TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, tầm nhìn đến năm 2050: TPHCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao...

TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Chiều 4-1, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị.

Cùng tham dự có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, và các lãnh đạo bộ ngành trung ương.

Phát biểu khai mạc và công bố quyết định, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đây là hội nghị hết sức có ý nghĩa, đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, chiến lược, giải pháp đột phá, tạo ra một động lực mới thúc đẩy phát triển và khẳng định vai trò đầu tàu của TPHCM; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để Thành phố cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, để triển khai thực hiện tốt, hiệu quả quy hoạch Thành phố cần thực hiện 7 giải pháp chính.

Đó là giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giải pháp về bảo vệ môi trường; liên kết vùng và hợp tác quốc tế; giải pháp về quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn; giải pháp về quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn.

Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, Chủ tịch UBND TPHCM nêu dự kiến Thành phố tập trung huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm 2025 khoảng hơn 620.000 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách khoảng 120.000 tỷ đồng, huy động các nguồn vốn xã hội khoảng 500.000 tỷ đồng; và giai đoạn 2026-2030 dự ước huy động là trên 4,4 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách là 1,1 triệu tỷ đồng, cần huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỷ đồng.

Theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM đã xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch Thành phố. Đồng thời sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Cùng với đó là chủ động chuẩn bị công tác lập Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

“Thành phố cam kết tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, tiến hành thủ tục đầu tư”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định.

Theo quy hoạch vừa được phê duyệt, tầm nhìn đến năm 2050: TPHCM là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và Vùng Đông Nam bộ; cực tăng trưởng của cả nước.

TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á - 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trao quyết định phê duyệt quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG.

Mục tiêu tổng quát: TPHCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các dự án trọng tâm trong Quy hoạch:

+ Giao thông: Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; Đường vành đai đô thị: vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4; các cầu lớn: cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2; Đường sắt: Thủ Thiêm - Long Thành, TPHCM - Cần Thơ…; đường sắt đô thị số 1-7; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội, Phú Thuận...; bến xe miền Đông, miền Tây mới...

+ Các dự án: Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Trung tâm Dữ liệu, khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức; Khu công nghiệp: Phạm Văn Hai I, II; An Phú. Cụm công nghiệp: Láng Le - Bàu Cò, Quy Đức, Dương Công Khi, Thới Sơn B; nhà máy điện LNG Hiệp Phước; Khu công nghệ thông tin tập trung; MegaHub; Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia.

+ Phát triển đô thị: Thủ Thiêm, Bình Quới - Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước, đô thị lấn biển Cần Giờ,…

+ Thương mại – dịch vụ: Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm hội chợ, triển lãm, Trung tâm logistics, khu thương mại tự do,...

+ Văn hóa- thể thao: Rạch Chiếc, trung tâm nghệ thuật đa năng,...

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.N

CLIP HOT