Giải pháp tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả
Các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến các thương vụ tái cơ cấu ngân hàng không thành, đồng thời nêu lên các giải pháp cho vấn đề này.
Nguyên nhân tái cơ cấu không thành
Năm 2011, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được phép thành lập trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank).
Sau tái cơ cấu, 10 năm sau tổng tài sản SCB đạt 673.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 20.000 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2021, với 239 điểm giao dịch, SCB có mạng lưới phủ rộng khắp 28 tỉnh/thành cùng đội ngũ nhân sự hơn 7.000 người.
Tại toạ đàm "Tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đạt hiệu quả tối đa?" do báo Tiền phong tổ chức ngày 11/4 tại TP.HCM, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu đánh giá, sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng hoàn toàn bất ngờ khi các cơ quan điều tra phát hiện SCB đã trở thành một công cụ tài chính phục vụ bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đưa đến một vụ án lớn chưa từng có trong lịch sử ngành tài chính Việt Nam. Việc tái cơ cấu 3 ngân hàng SCB, Ficombank và Tin Nghia Bank được xem là một thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng cận đại.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, việc tái cơ cấu 3 ngân hàng SCB, Ficombank và Tin Nghia Bank được xem là một thất bại lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng cận đại.
Với 4 ngân hàng 0 đồng, năm 2015 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại gồm OceanBank, Xây Dựng - CB, GPBank. Sau đó Ngân hàng Đông Á cũng được NHNN mua lại và nằm trong diện "ngân hàng 0 đồng".
“Trước khi 3 ngân hàng này được NHNN mua lại với giá 0 đồng, chính tôi đã được mời về tham gia HĐQT của Ocean Bank và sau đó tham gia ban điều hành của Ngân hàng Xây dựng. Nhưng khi tôi về các ngân hàng này thì tình thế không còn có thể cứu vãn. Cả Ocean Bank và Xây dựng đã lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng vì cho vay các công ty sân sau, vốn chủ sở hữu đã âm đến hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hiếu nêu.
Vị này cũng nhấn mạnh, sau 10 năm (đến năm 2024), cả 4 ngân hàng nêu trên vẫn làm ăn thua lỗ và không vực lại được.
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam nêu, quy mô khu vực ngân hàng thương mại (NHTM) hiện có 35 ngân hàng, trong đó có 5 ngân hàng 0 đồng, yếu kém và được kiểm soát đặc biệt. Nhiều ngân hàng tốt cho cạnh tranh, tốt cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tốt cho người gửi tiền; tuy nhiên cũng rất thách thức cho việc quản lý, đảm bảo hoạt động an toàn bởi trong lĩnh vực ngân hàng thì rủi ro, thất bại thị trường rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ ý kiến tại toạ đàm
Tính từ năm 2010, hệ thống ngân hàng có sự tăng trưởng bùng nổ, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng từ 10-15 lần trong 15 năm. Việc này tạo ra thách thức đối với việc quản lý nhưng đồng thời cũng là cơ hội, là cơ sở để chúng ta tái cấu trúc ngân hàng.
Nhìn vào lịch sử tái cơ cấu những ngân hàng thương mại yếu kém từ năm 2011 đến nay, có các hình thức tái cơ cấu như: Sáp nhập, hợp nhất, tham gia của nhà đầu tư mới, chuyển giao bắt buộc.
“Nguyên nhân làm ngân hàng thương mại cổ phần rơi vào tình trạng yếu kém là ngân hàng bị thao túng bởi một nhóm cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu lớn để tạo sự kiểm soát chi phối thông qua cấu trúc sở hữu chéo. Cơ cấu sở hữu chéo giúp vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn. Ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án trong hệ sinh thái không có hiệu quả và tín dụng trở thành nợ xấu. Từ đó, các ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu”, chuyên gia Fulbright Việt Nam chia sẻ.
Đi tìm giải pháp tái cơ cấu hiệu quả
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC đề cập, với quá trình “chuyển giao bắt buộc” đối với 4 ngân hàng OceanBank, CB, GPBank, DongA Bank, các ngân hàng trên được tổ chức dưới mô hình công ty TNHH một thành viên và 100% vốn thuộc sở hữu của 4 ngân hàng thương mại cổ phần. Xét về bản chất, bốn ngân hàng bị “chuyển giao bắt buộc” lần thứ hai.
Vị này chỉ ra, lý do dẫn đến ngân hàng bị “chuyển giao bắt buộc” là có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, tức thị giá cổ phiếu có thể là 0 đồng (cổ đông không bán được).
Tuy nhiên, về pháp lý, vốn điều lệ không bao giờ là số âm (cổ đông phải bỏ thêm tiền ra mới bán được). Giá trị ngân hàng trên thực tế chưa chấm dứt có thể là rất thấp, nhưng cũng về pháp lý, tối thiểu cũng phải bằng một đơn vị tiền tệ, tức là một đồng, chứ không thể là số 0 và càng không thể là số âm.
Trên sổ sách kế toán, số vốn điều lệ tối thiểu cũng như tổng mệnh giá cổ phiếu tối thiểu cũng vẫn bằng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng. Mọi cổ đông ngân hàng vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu và cổ phiếu. Các cổ phiếu ngân hàng cũng vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và không bị hủy bỏ.
“Việc chuyển giao bắt buộc trước mắt là để giải cứu khó khăn kéo dài, giải quyết tình thế bi đát, dừng hoãn, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ. Trong tương lai, để tiến tới đích hợp nhất, sáp nhập hay tái cổ phần hoá, cần giữ cố định mô hình ngân hàng mẹ con một chủ. Tốt nhất là không nên tiếp tục chuyển giao bắt buộc ngân hàng”, luật sư Đức nêu quan điểm.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề cập, theo Điều 185 của Luật tổ chức tín dụng 2024, các điểm trong quyền, nghĩa vụ của bên nhận chuyển giao như sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, được loại trừ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.
TS Nguyễn Trí Hiếu và các chuyên gia cùng nêu giải pháp tái cơ cấu ngân hàng
Để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao có hiệu quả, Tiến sĩ Hiếu cho rằng vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo 3.000 tỷ đồng, ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền khách hàng gửi từ ngân hàng con.
Quyền của cổ đông trong quyết đinh sáp nhập và theo dõi hoạt động của ngân hàng được sáp nhập. Sự quyết tâm và nhất trí của các cổ đông của ngân hàng mẹ trong việc hỗ trợ ngân hàng được sáp nhập. Quyền của đại chúng nhận thông tin định kỳ về tình hình hoạt động của ngân hàng được sáp nhập và vai trò của Công ty Bảo hiểm tiền gửi quốc gia trong sự giám sát các ngân hàng được sáp nhập.
Đáng chú ý, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có cơ chế để các ngân hàng tự nguyện chuyển giao. Các ngân hàng yếu kém phải tự đi tìm ngân hàng mẹ để thực hiện việc tái cơ cấu, nếu không được thì tạo điều kiện cho thực hiện làm thủ tục phá sản.
“Thực tế, các ngân hàng yếu kém được mua lại 0 đồng nhưng không vực dậy được, càng làm càng lỗ. Chúng ta đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường thì hãy để thị trường quyết định số phận các ngân hàng hoạt động không hiệu quả”, chuyên gia cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành chỉ ra các bài học chính sách trong tái cơ cấu NHTM gồm ngân hàng Trung ương đóng vai trò “người cho vay cuối cùng” để đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ mang tính hệ thống. Tái cơ cấu phải dùng nguồn lực tài chính thực từ nhà nước hoặc/và từ nhà đầu tư tư nhân mới.
Vị này cũng nhấn mạnh, tái cơ cấu phải đi cùng với thay đổi cấu trúc sở hữu theo hướng giảm sở hữu chéo. Đồng thời cần một hệ thống thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán, tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn.