Vợ chồng rời làng hoa vào Nam lập nghiệp, cuộc sống bấp bênh nhưng chưa dám về quê

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dù cuộc sống xa quê còn nhiều khó khăn, nhưng chị Phạm Phương (Hà Nam) cùng chồng chưa có ý định bỏ phố về quê.

Chị Phạm Phương quê gốc ở Thái Bình, lấy chồng về Hà Nam. Tại xã Liêm Chung (thành phố Phủ Lý) có một khu vực làng trồng hoa, nhiều hộ gia đình quanh năm canh tác để tạo nguồn thu nhập chính.

Sau khi lập gia đình, chị Phương cùng chồng vào miền Nam lập nghiệp, đến nay cũng ngót nghét hơn 15 năm. Hiện tại hai người đang làm việc tại Bình Dương, vợ phục vụ cho công ty về suất ăn công nghiệp, còn chồng làm đầu bếp ở một đơn vị khác. 

Chị Phương cho biết gia đình làm nghề trồng hoa từ lâu, hiện tại ba mẹ vẫn đang duy trì công việc ngày hằng ngày. Trước đây khi vẫn còn ở quê, chị Phương thường phụ đem hoa ra chợ bán, hoặc dịp lễ Tết hỗ trợ chăm hoa.

Vợ chồng rời làng hoa vào Nam lập nghiệp, cuộc sống bấp bênh nhưng chưa dám về quê - 1

Công việc trồng hoa được duy trì nơi làng quê của chị Phạm Phương nhiều năm qua.

Diện tích hoa gia đình chị Phương trồng khoảng 3 sào, hơn 1.000 m2. Những loại hoa phổ biến là: hoa cúc, hoa ly, hoa lay ơn… nhưng chủ yếu là hoa cúc vì loại này dễ bán, có thể trồng được quanh năm. Mỗi năm tập trung vào vụ Tết, còn lại trồng duy trì để bán mùng 1 hoặc ngày rằm.

“Cứ đến vụ thu hoạch hoa, sẽ có lái buôn vào vườn chọn hoa đẹp để cắt, còn hoa bình thường thì gia đình đem ra chợ bán. Nói chung làm nông thì trồng cây gì cũng vất vả, khi trồng hoa cần cẩn thận từ khâu làm đất, lấy giống, đến lúc cây lớn thì phải chăm đúng kĩ thuật, canh ánh sáng, nhiệt độ sao cho nở đúng vụ. Vào những vụ quan trọng như Tết, phải có người thường xuyên ở lại vườn để canh" - Chị Phạm Phương cho biết.

Vợ chồng rời làng hoa vào Nam lập nghiệp, cuộc sống bấp bênh nhưng chưa dám về quê - 2

Đa dạng nhiều loại hoa được trồng trong diện tích khoảng hơn 3 sào của gia đình chị Phạm Phương, phục vụ các dịp lễ Tết, mùng 1 ngày rằm.

Chị Phương chia sẻ thu nhập từ nghề trồng hoa không cố định, nếu được mùa được giá thì có doanh thu, bà con phấn khởi, còn gặp mất mùa hoặc giá rẻ thì cũng bấp bênh. Với gia đình chị Phương, nếu vào vụ lớn như Tết thì có thể thu được vài chục triệu đồng từ tiền bán hoa. Ở quê số tiền như vậy cũng gọi là có đồng ra đồng vào. Nhưng nếu năm nào mất mùa hay ảnh hưởng từ thiên tai, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, hoa nở không đúng vụ thì ai cũng buồn.

“Ông bà hay nói là thôi về nhà đi, rồi bố mẹ truyền lại nghề cho. Nhưng hiện tại ở quê cũng bắt đầu mở nhiều khu công nghiệp, mở đường rồi, đất để trồng hoa không rộng như trước. Nếu về thì cũng phải thuê đất để trồng, nên vợ chồng tôi chưa có kế hoạch về" , chị Phạm Phương chia sẻ.

Theo chị Phương, hiện tại ở quê vẫn còn nhiều hộ gia đình trồng hoa, nhưng chủ yếu là những người lớn tuổi, còn thanh niên và lớp trẻ chọn đi làm công ty để có thêm thu nhập hơn là theo nghề truyền thống. 

Vợ chồng rời làng hoa vào Nam lập nghiệp, cuộc sống bấp bênh nhưng chưa dám về quê - 3

Khu vực trồng hoa cúc vàng phục vụ cho dịp Tết của gia đình chị Phạm Phương.

Về quê theo nghề truyền thống nhiều vất vả, nhưng ở thành phố công việc cũng đầy bấp bênh. Chị Phương cho biết từ thời điểm dịch Covid-19 đến nay, công việc của vợ chồng chị nhiều phen lận đận. Cũng có thời điểm nghĩ hay thôi bỏ phố để về quê thừa hưởng nghề trồng hoa của gia đình, nhưng rồi cố gắng tiếp tục bám trụ để kiếm chút kinh tế trang trải cuộc sống.

Hiện tại vợ chồng chị Phương đã có với nhau 2 con, một bé học lớp 8 và một bé vào lớp 10. Tuy nhiên vì ở thành phố chi phí đắt đỏ, chị Phương quyết định gửi 2 con về quê gửi ông bà chăm sóc.

“Nói chung cuộc sống dừng lại ở mức tạm đủ, không dư dả gì, khéo léo vun vén thì cũng sống qua ngày được. Từ đợt Covid-19, chúng tôi gửi hai con ra Bắc nhờ ông bà chăm, còn vợ chồng vẫn ở lại miền Nam để làm ăn.

Có khi 2-3 năm mới về thăm quê một lần, vì mỗi lần về chi phí nhiều lắm. Mong muốn dịp Tết về thăm con, sum vầy với gia đình nhưng rất tốn kém, nên cũng ít khi về hoặc chỉ khi nhà có công chuyện mới sắp xếp về được. 

Xa nhà lâu như vậy cũng thấy nhớ con, nhiều khi ngồi buồn nghĩ là khóc. Nhưng vì kinh tế thì phải chịu thôi chứ biết làm thế nào nữa đâu" , chị Phương ngậm ngùi.

Vợ chồng rời làng hoa vào Nam lập nghiệp, cuộc sống bấp bênh nhưng chưa dám về quê - 4

Việc trồng hoa đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm sóc cẩn thận để hoa nở đúng vụ, đồng thời tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết mỗi năm.

Chị Phương cho biết tương lai về lâu về dài hai vợ chồng mong muốn làm ăn kiếm thêm ít vốn, sau đó sẽ về quê nối nghiệp ông bà trồng hoa để được gần các con. Tuy nhiên nếu về quê, chỉ một người theo nghề truyền thống của gia đình, người còn lại vẫn đi làm công ty để có đồng ra đồng vào, không thể nhờ cậy hoàn toàn vào những sào hoa được. 

“Chắc làm khoảng 2-3 năm nữa cũng tính sẽ về quê nối nghiệp ông bà. Thấy con cái không theo nghề thì ba mẹ cũng buồn, cứ nói mãi hay thôi về đi, rồi ba mẹ truyền nghề cho mà làm. Nhưng tôi cũng mong muốn kiếm thêm chút vốn rồi quay về quê sau", chị Phạm Phương chia sẻ.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Thảo

CLIP HOT

60 ghe ngo khuấy động sông Trăng
60 ghe ngo khuấy động sông Trăng

Gần 4.000 vận động viên của 60 đội ghe ngo đã tập trung về một đoạn sông Trăng (sông Maepéro) ở thành phố Sóc Trăng để tranh tài tại giải đua ghe ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.