Nghề porter dưới chân dãy Himalaya

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ở Nepal, nghề porter chưa bao giờ là dễ dàng và cũng đầy rẫy nguy hiểm. Vì sinh ra ở núi, nên họ mới chọn núi làm nơi để kiếm sống, để nương tựa.

Đi cùng đoàn trekking 14 ngày lên đèo Thorongla Pass cao 5.416m của chúng tôi ở Nepal có 3 porter (người giúp mang hành lý), 1 trợ lý phụ trách các bữa ăn, lo chỗ ngủ, hỗ trợ dọc đường, 1 guide dẫn đường. 5 người Nepal tận tuỵ hiền lành, chưa bao giờ làm chúng tôi phải lăn tăn bất cứ vấn đề gì suốt dọc đường, chỉ chăm chú tận hưởng cảnh núi non.

Họ là những cư dân sống ở vùng quê dưới chân dãy Manaslu - đỉnh núi cao thứ 8 của thế giới, hàng xóm của Ganesh - guide của chúng tôi. Công việc thường ngày của những người đàn ông này không phải là ở trên núi mà là buôn bán nhỏ hoặc làm nông nghiệp ở quê. Khi nào có khách gọi thì Ganesh mới tập hợp họ lại và di chuyển xuống thủ đô Kathmandu theo đoàn với công việc chính là gùi hàng.

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 1

Porter nhận hành lý của khách từ bến xe

Những porter người Nepal rất ít nói nhưng thân thiện, phần vì họ không thể giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng luôn đáp lại chúng tôi bằng những nụ cười hiền. Mỗi sáng thức dậy chúng tôi có nhiệm vụ đóng gói lại gói hành lý rồi mới ăn sáng, vì porter xuất phát trước chúng tôi. Và dĩ nhiên, họ cũng đến điểm nghỉ chân trước chúng tôi với một tốc độ kinh ngạc.

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 2

Các porter chuẩn bị khởi hành sáng sớm

Cách gùi hàng của họ nhìn rất khắc khổ, đó là gùi đồ trên lưng nhưng cố định bằng một sợi dây tì vào trán, vòng qua đầu. Ở đây, tất cả porter đều làm như thế, cách này giảm rất nhiều áp lực trên lưng và vai. Mỗi túi hành lý tùy kích cỡ mà có cân nặng khác nhau, trung bình khoảng 20-40kg. Trên những độ cao lưng chừng trời, bước đi đã mệt mỏi, huống hồ còn phải cõng trên vai chừng ấy hành lý, đó quả thực là một công việc vô cùng vất vả.

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 3

Porter gùi hàng trên đường trekking

Cũng như chúng tôi, họ nghỉ bất cứ đoạn nào trên đường cảm thấy mệt. Ở những đoạn nghỉ cùng nhau, chúng tôi hay mời họ ăn khô gà, kẹo socola đoàn mang theo. Bữa ăn của họ khác với chúng tôi nghĩ, vô cùng đơn giản, hầu như bữa nào họ cũng ăn món cơm Dal Bhat truyền thống trong đó bao gồm ít đậu, ít rau, vài miếng gà nhỏ, nước sốt.

Bữa nào cũng thế, Jeten - người trợ lý sẽ đi nhanh ở chặng cuối để book phòng tốt nhất cho đoàn, rồi có khi đi ngược trở lại vài km đón mọi người. Đến nơi, do đoàn chúng tôi không ăn được món Nepal hay đồ ăn nhanh có trong menu nên tự vào bếp, nấu nướng ăn uống. Bọn tôi ăn xong chán chê thì những poter mới bắt đầu nấu cơm ăn. Ăn xong cả đoàn sẽ có một cuộc họp ngắn, guide sẽ phổ biến về cung đường ngày hôm sau, tình hình thời tiết, dặn dò mang các quần áo phù hợp. Đó cũng là người lo cho bọn tôi về sức khoẻ, dặn uống đủ nước tránh say độ cao, uống thuốc cảm…

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 4

Jeten - trợ lý đa năng của đoàn.

Những người porter này cũng nghỉ ngơi bình thường và không mất quá nhiều thời gian hồi phục như chúng tôi. Thậm chí lúc được nghỉ 1 ngày ở làng Manang chuẩn bị cho những ngày lên cao hơn, cứ tưởng họ sẽ ở nhà ngủ thì tất cả porter đều theo chúng tôi đi up độ cao. Dĩ nhiên ngày này họ không phải mang vác gì nên đi băng băng như đi chơi.

Hỏi mới biết hầu như họ đều là những người lần đầu đi làm porter, bình thường thì ở quê làm ruộng hoặc phụ buôn bán với gia đình. Người già nhất đã ngoài 40, trẻ nhất chưa đến 30. Có lẽ do thể trạng bẩm sinh, họ chẳng hề hấn gì khi lên cao gặp không khí loãng hay trời lạnh âm độ. Chẳng bù cho chúng tôi, hết đau đầu tới sốt.

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 5

Phút nghỉ ngơi bên đường của porter

Nepal là đất nước có diện tích chỉ bằng ½ Việt Nam nhưng có tới trên 10 đỉnh núi cao nhất thế giới. Người dân Nepal sống chủ yếu dựa vào núi và nông nghiệp. Những người yêu núi đều ít nhất một lần quay lại Nepal, hoặc rất nhiều lần nữa. Vì cảnh quan. Vì sức hấp dẫn ở từng cung leo núi. Vì cả những người dân Nepal rất thân thiện, hiền lành.

“Nếu không đi núi, anh sẽ làm gì?”, tôi đã nhiều lần hỏi Jeten câu đó và nhận thấy nhiều đắn đo ở người thanh niên trẻ này. Ở Nepal, mùa leo núi đẹp nhất bắt đầu từ tháng 10 - tháng 12 và từ tháng 3 - tháng 5. Khoảng thời gian tháng 1, tháng 2 tuyết rơi dày, các cung đường leo núi sẽ đóng cửa. Thời gian mùa mưa cũng rất ít người leo. Khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt này rất dài, nên không thể chỉ trông chờ vào các ngọn núi. Hơn nữa, núi cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm và rủi ro không lường trước, công việc cũng cần nhiều sức khỏe và không thể làm trọn đời. Những người đàn ông Nepal đa số chọn con đường xuất khẩu lao động sang các nước như Malaysia, Dubai…

Trên chuyến bay từ Kuala Lumpur sang Kathmandu, chúng tôi tôi gặp rất nhiều người lao động Nepal về thăm quê, hành trang về nhà của mỗi người là 1 chiếc tivi Sony và 1 vali chăn mền, tất cả luôn, ai cũng y như nhau. Có lẽ đó là món quà cho gia đình sau một thời gian lao động ở xứ người.

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 6

Các porter nghỉ chân sau một ngày dài mệt mỏi

Lúc chúng tôi chuẩn bị về, cũng có vài lần nói chuyện với Jeten. Jeten là một anh chàng đẹp trai, tốt bụng, tinh tế. Jeten theo Ganesh từ khi mới mười mấy tuổi, xuất phát điểm cũng chỉ là 1 porter đi vác hành lý cho khách. Sau đó Jeten tự học tiếng Anh giao tiếp với khách, viết được câu cú rất đúng ngữ pháp. Thế nên bây giờ đã lên tới chức trợ lý của Ganesh. Nhưng Jeten bảo, có lẽ anh ấy sẽ đi xuất khẩu lao động ở một nước nào đó. Công việc với những ngọn núi đã bắt đầu làm anh chán, và hơn cả, nó không ổn định.

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 7

Đoàn chinh phục Thorongla Pass 5.416m cùng các porter và guide

Những người porter và guide của bọn tôi đều không phải của công ty tour. Họ gom nhóm và tự làm, Ganesh xem như là một ông chủ. Tuy nhiên tất cả đều được tổ chức một cách đơn giản và không thực sự chuyên nghiệp nên phụ thuộc rất nhiều vào lượng khách quen giới thiệu.

Ganesh không biết quảng cáo trên website, có dùng facebook nhưng chẳng biết đăng những bức ảnh mời gọi hay bất cứ chiêu trò marketing gì. So ra thì họ thua nhiều bạn porter trẻ bên Việt Nam mà tôi biết. Tất cả đều chỉ dựa vào sự lan truyền về sự uy tín của các nhóm khách từng đi trước đó giới thiệu. Mà đâu phải ai cũng chọn đi với guide, với porter khi mà việc đi leo núi tự túc giá rẻ hơn rất nhiều.

Nghề porter dưới chân dãy Himalaya - 8

Những ngọn núi là niềm say mê của du khách và cũng tạo việc làm cho người bản địa

Tháng 4 -2015, một trận động đất mạnh khủng khiếp xảy ra ở ngay trung tâm thủ đô Kathmandu và vùng núi Everest ngay đúng mùa leo núi khiến con số tử vong lên tới hơn 3.000 người. Trận động đất này phá huỷ gần như toàn bộ cơ sở vật chất và nhiều phần cung đường Langtang mà năm 2016 bạn tôi có đi trekking và kể vẫn còn thấy nhiều đổ nát. Ganesh bảo năm đó nhà ông bị sập, may mắn không ai bị gì. Giọng kể cũng nhẹ tênh như đó là một điều hiển nhiên ở đất nước ngước mặt lên là thấy núi như thế này.

Nói để thấy, ở đất nước này, nghề porter chưa bao giờ là dễ dàng và cũng đầy rẫy nguy hiểm. Nhưng vì sinh ra ở núi, nên họ mới chọn núi làm nơi kiếm sống, để nương tựa. Tôi không rõ họ có chán núi như Jeten từng nói chưa, chỉ mong rằng họ sẽ luôn mạnh mẽ, lạc quan, luôn giữ được nét hồn hậu, thân thiện của dân tộc tôi.

Còn chúng tôi, chắc chắn sẽ quay lại Nepal để chinh phục nhiều cung đường núi khác nữa – một phần vì quý mến chính những người Nepal ấy.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT