“Bến Thượng Hải” - Lãng mạn tiếng kèn Saxo
Giai điệu ca khúc “Bến Thượng Hải” – một ca khúc Hoa lời Việt khá nổi tiếng đã bỗng dưng vang lên trong đầu tôi, khi máy bay Vietnam Airline báo hiệu sắp hạ cánh xuống sân bay Thượng Hải. Chiều mùa hè, không khí có vẻ dễ chịu với những du khách đến từ TPHCM. Đây là chuyến đi Khảo sát tuyến Du lịch Thượng Hải - Bắc Kinh của Công ty Du lịch Sasco – TPHCM. Hơn ba giờ vượt qua cả ngàn cây số, chúng tôi đã hội ngộ với Thượng Hải.
“Chào cả nhà, các bác, các anh, các chị có khỏe không? Vang lên lời chào hỏi của cô Triệu Vương Phấn – Hướng dẫn viên Tiếng Việt của Công ty Du lịch Thượng Hải. Cô khá nhanh nhẹn, xinh xắn, nói Tiếng Việt thuộc loại giỏi, và rất biết cách pha trò, biết cả những tiếng lóng miền Nam bộ. Cô cho biết, từ ngày 1.5.2010 đến tháng 10.2010, tại Thượng Hải tổ chức Triển lãm Expo, thu hút 200 nước, phục vụ đến 400.000 du khách/ngày. Việt Nam cũng có tham dự một gian hàng trưng bày được thiết kế bằng tre, trúc.
THƯỢNG HẢI ĐƯỢC VÍ VON LÀ “TI VI 4 MÀU”
Hướng dẫn viên Triệu Vương Phấn giới thiệu Thượng Hải là một trung tâm chính trị, kinh tế của Trung Quốc, dân số 20 triệu người, nhưng dân Thượng Hải thực sự chỉ có 8 triệu người. Những công trình hiện đại của Thượng Hải xây dựng trong 20 năm qua là Khu Phố Đông, có khoảng 1000 cao ốc từ 30 tầng lầu trở lên. Hiện đại nhất là Khu 101 tầng Tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu, một biểu tượng của Thượng Hải cao 468m, là tòa tháp cao nhất Châu Á và đứng hàng thứ ba thế giới. Riêng khu Phố Tây, nguyên là Khu Tô Giới cũ, có 52 tòa nhà cổ...
Đêm xuống, Thượng Hải rực rỡ trong ánh điện sáng từ đường cao tốc đến phố xá, hàng quán, shopping... đều được trang trí bằng ánh sáng đèn điện. Sự rực rỡ này được ví von như “ti vi 4 màu”, còn ban ngày thì Thượng Hải xem như “ti vi đen trắng”! Nghe nói, Nhà nước chi tiền điện trang trí này mỗi năm hơn 6 triệu Nhân dân tệ. Triệu Vương Phấn hào hứng cho biết, Dân Thượng Hải không biết... “cúp điện” là gì!
MỸ NHÂN GIANG NAM “HÚT HỒN” HOÀNG ĐẾ
Xem phim cổ trang Trung Quốc, khán giả từng chứng kiến cảnh vua Khang Hy, Càn Long.., đi vi hành, xem dân tình thế nào, thì gần như chỉ có một “điểm đến” là đất Giang Nam, ngược xuôi dòng sông Tô Châu, Hoàng Phố, Trường Giang...
Ảnh: Bảng lưu ý du khách tại khu phố cổ Miếu Thần Hoàng
Bởi, ở đây phong cảnh hữu tình, đặc biệt là mỹ nhân, đa phần các phi tần, mỹ nữ đều xuất thân từ vùng đất này, từ cổ chí kim. Các cô thôn nữ xinh đẹp, tuổi từ 13 đến 15 là có thể được tiến cung.
Tương truyền, khi Từ Hy Thái Hậu tròn 60 tuổi, đã được vua Càn Long dâng tặng Khu Di Hòa Viên – Bắc Kinh, trong đó có khu đất bao la xây dựng thành quách như ở Giang Nam, có bãi sông, có thuyền, có nhà dân, có khu phố buôn bán, thậm chi có cả ăn xin, trộm vặt... để diễn đạt cuộc sống dân gian ở Giang Nam làm vui lòng Từ Hy Thái Hậu. Tất cả người nông dân, người lái chèo, người buôn bán, ăn xin, trộm vặt... đều là do các cung nữ, thái giám đóng vai như thật!
Ảnh: 9 con rồng trên đường cao tốc Trùng Khánh
BA LOẠI CÂY ẤN TƯỢNG Ở THƯỢNG HẢI
Đường phố ở khu phố Đông hiện đại, như Thâm Quyến, nhưng về cây xanh thì kém xa. Cây xanh cổ thụ rất hiếm hoặc là không có. Riêng có 3 loại cây lại được trồng rất phổ biến tại đây, đó là loại cây Long Não, cây Ngô Đồng và cây Liễu.
Ảnh: Cây Ngô Đồng trên phố
Ngày xưa, nhà nào sinh ra con gái thì họ sẽ trồng một cây Long Não, đến khi người con gái đi lấy chồng, thì chủ nhà sẽ... chặt ngay cây Long Não này, nhằm báo hiệu là con gái đã có chồng, có chủ rồi. Còn cây Ngô Đồng, có lá gần giống với lá cây Phong, gọi là Ngô Đồng nhưng nó không phải là loại cây bắp hay cây ngô như ở Việt Nam, lá của cây có đường nét như một ngôi sao. Riêng cây Liễu là đặc trưng của vùng sông nước Giang Nam, bởi dáng dấp của cây Liễu rất mong manh, duyên dáng, bên sông, hồ... chỉ cần nhìn là có thể làm được... thơ ngay!
Ảnh: Chùa Phật Ngọc
Ở đây, du khách nhìn thoáng qua các cao ốc là sẽ ấn tượng ngay với máy lạnh. Cơ man nào là máy lạnh! Do vậy, để bảo vệ môi trường, phương tiện đi lại chủ yếu ở đây là ôtô do Trung Quốc sản xuất, xe bus, taxi, đặc biệt các loại xe gắn máy chạy điện và xe đạp điện (khoảng 2.000 Nhân dân tệ/chiếc) được phổ biến nhất.
Ở Thượng Hải hay Bắc Kinh không có cảnh sát giao thông trên các ngã tư, cao tốc. Họ kiểm tra bằng các máy camera, xe nào vi phạm sẽ được báo giấy phạt về cơ quan hoặc nhà riêng. Còn nguyên nhân vì sao họ lại không xử phạt tại chỗ như ở Việt Nam, là vì số lượng xe ở đây quá đông, sẽ gây tắc đường.
ĐƯỜNG HẦM 2KM Ở ĐỘ SÂU 37M
Trên đường tham quan, đoàn chúng tôi đã đi xuyên dòng sông Hoàng Phố, đi theo con đường ngầm dài 2km. Đường hầm được thiết kế ở độ sâu 37m, có 12 con đường hai chiều xuyên qua đường hầm. Chính hệ thống giao thông này đã giúp cho Thượng Hải giải quyết được lưu lượng vận chuyển từ Đông sang Tây. Riêng tour Du lịch trên sông Hoàng Phố ngắm nhìn Bến Thượng Hải về đêm, du khách phải trả 150 Nhân Dân tệ/người.
Ảnh: Hệ thống đường ngầm dưới sông Hoàng Phố
Hệ thống đường cao tốc ở Thượng Hải rất hiện đại, tạo sự choáng ngợp cho khách tham quan, có nhiều vị trí giao nhau tạo nét đẹp mỹ thuật. Riêng ở Trùng Khánh Trung Lộ (con đường mang tên Trùng Khánh), có khắc 9 con rồng trên cột trụ bê tông, đây là cột trụ chính, là nơi giao nhau của các con đường. Chín con Rồng – Cửu Long không chỉ mang tính chất Phong Thủy đặc biệt của Thượng Hải, mà nó còn là một biểu tượng hấp dẫn với du khách quốc tế.
NHU CẦU 3 “CHÌA KHÓA” CỦA THỜI HIỆN ĐẠI
Trong nhịp sống sôi động ở Thượng Hải, Hướng dẫn viên Triệu Vương Phấn cho biết, đời sống giới trẻ ở đây có nhiều thay đổi về quan niệm sống. So với 20 năm trước đây, người ta cần phải lao động để có được 3 thứ: “Đồng hồ quay, Xe đạp và Máy Khâu (Máy May). Thì nay, nhu cầu đó đã thay đổi, nhu cầu của giới trẻ hiện đại là phải có được 3 chiếc chìa khóa. Một là chìa khóa nhà riêng, hai là chìa khóa xe ôtô và ba là chiếc chìa két sắt (két tiền).
Ảnh: Một đôi tình nhân trên Bến Thượng Hải
Ảnh: Khu thương mại bộ hành Nam Kinh lộ
Việc phải có 3 chiếc chìa khóa trên chắc hẳn không chỉ là một nhu cầu, mong muốn của cá nhân ai, mà có lẽ ở đâu người ta cũng cần như vậy. Khi tôi hỏi làm thế nào để có thể có được 3 chiếc chìa khóa này? Cô Triệu Vương Phấn cười giòn tan. Ấy- còn có 6 tiêu chí nữa mà bạn trẻ Thượng Hải còn phải cần phấn đấu:
-
Dậy sớm như Gà
-
Làm việc như Trâu
-
Hiền như Thỏ
-
Trung thành như Chó
-
Ăn như Lợn
-
Khỏe như Dê
Cô Hướng dẫn viên này đã gắn với “lục súc” khiến ai cũng nghĩ đó như một câu chuyện hài hước, nhưng khi ngẫm lại thì nó quả là có lý. Mọi người xung quanh cười bò, cô nói tiếp: “Cả nhà ta có hiểu không? Ai cũng hiểu chỉ có một người không hiểu?!” Bất ngờ với câu nói vui của cô, mọi người vừa cười to, vừa vỗ tay xả láng!
LÃNG MẠN VỚI TIẾNG KÈN SAXO
Viếng thăm chùa Phật Ngọc, tôi thấy không chỉ có người Việt hay những người theo đạo Phật mới đến đây, mà còn có khá đông du khách Pháp, Anh, Nga... Tương truyền rằng tượng Phật ở đây được khắc bằng Ngọc trắng, mà thuở xưa nhà sư Huệ Cận đã thỉnh về từ Miến Điện.
Khu mua sắm Nam Kinh, Khu phố cổ Miếu Thần Hoàng (có từ đời nhà Minh) quả là đông du khách, nếu có thể ví von, tôi nghĩ câu người “đông như nêm”, “như mắc cửi” là chính xác nhất. Hàng hóa ở đây đa dạng, người buôn bán, kẻ trả giá ồn ào, đúng là không khí chợ búa. Do vậy, từ cổng vào Khu Phố cổ Miếu Thần Hoàng (mở cửa từ 9h sáng cho đến 10h đêm), du khách đã được “lưu ý” tình hình trước... tự bảo vệ tài sản trong lúc tham quan.
Còn một địa điểm tham quan đặc biệt khác nữa, đó là Khu Thương mại Bộ hành Nam Kinh lộ, đây là một dãy phố dài chừng 1 cây số, cắt ngang 3 con đường. Khu Thương mại này được chính quyền Huyện Hoàng Phố và Thành phố Thượng Hải xây dựng ngày 20.8.1998 và đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ 20.9.1999. Các gian hàng ở đây có kiến trúc rất thoáng và đẹp, hàng hóa đa dạng, ở đây du khách quốc tế lẫn những người dân bản địa cứ lẫn lộn, nhưng không có cảm giác chật hẹp, tù túng vì diện tích khá rộng, thậm chí còn có những toa xe mô phỏng tàu lửa chở du khách đi tham quan vì... đi bộ hổng nổi.
Trên khu phố đi bộ này, tôi bất ngờ nghe trỗi lên tiếng kèn Saxo ngân vang khắp cả khu phố, đó là tiếng kèn da diết, điệu đàng, thướt tha trầm bổng của từng ca khúc “Bến Thượng Hải” – “Love Story” – “Green Field” –“Mùa thu lá bay” – “Titanic”... Vượt qua đám đông du khách, tôi cố tìm kiếm tiếng kèn Saxo ấy phát ra từ đâu?! Lại chen lấn, lại né tránh, lại bị vướng, cuối cùng tôi cũng có thể tìm ra được nơi phát ra tiếng kèn liêu trai này, nó không phải được biểu diễn ở một sân khấu nào cả, mà chỉ từ một ban công của một ngôi nhà ở tầng hai. Đó là một nam nghệ sĩ, biểu diễn kèn Saxo, anh chỉ có một mình, không thấy có ban nhạc, có lẽ có một nghệ sĩ chơi đàn organ làm nền cho giai điệu ở phía sau ban công.
Thật thú vị, du khách ở khu vực này tự tránh nhau và tạo thành một vòng tròn lớn bên dưới, đối diện với nghệ sĩ... Và họ khiêu vũ, từng đôi, từng đôi, trẻ có, già có... Cứ thế, mỗi khi kết thúc một giai điệu hòa tấu, họ lại quay về phía anh, vỗ tay tán thưởng, để rồi lại tiếp tục đắm mình vào một giai điệu khác... Những giai điệu đẹp và thanh thoát. Quả thật, khi âm nhạc vang lên da diết và thiết tha, lúc ấy, tiếng kèn Saxo kia là một ngôn ngữ không biên giới!
M.H