Nông dân TP.HCM cần thêm tín dụng để chuyển đổi số nông nghiệp

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Tại hội nghị, 20 khách hàng đã tham gia ký kết trực tiếp với các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại TP.HCM với số tiền cam kết cho vay là 70 tỷ đồng, nâng tổng số vốn Agribank cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp địa bàn TP.HCM là 993,4 tỷ đồng cho 1.347 khách hàng.

Trong đó, 961 tỷ đồng cho 1.340 khách hàng lĩnh vực lâm thủy sản; 13,4 tỷ đồng 5 khách hàng lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch trong nông nghiệp; 19 tỷ đồng cho cho 2 khách hàng chương trình OCOP.

Nông dân TP.HCM cần thêm tín dụng để chuyển đổi số nông nghiệp - 1

Quan cảnh hội nghị

Ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã có 6 gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay bình quân của Agribank tính đến 30/9/2024 đã giảm 2,6%; riêng lãi suất cho vay bình quân của các khách hàng lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã giảm từ 1% đến 1,7% so với đầu năm và nhiều khoản vay lĩnh vực nông nghiệp hiện có lãi suất tốt.

Cụ thể, lãi suất cho vay đối với nông nghiệp hiện nay ở mức 7,2%/năm (cuối năm 2023 là 8,5%/năm), lâm nghiệp là 6,9%/năm (cuối năm 2023 là 8,2%), thủy sản 7,5% (cuối năm 2023 là 8,6%).

Nông dân TP.HCM cần thêm tín dụng để chuyển đổi số nông nghiệp - 2

Ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng giám đốc Agribank chia sẻ tại hội nghị.

Ngoài ra, Agribank còn triển khai những chương trình cho vay với lãi suất từ 2,6 - 3,5%/năm. Chương trình với lãi suất vay từ 2,6% đối với kỳ hạn dưới 3 tháng với quy mô 20.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu nông thủy sản; nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động nông nghiệp… vay vốn lưu động.

Theo khảo sát, mức lãi suất 2,6%/năm tại Agribank đang thấp hơn cả lãi suất huy động cùng kỳ hạn ở một số ngân hàng cổ phần. Chẳng hạn Sacombank đang huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng với lãi suất 2,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng đến dưới 3 tháng lãi suất 2,9%/năm.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết hệ thống tín dụng trên địa bàn thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu vốn cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo nghị định 55 đạt 345.581 tỉ đồng, với 2,01 triệu khách hàng. So với cuối năm trước, con số này tăng 2%, trong đó vay của cá nhân và hộ kinh doanh đạt 115.991 tỉ đồng, chiếm 33,5% tổng dư nợ.

Thêm những khoản vay ưu đãi nhiều hơn

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc tại TP Thủ Đức, chuyên sản xuất rau và cây ăn trái có chất lượng, giá trị cao cho biết, vốn vay ưu đãi hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và mong muốn của HTX là được cấp vốn nhiều hơn để đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất.

"Hiện tại, lãi suất ưu đãi của Agribank Chi nhánh 9 mà HTX đang được hưởng là 8%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đây là mức lãi suất rất hợp lý với chúng tôi. Sắp tới, chúng tôi mong muốn, với Nghị quyết 98, phía Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là Agribank có thể tạo thêm những khoản vay ưu đãi nhiều hơn để chúng tôi có thể đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nhất là mảng máy móc tự động"- ông Tuấn cho biết thêm.

Nông dân TP.HCM cần thêm tín dụng để chuyển đổi số nông nghiệp - 3

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc tại TP Thủ Đức

Theo thống kê, tại 5 quận, huyện ngoại thành của TP.HCM hiện có trên 500.000 hộ với 2 triệu người sinh sống, trong đó khoảng 50.000 hộ sản xuất nông nghiệp.

Do vậy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn trên địa bàn theo định hướng của thành phố là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị và xây dựng nông thôn mới thì nguồn vốn tín dụng ngân hàng rất quan trọng.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này theo Nghị định 55 đạt 345.581 tỷ đồng, cho hơn 2 triệu khách hàng vay vốn, tăng 2% so với cuối năm ngoái và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh đạt 115.991 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Sang

CLIP HOT