Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam "bà đỡ" cho Đề án 1 triệu ha lúa ĐBSCL
Để thúc đẩy tiến độ Đề án 1 triệu ha lúa, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã triển khai chính sách cho vay với lãi suất giảm tối thiểu 1%, đồng thời yêu cầu các cá nhân, hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết.
Sáng nay (ngày 4/4/2025), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết: “Khi Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tìm giải pháp đẩy nhanh thực hiện đề án, nguồn vốn được xác định là yếu tố rất quan trọng. Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho đào tạo, tập huấn kỹ thuật và quản lý, cùng nguồn vốn từ Chính phủ, các cấp, các ngành, thì nguồn tín dụng đóng vai trò chủ đạo vì chiếm tỷ trọng lớn nhất.”
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã giao Agribank triển khai thí điểm chương trình tín dụng cho đề án này. Ông Phúc chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo và tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng như Ngân hàng Nhà nước để xây dựng chính sách cho vay. Cụ thể, Agribank đã áp dụng chính sách giảm lãi suất tối thiểu 1% cho các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp vay trong chuỗi liên kết. Một trong những điều kiện bắt buộc để vay vốn theo đề án là phải tham gia chuỗi liên kết và nằm trong vùng chuyên canh.”
Tuy nhiên, ông Phúc cũng chỉ ra một số khó khăn: “Nguồn vốn thì không thiếu, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu. Nhưng hiện nay, việc các tỉnh công bố vùng chuyên canh còn thiếu đồng bộ, thậm chí có tỉnh chưa công bố. Số lượng tham gia chuỗi liên kết cũng chưa nhiều. Trong khi đó, các hợp tác xã còn gặp hạn chế về tài sản đảm bảo, trách nhiệm của thành viên, hoặc mô hình doanh nghiệp minh bạch tài chính vẫn còn manh mún, chưa phát triển mạnh.”
Liên quan đến đề xuất vay vốn theo thời vụ để xuất khẩu sang châu Phi, ông Phúc nhận định: “Nếu có kế hoạch dài hạn và chủ động, chúng ta sẽ tận dụng được thời cơ, đồng thời đảm bảo nguồn tài chính ổn định. Ngân hàng phản ứng rất nhanh, có thể bổ sung phương án vay vốn. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Phi, chúng tôi cung cấp nghiệp vụ bảo lãnh trả chậm (L/C), miễn là doanh nghiệp có đủ uy tín để được ngân hàng trong nước và ngân hàng quốc tế tại châu Phi bảo lãnh.”