TRĂN TRỞ VỚI DU LỊCH MIỀN TÂY!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TRĂN TRỞ VỚI DU LỊCH MIỀN TÂY! - 1Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi sự hợp tác đồng bộ giữa các ngành. Tại Roadshow giữa Quảng Nam – Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có nhà báo hỏi tôi: “Đường cao tốc Sài gòn – Trung Lương đã đưa vào sử dụng. Cầu Cần Thơ vừa khánh thành. Tại sao du lịch Cần Thơ chưa cất cánh?” Khổ thế, cánh cụt làm sao cất? Đường Sài Gòn – Trung Lương chỉ mới hơn 70 km mà cũng chưa ổn vì chờ lún, vì xử phạt quá cao … nên nhiều nhà xe ngại. Dù có cầu Cần Thơ thì thời gian chỉ tiết kiệm được hơn 1 giờ. Từ Cần Thơ khách muốn đi Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Châu Đốc… vẫn gian nan đường bộ. Rồi tệ nạn ăn xin, bán hàng rong chèo kéo ở các điểm du lịch. Dịch vụ thì kém và thiếu sản phẩm đặc trưng… thì làm sao du lịch cất cánh?

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Mỹ – Giám đốc Công ty Lửa việt và Tavitour

Ai cũng biết miền Tây là vựa lúa và là nguồn cung cấp thủy hải sản chính của cả nước. Vậy mà du lịch đến miền Tây thì được ăn gạo dở nhất, còn giá ăn đắt hơn nhiều tỉnh khác. Tôi có dịp du lịch mùa nước nổi ở An Giang vào rừng tràm Trà Sư. Có thể nói là quá tuyệt. Các đặc sản từ cá linh, bông điên điển, nhất là món bánh xèo núi Cấm ăn với hàng chục loại lá rừng, không ở đâu có. Kinh doanh du lịch là kinh doanh cái thiên hạ đang thiếu, không có. Chỉ riêng khoản ẩm thực, miền Tây thừa sức phát triển ngành công nghiệp không khói. Ai đời khách từ Sài Gòn và các tỉnh đến mà cứ bắt chước mấy món của Sài Gòn đãi khách. Sao không đãi các món nướng Nam Bộ và các đặc sản địa phương? Từ gạo, lá rừng đến trái cây và cách chế biến. Hình như ở miền Tây lá gì non cũng có thể ăn mà lại chữa được bệnh?

TRĂN TRỞ VỚI DU LỊCH MIỀN TÂY! - 2

Có cảm giác những người làm du lịch ở đây chưa đủ đam mê và nhiệt huyết? Họ cũng không cần biết khách thích gì? Khách muốn gì để đáp ứng? Cứ chủ quan lấy cái thích của mình áp đặt cho du khách. Cách làm thì tùy hứng và mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp nên thiếu sản phẩm đã đành mà dẫu có cũng không bán được. Làm du lịch cũng như làm kinh tế. Việc đầu tiên phải nghĩ đến là Đường Điện Con người. Làng nghề hấp dẫn nhưng đường xấu, cầu yếu làm sao xe lớn đến được. Mà đi xe đạp hay đi bộ cũng chừng mực nào đó thôi. Cái tâm lý càng ít khách càng phải lời nhiều cho đủ chi phí vẫn rất phổ biến trong khi đáng lẽ phải giảm giá để kéo khách tới. Có lãnh đạo còn đề nghị thu phí khách khi vào tham quan làng nghề! Xin lỗi, nhiều nơi còn cầu cho khách tới. Tới nơi là trà nước, bánh kẹo để giữ chân. Và khi vào thế nào họ cũng mua nếu biết cách bán và có giá cả hợp lý, mẫu mã hấp dẫn.

Du lịch là Nghỉ ngơi + Ăn uống + Mua sắm + Hiểu biết thêm. Nghỉ ngơi không được, ăn uống thì đắt đỏ, không có món gì mới chẳng thà ở nhà. Không biết mua gì làm kỷ niệm và cũng chẳng hiểu biết thêm dược chuyện gì thì ai mà đi du lịch? Có lỡ đi họ sẽ không bao giờ trở lại; thậm chí còn khuyến cáo và ngăn cản bạn bè, người thân đừng đến đó.

Cứ nhìn qua Thái Lan là có thể học được bao nhiêu thứ. Tài nguyên và tiềm năng du lịch họ ít hơn, nhưng bù lại con người lại năng động và hợp tác tốt hơn. Chợ đêm sông buổi tối chủ yếu là trên bờ. Sông chỉ là cớ, là nền để bán đồ ăn và hàng lưu niệm ven bờ. Có khu ồn ào cho đám đông. Có chỗ tĩnh lặng cho đôi lứa hoặc bạn bè tâm sự. Buổi tối du thuyền xem đom đóm lập lòe. Ở Việt Nam có thể cho khách nghe sự tích hiếu học của người xưa và tặng kèm vài con đom đóm về làm kỷ niệm. Rồi cách làm homestay rất chuyên nghiệp, gắn liền với các cơ sở làm than hoạt tính để khử mùi và đuổi côn trùng từ các loại  trái cây điếc. Hay cách lấy nước dừa từ bông dừa (chứ không phải trái) đề làm thức uống, làm rượu, làm đường… Lên ChiengMai xem người Thái làm du lịch sinh thái. Xe bò hàng trăm chiếc, Voi chở khách – cả trăm con. Các resort giữa đồng ruộng, mờ cửa là hương lúa ùa vào, là mùi bùn non ngai ngái phảng phất. Thích làm nông dân lúc nào cũng được… Mới thấm thía lời dạy của cha ông mình “Buôn có bạn, bán có phường”. Kiểu một mình một chợ, làm chăng hay chớ, chẳng những không hợp tác mà còn phá nhau như hiện nay thì du lịch Việt Nam cứ mãi mãi là chim cánh cụt.

Phải thay đổi cả cách nghĩ và cách làm. Từ các cấp quản lý, lãnh đạo đến nhân viên phục vụ. Chỉ khi nào hết lòng với nghề mới có được sản phẩm tốt. “Yêu nghề - thì nghề không phụ”. Thật lòng với khách thì khách sẽ thật lòng với mình. Khách chưa đòi sang đẹp, nhưng đòi sạch, đòi trân trọng và tính độc đáo của sản phẩm. Tất cả đều tùy thuộc vào CON NGƯỜI. Khó hay dễ cũng từ đó mà ra!

Nguyễn Văn Mỹ

(Lửa Việt và Tavitour)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo