TỎI LÝ SƠN THƯƠNG HIỆU XỨ ĐẢO

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

 

TỎI LÝ SƠN THƯƠNG HIỆU XỨ ĐẢO - 1Đến đảo vào mùa thu hoạch tỏi, không khí nhộn nhịp. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy tỏi. Từ trong nhà ra ngoài sân, ngoài đường cơ man là tỏi, nhà nhà phơi tỏi, người người chở tỏi xuôi ngược lên chợ, xuống tàu đi khắp mọi miền đất nước. Đảo Lý Sơn không có mùi mặn mòi đặc trưng của biển cả như ở Phú Quốc, Phan Thiết mà đi đâu trên đảo cũng có mùi thơm hăng, ngan ngát của tỏi. Cái mùi không thể trộn lẫn vào đâu được!

 

Lý Sơn quê hương của giống tỏi đặc biệt. Là một huyện đảo nằm chơi vơi ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Lý Sơn cách cảng biển Sa Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi khoảng 18 hải lý. Lý Sơn nổi tiếng có đội Hoàng Sa Bắc Hải. Từ thời chúa Nguyễn, mỗi năm 70 ngư dân thiện chiến đi Hoàng Sa bảo vệ vùng biển đảo nước Đại Việt và khai thác sản vật.

 

Tỏi Lý Sơn: Cây xóa đói giảm nghèo!

Với diện tích gần 11 km2, bao đời qua, về cơ bản đời sống người dân đảo Lý Sơn gắn liền với biển. Thế nhưng, Lý Sơn nổi tiếng với sản phẩm nông nghiệp hàng đầu là tỏi chứ không phải sản phẩm của biển như nước mắm, tôm khô… Nghề nông ở Lý Sơn không trồng lúa mà chủ yếu là trồng tỏi. Nhân dân Lý Sơn còn tận dụng đất để trồng hành, trồng bắp, trồng đậu, trồng mè… Các loại cây này thì xoay vòng nhiều vụ, song hiệu quả kinh tế thấp chả ăn thua.TỎI LÝ SƠN THƯƠNG HIỆU XỨ ĐẢO - 2

Theo bà con ở đây thì… trồng cho có, tự cung tự cấp là chính và không muốn phí đất trời cho. Nếu tính hiệu quả kinh tế, thì ai ai cũng trông vào vụ tỏi. Theo ông Nguyễn Tân, 78 tuổi, dân cựu đất đảo này, chẳng biết cây tỏi có mặt ở đảo từ bao giờ. Từ nhỏ, ông đã thấy ông bà trồng tỏi. Và nghề trồng tỏi ở đảo Lý Sơn cũng giống như nghề trồng lúa ở đất liền, nên từ lớn đến nhỏ, đã là dân Lý Sơn thì phải biết trồng tỏi, chăm sóc cây tỏi, thu hoạch và bảo quản tỏi. Ông nói: “Bây giờ, bà con ở đây sướng hơn trước rất nhiều, nhờ phương tiện đi lại dễ dàng, nên tỏi Lý Sơn có mặt khắp nơi và trở nên nổi tiếng, vì mùi vị của nó”. Cái lo của ông và bà con trồng tỏi ở Lý Sơn là thời gian gần đây có nhiều người chở tỏi từ đất liền ra rồi chở lại đất liền “gọi là tỏi Lý Sơn”. Chị Nguyễn Thị Tư, con gái ông thở dài: “Biết người ta làm ăn gian dối mà mình ông thể ngăn được. Tôi hỏi bà con ở đây đã báo với chính quyền chưa? Ông Tân cười món mém: “Nói hết. Ai cũng biết hết, nhưng buôn bán nhất là buôn bán tỏi thì không thể cấm. Một ngày không xa, tỏi Lý Sơn phải chịu tiếng đời”.

Thời gian qua, cây tỏi được xem là cây chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo ở huyện đảo Lý Sơn. Nhà nào trồng được nhiều tỏi thì cuộc sống có sung túc hơn. Thời gian đã khẳng định, tỏi thì nhiều nơi trồng nhưng chỉ có tỏi Lý Sơn là nổi tiếng vì hương vị đặc biệt và đã trở thành thương hiệu.

 

Không phải nơi nào ở Lý Sơn cũng trồng được tỏi “xịn”

Chị Nguyễn Thị Tý đang thu hoạch mấy luống tỏi quanh nhà, cho biết kỹ thuật trồng tỏi ở đây cũng như ở đất liền cũng đơn giản như nhau, có khác chăng là do thổ nhưỡng trời cho để tỏi Lý Sơn có đặc trưng riêng. Cũng giống tỏi này đem trồng ở nơi khác dù chịu khó “cày sâu cuốc bẫm”, chăm bón kiểu gì cũng không có mùi vị như tỏi Lý Sơn. Chị cũng chẳng biết vì sao. Cũng đất đảo Lý Sơn cả, nhưng không phải chỗ nào cây tỏi cũng lên tốt. Đảo Lý Sơn có 3 xã nhưng tỏi được trồng chủ yếu ở xã An Hải và An Vĩnh (đảo Lớn), còn xã An Bình (đảo Bé) thời tiết khắc nghiệt hơn, không có nước ngọt nên cây trồng ở đảo Bé năng suất rất thấp, hiệu quả kinh tế chẳng đáng là bao. Ngay ở đảo Lớn, năm nào thời tiết không thuận thì người trồng tỏi cũng trắng tay.

Đất đảo chủ yếu có hai loại đất cát trắng và đất thịt (đất đỏ Bazan dấu tích của núi lửa cách đây hàng triệu năm). Ở đảo, núi non chiếm diện tích chủ yếu, đất đai ít nên người dân xứ đảo khai thác tối đa, và tỏi được trồng ở khắp nơi. Cả đảo diện tích trồng tỏi chiếm gần 300 ha. Trên đảo không chỉ thấy những ruộng tỏi bao la mà bất cứ chỗ nào cũng được tận dụng triệt để, một rẻo đất cũng được quây lại thành những mảnh vườn xinh xinh trồng tỏi; từng vạt đất nhỏ quanh nhà cũng trở thành những vườn tỏi được người dân lấy đá dựng quanh thành bờ rào để đất cát khỏi bị “trôi” theo gió biển, tạo cảnh quan lạ mắt và khá đẹp.

Ở Lý Sơn tỏi thường trồng ở vùng có nước, mỗi năm duy nhất một vụ, tháng 9 bắt đầu trồng. Tháng giêng, tháng hai thu hoạch. Tỏi được trồng trên ba lớp đất, đất cũ, đất thịt, đất cát trắng. Muốn tỏi đạt năng suất cao, người trồng phải dày công từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… Theo chị Tý, để có luống tỏi được mắt (chưa biết trúng mùa hay mất mùa), người ta phải xới đất cũ (đất bã) rồi đập đất cho tơi; rải rong mơ dưới lớp đất thịt, dầm đất cho bằng rồi trải đất cát trắng lên. Nhà có vốn thì dùng toàn bộ đất cát trắng; ít vốn thì vừa dùng đất bã vừa dùng đất cát trắng cho bớt chi phí. Tuy nhiên, trồng tỏi không vất vả như trồng lúa. Nhà nông trồng tỏi chẳng phải “một nắng hai sương”, chịu cảnh “chân lấm tay bùn”, như làm ruộng lúa nước mà thu nhập lại rủng rỉnh…

TỎI LÝ SƠN THƯƠNG HIỆU XỨ ĐẢO - 3

Tỏi Một – một vị thuốc hay

Tỏi Lý Sơn có hai loại, tỏi thường và tỏi Một. Giá bán tỏi Một đắt gấp mười lần giá bán tỏi thường. Tỏi Một không chỉ đắt mà còn hiếm, không phải lúc nào muốn mua cũng có. Tỏi Một (mỗi củ chỉ có độc một tép) chủ yếu dùng làm thuốc được coi như một loại dược liệu quý. Ông Nguyễn Tân cho biết tỏi Một là nguyên liệu chính làm rượu tỏi trở thành vị thuốc quý chữa nhiều bệnh như tim mạch, huyết áp, thấp khớp… Dược liệu tỏi Một quý tới đâu không biết, nhưng bao đời qua cư dân ở đảo đều nhờ nó, và bây giờ… cũng được giá.

Tỏi là gia vị quan trọng, không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Có những món ăn thiếu tỏi thì coi như hỏng. Khi pha nước mắm, xào thịt bò, rau muống, …. dù nguyên liệu có ngon đến đâu nhưng thiếu tỏi thì đầu bếp giỏi cũng thành kém. Tỏi Lý Sơn được những người sản xuất nem chua trong đất liền rất ưa chuộng. Nem chua mà có tép tỏi Lý Sơn thì hương vị được đậm đà hơn. Nước mắm ngon được giã thêm vào tép tỏi Lý Sơn, thì rất… bắt cơm. Anh Trần Hậu, cán bộ địa phương cho biết tỏi Lý Sơn đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền từ năm 2009, nhưng trước “làn sóng” chở tỏi từ đất liền ra Lý Sơn rồi chở ngược lại như thời gian qua dễ làm cho tỏi Lý Sơn mất tiếng. Đó là cái khó mà chính quyền và nhân dân Lý Sơn chưa biết giải quyết như thế nào cho ổn.

Tour du lịch tìm hiểu về Tỏi Lý Sơn?

Nếu cây cà phê ở Đăk Lăk đã được các Công ty Lữ hành khai thác xây dựng tour du lịch tìm hiểu phục vụ du khách nội địa và quốc tế, cây nho ở Ninh Thuận cũng được phát triển như một thương hiệu du lịch. Với Tỏi Lý Sơn, nên chăng các Công ty Lữ hành cũng có Tour Du lịch tìm hiểu về nghề trồng tỏi của bà con đảo Lý Sơn.

H.K.L

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT