Gạo cao cấp "lên ngôi": Tập đoàn Tân Long và chiến lược chinh phục thị trường khó tính

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu thành công 5.000 tấn gạo Japonica sang Nhật Bản, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa gạo Việt vào thị trường khó tính này.

Thời gian qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở các phân khúc gạo OM18, OM5451 và IR50404 đã giảm sâu khi xuất sang các thị trường Philippines, Indonesia và châu Phi do nhu cầu từ các nhà nhập khẩu giảm. Trong khi đó, các loại gạo cao cấp khác không xuất khẩu vào những thị trường này vẫn giữ giá, thậm chí còn tăng, như gạo ST25 và Japonica.

Năm 2024, Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu thành công 5.000 tấn gạo Japonica sang Nhật Bản và dự kiến nâng sản lượng lên 50.000 tấn vào năm 2025. Vậy Tân Long đã gặp những khó khăn, thuận lợi gì, và kinh nghiệm nào giúp họ đưa gạo Việt thâm nhập vào thị trường khó tính như Nhật Bản?

Tân Long: Thành công và chiến lược dài hạn tại Nhật Bản

Ngày 4/4/2025, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc Điều hành Ngành gạo Tập đoàn Tân Long kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực A An, chia sẻ: “Thị trường Nhật Bản là nơi Tân Long khẳng định vị thế bằng chính thương hiệu A An. Đây là thành công và niềm tự hào của chúng tôi.”

Gạo cao cấp "lên ngôi": Tập đoàn Tân Long và chiến lược chinh phục thị trường khó tính - 1

Ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc Điều hành Ngành gạo Tập đoàn Tân Long kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực A An chia sẻ tại buổi toạ đàm.

Theo ông Linh, việc thâm nhập thị trường Nhật Bản không phải là nỗ lực mới trong năm qua, mà là kết quả của chiến lược được xây dựng từ nhiều năm trước. “Chúng tôi buộc phải chủ động kiểm soát vùng nguyên liệu, bởi thị trường khó tính này đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, đặc biệt là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Để đáp ứng, Tân Long đã liên kết với các hộ nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu, đặt hàng cụ thể và cử cán bộ kỹ thuật, kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ nông dân canh tác theo đúng tiêu chuẩn của khách hàng, đảm bảo chất lượng đầu ra,” ông Linh cho biết.

Ngoài Nhật Bản, Tân Long đang mở rộng sang thị trường châu Âu, với mục tiêu đạt 50.000 tấn trong năm 2025. Ông Linh nhận định: “So với tổng sản lượng 8 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam, con số này không lớn. Tuy nhiên, nếu không dần dịch chuyển sang các thị trường cao cấp, Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi các thị trường truyền thống biến động mạnh. Chuyển đổi từ nền nông nghiệp sản lượng sang nền nông nghiệp giá trị là con đường tất yếu để phát triển bền vững.”

Đề án Nông dân số: Bước tiến cho nông nghiệp 4.0

Trong khuôn khổ hội thảo “Trang Việt Nam Đầu tư” công bố Đề án Nông dân số, chương trình này được kỳ vọng sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác và hiệu quả về cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0.

Đề án không chỉ hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, trong bối cảnh đất nước đang vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT

Dòng người, xe ùn ứ ngiêm trọng tại cửa ngõ miền Tây
Dòng người, xe ùn ứ ngiêm trọng tại cửa ngõ miền Tây

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là tết, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân tăng cao, việc vận chuyển hàng hóa mùa tết gia tăng làm cho các tuyến đường, nhất là tại các giao lộ, trục đường chính kết nối các tỉnh, thành ra vào trung tâm thành phố quá tải và xãy tình trạng giao thông ùn ứ kéo dài.