lên ông bà tổ tiên bày tỏ lòng thành của con cháu. Vì thế từ khâu gặt lúa mang từ đồng về, đến việc tuyển lựa bồ thóc nào để làm việc gì cũng được các bà các mẹ chuẩn bị hết sức tỉ mỉ, chu đáo, kỹ lưỡng.
Xưa kia khi bà nội còn sống, cứ dịp rằm tháng Chạp, ngày 23 tháng Chạp, bà tôi lại thành tâm làm oản mang dâng lên Đức Phật ở chùa Cả, dâng lên đức Thành Hoàng cai quản của làng, dâng lên đức Thánh Mẫu ở Miễu trong khu rừng cấm của làng.
Bà nội tôi chuẩn bị kỹ lưỡng để đồ xôi đóng oản. Bà ngâm gạo từ 2h sáng bằng nước giếng cổ của làng. Bố tôi kẽo két gánh nước từ tối hôm trước. Bà vớt gạo nếp ra, đôi tay đồi mồi của bà xóc gạo vài ba lần cho ráo nước, tay trái bà nhón một chút muối rắc rắc vào gạo.
Tôi nhìn những động tác thuần thục của nội cứ ngỡ nội tôi là một đầu bếp tài ba. Trên cái bếp kiềng ba chân, chõ đang sôi sùng sục, khói bốc lên, bà tôi cẩn thận lấy chiếc đũa cả thăm dò xem nước đã vừa chưa rồi mới đổ gạo đều đều vào chõ. Bà rút bớt củi ra và lâu lâu bà dùng chiếc khăn xô để lau vung chõ. Khi xôi đã chín sâm sấp, bà đơm ra chiếc mẹt đã rải sẵn lá chuối, vẩy một chút nước mưa lên. Sau khi thấy hạt cơm nếp đã mềm mịn, bà tiếp tục cho vào chõ đồ lại lần hai.
Oản xôi nếp cái hoa vàng.
Xôi đã chín, bà bắc ra chiếc rế đan bằng tre. Tôi lăng xăng giúp bà chạy ra vặt những chiếc lá mít to nhất, đẹp nhất ở ngoài cây, rửa sạch bằng nước mưa, cắt rộng hơn khuôn gỗ tròn để đóng oản. Em trai tôi bưng một chậu nước lại gần chỗ bà ngồi. Mở vung ra, nồi xôi trắng tinh hạt cơm nếp cái hoa vàng, thơm lừng làm nao nao lòng người.
Bà tôi đơm xôi rất khéo, tay bà thoăn thoắt quệt nhuyễn bằng chày, bà làm rất đều tay, khi xôi đã tràn bằng mặt đế, bà lật ngửa cái lồng oản lên rồi úp vào cái lá mít, xoay xoay cái tay, dùng chiếc chày thục nhẹ một cái đã ra chiếc oản tinh khôi.
Trong khi đóng oản bà tôi kể câu chuyện đậm chất huyền bí về sự tích cây đa, gốc mít: "Ngày xửa ngày xưa có ông đa và bà mít hàng xóm thân thiết. Hai người đi chùa rất thành tâm. Nhưng khi vào vụ gặt. Bà Mít bận gửi ông Đa dâng lễ giùm. Ông Đa mới đầu cũng khấn thành tâm kể ra lễ vật bà Mít gửi. Nhưng lâu dần ông Đa đã không còn thật thà nữa. Đến khi cả hai người đều đến thế giới khác. Trong chiếc gương thần của Phật thấy được sự gian dối của ông Đa nên trừng phạt ông phải đứng ở đầu đình, cổng chùa. Còn bà Mít ở trong vườn của nhà mình và cho ra trái thơm ngon. Vì thế mà đóng oản nhất định dùng lá mít". Khi bà kể xong câu chuyện đã đầy hai mâm oản.
Đã có lần tôi thắc mắc, sao bà không làm gì đó đơn giản hơn, mà nhất định tự tay kỳ công chuẩn bị. Bà tôi cười và xoa đầu rồi giải thích rằng: muốn cầu xin thần phật điều gì mình phải thành tâm, mình chỉ cầu xin cho gia đình sức khoẻ, bình an.
Bà tôi mặc chiếc áo dài tứ thân màu thâm nâu. Bà tôi đặt cái mâm oản lên đầu rồi thành tâm đi lễ. Trong mắt bà tôi, những người sinh ra và lớn lên ở làng, cả đời gắn với lũy tre, bờ đê, với những cánh đồng lúa mênh mang, "vạn vật hữu linh" nên những chiếc oản xôi ấy mang ý nghĩa phong thuỷ đặc biệt trong lòng các cụ: "Nếp cái hoa vàng tượng trưng cho sinh sôi, nước ở giếng cổ là món quà tạo hoá ban tặng cho người làng, xôi đồ trên ngọn lửa ấm nồng mang ý nghĩa chở che. Thế nên một chiếc oản tưởng chừng như nhỏ bé, trắng muốt tinh khôi ấy lại ấp ủ cả ước vọng xa xôi của những người người nông dân chân chất thật thà luôn mong muốn cầu thần - phật sẽ bảo trợ cho làng, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa mang bội thu".
Sau khi đi lễ về, bà luôn mang lộc về cho chúng tôi. Những chiếc oản bà tôi làm từ sớm đã được chia đều cho những đứa trẻ con, chúng tôi mỗi đứa cắn miếng oản ăn với chuối dạ hương mà cảm thấy lâng lâng sung sướng. Trong ánh mắt ngây thơ trong veo của lũ trẻ chúng tôi, đứa nào mà chẳng ao ước Tết đến xuân về để được ăn ngon, để được sắm quần áo mới và vui mừng khi được nhận tiền lì xì. Lớn lên rồi mới biết rằng chỉ có trẻ em là thích Tết. Còn với người lớn là những nhọc nhằn lo toan.
Oản nếp cách điệu.
Sau này lớn lên, tôi vào nam lập nghiệp, hoà cùng nhịp sống năng động của vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm mưa thuận gió hoà, ít gặp cảnh bão, lũ… đã tạo nên tính cách những con người tự do, tự tại, dễ chịu và bớt đi những cầu kỳ trong lễ nghĩa, cũng như những tục thờ cúng, kiêng kỵ.
Tôi lại ngậm ngùi thương bà, thương mẹ, thương những người nông dân lam lũ trên mảnh đồng chiêm trũng mênh mang. Nơi đó, mỗi khi Tết đến xuân về các bà các mẹ lại tất bật với nhưng lo toan. Nhưng sau tất cả, tôi lại thấy mình hạnh phúc khi sinh ra và lớn lên ở làng, chẳng phải những khốn khó ấy đã giúp tôi có được một khoảng trời ký ức tuổi thơ tươi đẹp đó sao, chẳng phải những món ăn tuy bình dị, đơn sơ đến thế nhưng lại gói trọn yêu thương của tình thân, của tình làng nghĩa xóm, của những phong tục dân gian đậm chất quê nghèo.
Căn bếp nhỏ rộn ràng, vui vẻ. Hình như bếp cũng lây sự chộn rộn, háo hức của lòng người, củi cháy bừng lên, nổ lép...