Khám phá đồng bằng sông Cửu Long qua những chuyến xê dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Nẻo đường phiêu bạt” dẫn dắt chúng ta đi khám phá những miền đất mới, con người mới, đồng thời được nghe những chia sẻ, suy tư của tác giả khi phải chứng kiến những biến thiên của thế cuộc.

Nẻo đời phiêu bạt là tập bút ký của Trương Chí Hùng - một nhà văn trẻ đang tạo được những dấu ấn riêng với thể loại bút ký ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cuốn sách gồm 12 bài bút ký ghi lại những chuyến hành trình rong ruổi, trải nghiệm tới những vùng đất mới, gặp gỡ những con người mới, những nơi chốn quen thuộc nhưng có khi lại rất “xa lạ” với nhà văn. Sách cũng là những suy tư của tác giả về những chuyến “xê dịch” và về những vùng, miền mà tác giả đã đến và có dịp quay trở lại sau này.

Trong lời nói đầu cuốn sách, Trương Chí Hùng đã chia sẻ “Cuốn sách này tôi không chỉ viết về hành trình xuôi ngược của một kẻ thích rong chơi, mà còn muốn ký thác vào đó nỗi niềm của một người chứng kiến bao biến thiên thế cuộc”.Khám phá đồng bằng sông Cửu Long qua những chuyến xê dịch - 1

Trương Chí Hùng vốn là một người thích phiêu lưu, khám phá những vùng đất mới lạ. Nhà văn bắt đầu thú “xê dịch cách đây gần 10 năm và dành gần như trọn “những tháng năm rực rỡ nhất của tuổi trẻ” cho những chuyến đi “xê dịch”.  

Và trên những chuyến đi này, nhà văn không chỉ khám phá những miền đất mới, con người mới (sau thành quen, trở thành tri kỷ) mà còn được chứng kiến bao đổi thay từ cảnh vật đến lối sống con người, nhất là những nơi nhà văn có dịp quay lại.

Từ việc phải chứng kiến những thay đổi này, nhất là những cảnh “tang điền biến vi thương hải” (Ruộng dâu biến thành biển xanh), hay những điều tốt đẹp đang dần mai một, nhà văn không khỏi ngậm ngùi, để rồi tạo ra từng trang viết với mong muốn lưu giữ những giá trị tốt đẹp ấy.

Trong bài Trăm năm miền sương khói, Trương Chí Hùng cho biết thành phố Đà Lạt ở trong hai thái cực khác nhau khi dẫn chúng ta đi thăm thành phố ngàn hoa này ở hai thời điểm khác nhau.

Đó là lần đầu tiên nhà văn đến Đà Lạt theo một đoàn khảo sát của một nhóm giảng viên trường đại học và lần thứ hai sau bảy năm khi dẫn đoàn sinh viên đi thực tế.

Ở lần đầu tiên đến Đà Lạt, nhà văn có những ấn tượng đẹp đẽ về một thành phố ngàn thông, với khí hậu se lạnh, với những ngôi nhà đầy hoa trái, với những căn biệt thự cổ kính sang trọng nằm lặng lẽ trên những ngọn đồi vắng, với âm nhạc phiêu bồng...

Nhà văn cũng ấn tượng với những người Đà Lạt thân thiện mến khách nhưng có chút gì đó thâm trầm, minh tuệ, đơn độc.

Đặc biệt nhà văn ấn tượng mạnh với Huyền My, cô con gái út của khu phòng nghỉ nhà khách lưu trú, với gương mặt thanh tú, đôi mắt to, đen huyền, hàng mi cong vút. Chính Huyền My là người đã chia sẻ những điều giúp cho nhà văn thấu hiểu Đà Lạt hơn.

Ở lần thứ hai đến Đà Lạt, nhà văn tìm đến căn nhà cũ của Huyền My, nhưng đã không còn mà thay vào đó là một quán ăn đông khách. Người chủ mới nói ba Huyền My bán căn nhà này từ bốn năm trước và nghe đâu dọn về Đức Trọng hay Bảo Lộc gì đó.

Người cũ rời đi, cảnh vật cũng thay đổi. Con đường vắng tênh hồi nào giờ đây nhà cửa san sát. Bao nhiêu ngôi nhà được xây cất đã làm sụp đổ trong nhà văn những tượng đài đẹp đẽ về một Đà Lạt thiên đường…

Sau này, nhà văn có dịp trở lại Đà Lạt thường xuyên hơn. Thế nhưng nhà văn không ít lần xót xa cảnh phố xá ken dày những con đường xanh mượt của thưở trước…Khám phá đồng bằng sông Cửu Long qua những chuyến xê dịch - 2

Trong bài Buồn như Miệt Thứ, Trương Chí Hùng lại cho biết những thay đổi của một vùng quê thuộc huyện An Minh và An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang, khi con rạch Cái Thia rộng hai chục thước chảy xuôi về hướng bến phà Tắc Cậu cũ phía An Biên.

Nhà văn nhìn cái rạch Cái Thia hiện thời mà lòng miên man nghĩ về cảnh “tang điền biến vi thương hải” và nghĩ đến câu hát của người xưa “Con rạch Thia chảy dìa tắc cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà”…

Ở các bài viết tiếp theo: Lặng lẽ Ramadan, Rong ruổi miệt Cà Mau, Gởi em “xứ Nẫu”, Mùa hoa chớm nụ, Mùa nước nổi xa xôi, “Mót tràm” ở Xà Tón, Quặn thắt dòng sông Hậu, Đám cưới miền Tây..., Trương Chí Hùng lại tiếp tục dẫn dắt chúng ta rong ruổi khắp hành trình, đến những nơi mà nhà văn đã từng ghé qua, với những câu chuyện đời thật hết sức gần gũi và bình yên, cùng với đó là những chia sẻ, suy tư của nhà văn với bao nỗi trăn trở về thế sự, cuộc đời.

Bình luận về Nẻo đời phiêu bạt, nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ viết: “Trong mỗi chuyến “xê dịch”, trải nghiệm ở vùng đất mới, gặp gỡ những con người, tác giả lại thấy phảng phất đâu đó nơi chốn quen thuộc, những hình bóng quen thuộc.

Đi thật xa là để trở về. Trang viết của Trương Chí Hùng như làm sống lại  những vùng quê yên bình, đánh thức nơi thẳm sâu người đọc sự bình dị thân thương nhất”.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Châu

CLIP HOT