Hội thảo "Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới" đã đưa ra những giải pháp và chiến lược nhằm nâng cao vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Sáng nay (ngày 4/4/2025), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.
Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” diễn ra tại Cần Thơ vào lúc 7h30, hôm nay 4/4.
Muốn định vị và khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới chúng ta cần có khát vọng phát triển ngành nông nghiệp bền vững
Bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ phát biểu khai mạc hội thảo.
8h15: Phát biểu khai Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ thay mặt BTC gửi lời chúc mạnh khoẻ, hạnh phúc tới các vị lãnh đạo, khách quý. Chúc bà con nông dân có một mùa vàng bội thu và chúc Hội thảo của chúng ta ngày hôm nay sẽ thành công tốt đẹp!
Theo bà Trần Thị Thanh Bích, nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả trong thời gian sắp tới. Điều này đã một lần nữa được khẳng định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 24/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khi xác định nông nghiệp là “lợi thế quốc gia”, là “trụ đỡ của nền kinh tế”. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững là một trong những nền tảng quan trọng để chúng ta hướng tới mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, giàu mạnh.
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, nền kinh tế đang chứng kiến những thay đổi sâu rộng, đặc biệt là trong việc phát triển bền vững và định vị ngành nông nghiệp nói chung, ngành lúa gạo nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
"Muốn định vị và khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới chúng ta cần có khát vọng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, cũng như thay đổi cách thức phát triển công nghệ, ứng dụng AI trong nông nghiệp, tư duy làm chính sách…; qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa", bà Trần Thị Thanh Bích nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi được đặt ra là liệu cách làm lâu nay có còn phù hợp, phù hợp ở mức độ nào, cần thay đổi ra sao, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Những vấn đề lớn cần được đặt ra là gì? Nút thắt nào cần được tháo gỡ cho ngành lúa gạo nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung? Lợi thế cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam so với thế giới là gì?
Theo Bà Trần Thị Thanh Bích, năm 2024 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 9,18 triệu tấn với kim ngạch 5,75 tỷ đô la Mỹ (USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, đồng thời mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công. Điều đó khẳng định vị lúa gạo không chỉ là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam.
giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, đồng thời mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công. Điều đó khẳng định vị lúa gạo không chỉ là trụ cột của nền kinh tế nông nghiệp mà còn là niềm tự hào của xuất khẩu Việt Nam.
Việt Nam với khí hậu nhiệt đới, mỗi năm chúng ta có tới 3 mùa vụ, điều này cho thấy bà con có thể canh tác quanh năm. Cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam có tỷ trọng lớn là gạo chất lượng cao (60-70%) và gạo cao cấp có thương hiệu (khoảng 15%), khoảng 10-15% là gạo cấp thấp.
Vị thế của ngành gạo với thị trường quốc tế, vị thế của cây lúa trong nền kinh tế không thể thay thế.
Vậy làm sao để giữ giá gạo xuất khẩu ổn định? Làm sao để đảm bảo cân đối cung - cầu ngành lúa gạo? Làm sao tăng thu nhập cho người dân? Và làm sao để tạo điều kiện cho những DN uy tín yên tâm phát triển?
"Ban tổ chức chúng tôi hi vọng rằng, Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” với những tham luận công phu, ý kiến trao đổi tâm huyết cùng những góc nhìn mới sẽ tìm ra được những câu trả lời, những giải pháp quý báu, thiết thực đối với những vấn đề được đặt ra để đóng góp một phần vào quá trình phát triển bứt phá của ngành lúa gạo Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước", bà Trần Thị Thanh Bích bày tỏ.
Quang cảnh hội thảo
Ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ phát biểu chào mừng hội thảo.
8h30: Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết hội thảo là sự kiện có ý nghĩa chiến lược đối với ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chuỗi ngành hàng lúa gạo.
Theo ông Hè, ngành hàng lúa gạo Việt Nam có vài trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Trong đó, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạt gạo của Việt Nam đã được khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo có những bước thăng trầm, đời sống của người nông dân trồng lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người trồng lúa còn thấp hơn so với một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác. Bên cạnh đó, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng yêu cầu ngày càng cao, vấn đề thương hiệu…
Ông Hè cũng cho biết, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là một cơ hội, là giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển. Việc triển khai đề án trong thời gian qua đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tỉnh, thành trong khu vực tích cực triển khai ngay từ bước ban đầu.
“Hội thảo là dịp để các nhà chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ những giải pháp, định hướng, cách làm hay, những giải pháp về khoa học công nghệ để thúc đẩy ngành hàng lúa gạo của Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội để hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân giao lưu, kết nối tạo cơ hội hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo trong kỷ nguyên mới”, ông Hè nói
Ngân hàng đồng hành cùng nhà nông, nhà doanh nghiệp để phát triển lúa gạo bền vững
Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 phát biểu tại hội thảo.
8h40: Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 cho biết, Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 (gồm TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu), với 183 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn ưu tiên, xác định nông nghiệp là lĩnh vực tập trung vốn đầu tư, đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Hà, tính tới cuối tháng 12/2024, dư nợ tín dụng cho ngành nông nghiệp của khu vực là 202.000 tỷ đồng, trong đó ngành hàng lúa gạo là 121.000 tỷ đồng, chiếm 55% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng đầu tư tín dụng cho ngành hàng lúa gạo trên địa bàn còn nhiều khó khăn thách thức, như: rủi ro do biến đổi khí hậu; 95% doanh nghiệp ở ĐBSCL là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thông tin tài chính thiếu minh bạch, ảnh hưởng tới việc cho vay….
“Ngành Ngân hàng sẽ tích cực triển khai các chương trình tín dụng, chỉ đạo sát sao việc triển khai công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng mà hội thảo hôm nay là một trong những giải pháp đó, không để khách hàng nào đủ điều kiện tiếp cận vay vốn mà không được vay vốn. Chúng tôi hy vọng kết quả mang lại là hạt gạo Việt Nam khẳng định được thương hiệu, phát triển đúng vị thế của mình”, ông Hà khẳng định.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng, hướng tới chất lượng cao, chi phí thấp
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex.
8h50: Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua số liệu xuất khẩu ấn tượng và định hướng nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và vượt lên 9,18 triệu tấn năm ngoái, doanh thu trên 5,7 tỷ USD. Ngoài lúa gạo của Việt Nam, các doanh nghiệp còn nhập khẩu lúa từ Campuchia với khoảng 3 triệu tấn năm 2023 và 3,8 triệu tấn năm 2024.
Ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I năm nay đạt 2.250.160 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.
Mặc dù đang bị “đứt” thị trường Indonesia nhưng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi nhờ sự khác biệt về chất lượng và giá cả so với các quốc gia xuất khẩu khác. Doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi trong tập quán sản xuất, nghiên cứu thị trường… Theo đó, thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam ngày càng đa dạng, trải rộng khắp châu Á, châu Phi (18%), Trung Đông (2%), châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương (4%). Trong đó, châu Á vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 72% tổng lượng xuất khẩu.
Cũng theo ông Nam, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, hoàn thuế, cơ sở hạ tầng logistics. Do đó, ông Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ về chính sách tài chính, cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu lương thực, trong đó có gạo.
Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.
Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới. Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Để đạt được các mục tiêu trên, VFA kiến nghị đối với các bộ, ngành liên quan:
Thứ nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cần tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao và tăng cường xúc tiến thương mại.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo.
Thứ ba, Bộ Tài chính cần đưa ra hướng dẫn cụ thể về xử lý hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.
Thứ tư, Bộ Công Thương cần tăng cường thông tin về xuất khẩu, điều chỉnh quản lý xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường và đàm phán mở cửa thị trường.
Thứ năm, Bộ Xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng Cái Cui và nâng cấp kênh Quan Chánh Bố ở ĐBSCL để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Cuối cùng, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu, đánh giá thổ nhưỡng và thu hút đầu tư vào chế biến lúa gạo.
"Ngành lương thực Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng, tin tưởng rằng ngành lương thực sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước", ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.
Phiên thảo luận mở 1: “Định vị gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”
Các diễn giả tham dự, gồm:
- Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
- Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex.
- TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL.
- TS. Trần Hữu Hiệp - Nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
- TS. Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Điều phối phiên thảo luận: TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận mở
TS. Võ Trí Thành: Thưa ông Nguyễn Anh Phong, hiện nay trên thị trường xuất khẩu có 3 loại: Gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam có tỷ trọng lớn là gạo chất lượng cao (60-70%) và gạo cao cấp có thương hiệu (khoảng 15%), khoảng 10-15% là gạo cấp thấp. Tại sao chúng ta không tập trung vào gạo chất lượng cao, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường): Việt Nam trong chiếm lĩnh thị trường gạo khá nhanh, doanh nghiệp Việt Nam cũng nhanh nhạy tìm kiếm thị trường, tìm phân khúc có lợi nhất. Bộ Nông nghiêp và Môi trường luôn tạo ra môi trường tốt nhất cho kinh doanh, đồng thời hỗ trợ về chính sách công (bảo quản, giống, chất lượng, đàm phán mở cửa thị trường).
Gạo thương hiệu cao là lựa chọn của các doanh nghiệp và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong định hướng thị trường, định hướng giá trị trong chuỗi lúa gạo Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam đang mở rộng tìm kiếm thị trường tiềm năng. Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao viện chúng tôi rà soát thị trường tiềm năng, thị trường mới. Trong đó phân tích xem thị trường mới đó chúng ta vào được loại gạo nào, đối thủ cạnh tranh là ai, làm sao chúng ta chiếm được thị phần tốt trong những thị trường đó.
Thị trường châu Phi: có một số nước thời gian qua tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, mức độ tăng trưởng nhanh với hơn 30% trong 2-3 năm qua. Loại gạo xuất sang thị trường này phù hợp với khả năng cung ứng Việt Nam, có thể thay thế nếu các thị trường truyền thống gặp vấn đề.
Ngoài châu Phi, còn có thị trường ngách đặc thù như Trung Đông, các nước Ả Rập và một số nước khác như Mỹ, Pháp… đó là những nước sử dụng gạo chất lượng cao như gạo thơm, gạo Jasmine, rất nhiều doanh nghiệp đã đột phá đi trước, thử nghiệm thay đổi bao bì, mẫu mã với bao gạo nhỏ 1kg, 2kg, 5kg và chú ý vấn đề môi trường. Đây là những sáng kiến cần nhân rộng để tiếp cận thị trường cao cấp.
Chúng ta có chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, trong đàm phán với các nước về xuất khẩu gạo, chúng ta có đưa thông điệp Việt Nam là nước đâu tiên trên thế giới làm gạo chất lượng cao phát thải thấp với quy mô lớn. Đây là cách tiếp thị mạnh cho thị trường cao cấp.
“Tôi cho rằng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp bằng cách tập trung cho giống cao cấp, chất lượng cao và giống xác nhận đi kèm với làm thương hiệu để giữ chất lượng”, ông Phong đề xuất.
TS. Võ Trí Thành: Trước những biến động thị trường của thế giới, với tư cách là Chủ tịch VFA, theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để duy trì ổn định thị trường xuất khẩu - giữ ổn định giá gạo xuất khẩu Việt Nam?
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA: Chúng ta đang ở ngưỡng không dư gạo để bán. Cả cung và cầu lúa gạo trên thế giới đều có xu hướng tăng. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến giá lúa gạo tăng cao.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng mạnh từ 6 triệu tấn những năm trước lên 7,5 triệu tấn vào năm 2022. Sau đó, vượt 9 triệu tấn vào năm 2024, với doanh thu trên 5,7 tỷ USD. Phân tích về hoạt động của ngành lúa gạo Việt Nam, theo ông Nam, hoạt động của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay có hai hình thức chính:
Một là, sản xuất và xuất khẩu từ sản phẩm trong nước: diện tích trồng lúa ở Việt Nam có xu hướng giảm theo định hướng của Chính phủ và ngành nông nghiệp, với sản lượng dự kiến chỉ còn từ 3 - 4 triệu tấn gạo. Điều này tạo ra bài toán khó khăn, đó là nếu mở rộng thị trường xuất khẩu thì nguồn cung trong nước có thể không đủ, còn không mở rộng thị trường thì có thể bị ép giá.
Hai là, thu mua và xuất khẩu từ các nước khác: Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã chủ động thu mua lúa gạo từ các nước láng giềng như Campuchia để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Việc này mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua, ví dụ như nông dân Campuchia thích bán cho Việt Nam nhờ giá tốt hơn.
Vai trò của các nhà xuất khẩu Việt Nam hiện nay không chỉ là giải quyết vấn đề lúa gạo trong nước mà còn tham gia vào thị trường lúa gạo thế giới.
Nói về thị trường xuất khẩu tiềm năng, ông Nam chia sẻ, Philippines là một ví dụ điển hình về thị trường quan trọng của Việt Nam. Theo đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines rất lớn do dân số tăng nhanh trong khi diện tích và sản lượng lúa trong nước giảm. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho Philippines. Đồng thời, người tiêu dùng Philippines đã quen với gạo Việt Nam và khó thay đổi thói quen.
Đối với thị trường Trung Quốc, đã có thời điểm Việt Nam mất thị phần tại thị trường này do chính sách dự trữ của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng lớn, đặc biệt khi họ cần bổ sung nguồn cung.
Theo ông Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu là cần thiết để ổn định đầu ra cho hàng hóa gạo của Việt Nam nhưng cần có chiến lược ổn định cho từng thị trường cụ thể.
Đối với các thị trường như châu Phi, cần cân nhắc các yếu tố đặc thù như: Yêu cầu về hình thức thanh toán (cho nợ, kéo dài thời gian thanh toán); ảnh hưởng đến tài chính và hạn mức tín dụng của doanh nghiệp…
Về vấn đề giá cao, ông Nam cho rằng, cần xác định rõ đối tượng mua để có chính sách giá phù hợp, đảm bảo lợi ích của cả người bán và người mua, cũng như an ninh lương thực trong nước. Nhập khẩu lúa gạo (ví dụ từ Campuchia) có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là người nghèo. Mục tiêu chính của việc mở rộng thị trường là ổn định hàng hóa và đảm bảo an toàn lương thực, chứ không chỉ là tăng sản lượng xuất khẩu.
TS. Võ Trí Thành: Trong điều kiện biến đổi khí hậu, Viện lúa ĐBSCL có những giống lúa hay những giải pháp gì để giúp ông dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, thưa ông?
TS Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL: 50 năm trước Việt Nam toàn trồng giống lúa mùa, địa phương, năng suất thấp, sản lượng chỉ có 5 triệu tấn nhưng năm nay đạt 25 triệu tấn, tăng gấp 5 lần.
Trong đó Viện lúa ĐBSCL cùng với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác chọn tạo giống, tự hào phần lớn giống lúa hiện nay trong vùng là từ lai tạo.
Công tác lai tạo giống trải qua một quá trình gian nan. Lúc đầu chọn giống ngắn ngày để trồng trước và sau lũ, năng suất cao (từ 85 đến 100 ngày). Dần dần trên nền tảng đó bổ sung thêm khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu hạn mặn và gần đây phục vụ cho xuất khẩu và thị trường nội địa.
Viện lúa ĐBSCL lưu ý nhiều hơn về phẩm chất gạo. Từ đó tạm chia giống lúa theo phân khúc gạo gồm có gạo thơm, gạo chất lượng cao, gạo cao sản, gạo nếp, gạo Nhật và gạo có chỉ số đường huyết thấp, có giá trị dinh dưỡng.
Đến giờ này chúng ta có bộ giống tương đối tốt. Với Viện lúa ĐBSCL, đến nay chúng tôi không bằng lòng với hiện tại về bộ giống. Nếu không tập trung nghiên cứu cải thiện nữa thì giống lúa vốn có vòng đời, 10 năm nữa giống OM5451, OM18 liệu có tồn tại hay không? Trồng 20-30 vụ liên tục thì giống từ kháng sâu bệnh sẽ bị nhiễm sâu bệnh lại. Hiện nay công tác nghiên cứu chọn tạo giống chúng tôi vẫn lựa chọn những giống phổ biến, tiếp tục cải thiện thêm khả năng chống chịu sâu bệnh bằng cách lai tạo, vẫn giữ được chất lượng gạo và những đặc tính cơ bản của giống đó.
Thứ hai chúng ta đã làm chủ công nghệ rồi, vì vậy tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ mới để làm sao tạo ra những chủng loại giống theo các phân khúc để không bị động, cần gạo gì có giống đó.
"Giống thì không bị động, tuy nhiên, giống phải phù hợp với từng vùng đất và mùa vụ. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn doanh nghiệp và bà con nông dân chúng ta xây dựng thành vùng nguyên liệu cho từng giống, đảm bảo được sản lượng và chất lượng thì uy tín gạo của chúng ta trong thời gian tới sẽ được nâng cao hơn”, ông Thạch đề xuất.
TS. Võ Trí Thành: Xin hỏi TS. Trần Hữu Hiệp, trong kỷ nguyên mới, ngành nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng muốn phát triển bền vững, khẳng định vị thế thì giải pháp về công nghệ, tiếp thị thương hiệu gạo Việt đóng vai trò như thế nào?
TS. Trần Hữu Hiệp - nguyên Uỷ viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Phó Chủ tịch Hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long: Theo tôi, cần có sự phối hợp liên ngành và tiếp cận đa lĩnh vực để phát triển thương hiệu gạo, bao gồm công nghệ, marketing và xây dựng thương hiệu. Đồng thời, việc phát triển thương hiệu gạo cần phải được gắn kết với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thông minh và hiện đại của Việt Nam, tích hợp các giá trị không chỉ về kinh tế, dinh dưỡng mà còn về văn hóa, môi trường. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Đứng ở góc độ về thương hiệu gạo, TS. Trần Hữu Hiệp chia sẻ ở 3 nội dung:
Thứ nhất, công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương hiệu gạo, từ công tác giống, tổ chức sản xuất, chế biến đến marketing và xây dựng thương hiệu.
Thứ hai, xây dựng thương hiệu gạo cần phải đi từ việc tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa, truyền thống gắn với hiện đại.
Cuối cùng, cần xây dựng thương hiệu gạo ở các cấp độ. Không chỉ xây dựng thương hiệu gạo của doanh nghiệp mà còn cả thương hiệu gạo vùng miền và thương hiệu gạo quốc gia.
“Chúng ta không chỉ dừng lại ở thương hiệu gạo của các doanh nghiệp mà kể cả thương hiệu gạo vùng miền và thương hiệu gạo quốc gia nhưng nó liên quan đến yếu tố công nghệ, marketing… Chúng ta có thể không chỉ bán gạo, mà bán cả câu chuyện về hạt gạo, giá trị nhân văn truyền thống gắn với hiện đại thì người mua người ta mua cả những giá trị đó”, TS. Hiệp nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đề cập đến câu chuyện về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp và những khó khăn, thử thách trong triển khai đề án này.
Ông Tùng nêu ra các thách thức, khó khăn như đang cam kết của Việt Nam là đạt Net Zero vào năm 2050, trong khi đó sản xuất lúa gạo tạo ra khí nhà kính nhiều nhất trong nông nghiệp.
Tiếp đến, sản xuất lúa gạo phải thích ứng biến đổi khí hậu nhưng cũng không suy giảm năng suất, suy giảm chất lượng và phải chất lượng cao, bán được giá cao... Nếu không làm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thì hôm nay giải quyết vấn đề này, mai phải giải quyết vấn đề khác, không đồng bộ.
“Đề án ra đời là để giải quyết vấn đề đó. Chúng ta mong muốn người nông dân phải ổn định thu nhập, sản xuất lúa phải có lời so với trồng trọt khác, lúa gạo phải ổn định, chất lượng cao, an toàn thực phẩm… đó là những thách thức. Cái lớn nhất của đề án là nhìn sản xuất lúa gạo không nhìn từ hạt lúa hạt gạo nữa mà nhìn từ người nông dân. Đó là cách giải quyết vấn đề”, ông Tùng nói.
Ông Tùng phân tích thêm giống lúa mới luôn có, kỹ thuật mới luôn có, quy trình mới luôn có, doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo luôn có, thị trường luôn có, thì vấn đề còn lại là từ người nông dân.
“Chúng ta nói nông nghiệp - nông thôn - nông dân, nhưng thực tế đã làm nông nghiệp, nông thôn thì cũng đã làm với đường sá, logistics, nông thôn mới, còn nông dân chưa quan tâm tới nhiều, không ai làm thay đổi cách suy nghĩ của người nông dân. Đây là mấu chốt của vấn đề mà đề án cần giải quyết. Đó thật sự là một thách thức lớn”, ông Tùng nhấn mạnh.
Kết luận phiên thảo luận 1, TS. Võ Trí Thành điểm lại phiên thảo luận đề cập đến các vấn đề như công nghệ sản xuất, giống lúa mới, và việc chiếm lĩnh thị trường. Các giải pháp này nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của gạo Việt Nam.
Thương hiệu và tạo động lực cho nông dân: Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là một ưu tiên quan trọng. Đồng thời, chương trình cũng nhằm tạo động lực và cải thiện đời sống cho nông dân.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thể hiện tư tưởng phát triển lấy nông dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Điều này sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân.
Về cơ hội và thách thức: Đề án 1 triệu ha không chỉ là mô hình phát triển cho Việt Nam mà còn là mô hình cho ngành lúa gạo toàn cầu. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng đặt ra nhiều thách thức lớn. Ngoài ra, Đề án này đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ về nguồn lực và vốn.
Định vị giá trị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới và vai trò của Đề án là tiền đề và là nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc phát triển bền vững ngành lúa gạo, góp phần định vị hạt gạo Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Hội thảo có sự tham dự của: - Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ. - Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. - Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 14. - Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ. - Ông Trần Phú Lộc Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Cần Thơ. - TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. - TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. - TS. Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường. - TS. Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Truyền Thông số Việt Nam - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ - Nguyên Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt. - Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). - Ông Ngô Thanh Sang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) - CN Cần Thơ. - Ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc Điều hành Ngành gạo, Tập đoàn Tân Long kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lương thực A An. Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo: Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang; Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang; Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang; Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA); Hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long; Hiệp hội doanh nghiệp SXKD thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA); Hiệp hội Phân Bón Việt Nam…, và khoảng 400 doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, phân bón, logistics, hợp tác xã và bà con nông dân. Về phía đơn vị tổ chức, có: - Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). - Bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng Biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ. - Bà Nguyễn Yên Trang, Trưởng Ban biên tập Việt Nam Đầu Tư. |