Tây Bắc – Mùa hoa Ban

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tây Bắc miền đất hoang sơ, thuần khiết của núi rừng, của thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ  và cả tấm lòng chân chất, mộc mạc của người dân nơi đây. Mùa xuân về hoa ban, hoa mận, hoa đào, hoa mơ... nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc càng làm tô đẹp thêm cho quê hương giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa.

Tây Bắc – Mùa hoa Ban - 1

 Cánh hoa Ban.

Tây Bắc bồng bềnh sương khói với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Điện Biên Phủ anh hùng, Thảo nguyên xanh Mộc Châu, ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải, Sapa thành phố trong sương mù mộng mơ, Mai Châu bình dị,.. Đặc sản của núi rừng Tây Bắc rất phong phú với các món ăn hấp dẫn như: bê chao, thịt lợn cắp nách, gà đồi, nếp hương... Tây Bắc ngày nay đang dần dần đổi mới và phát triển về du lịch, mở rộng vòng tay đón du khách trong và ngoài nước đến hòa mình cùng với thiên nhiên kì vĩ, những điểm du lịch thiên nhiên hấp dẫn do thiên nhiên ban tặng chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách mỗi lần đến thăm Tây Bắc. 

Tây Bắc – Mùa hoa Ban - 2

Góc đèo Pha Đin (Sơn La - Điện Biên)

Vùng núi Tây Bắc là khu vực có nhiều dãy núi cao sừng sững tạo ra những con đèo dài khúc khuỷu , đầy hiểm trở. Nơi đây hội tụ tứ đại đỉnh đèo phía Tây Bắc. Bao gồm đèo Pha Đin (Sơn La - Điện Biên), đèo Khau Phạ (Yên Bái), đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai - Lai Châu), đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang). Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, oai hùng, mỗi đèo đều có sức hấp dẫn riêng đặc biệt với những du khách thích khám phá đèo. Đến với vùng đất Tây Bắc du khách không thể bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn hoa ban trắng ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… đó là loài hoa đặc sắc, mang nét đẹp rất riêng của vùng núi rừng Tây Bắc. Hoa ban còn là biểu tượng nổi tiếng khi nhắc về Tây Bắc, cứ đến tháng mùa tháng 3, loài hoa có hương thơm quyến rũ này lại nở trắng nhiều sườn núi ở vùng Tây Bắc báo hiệu sự bắt đầu của một mùa xuân mới.

 

Tây Bắc – Mùa hoa Ban - 3

Thiếu nữ bên chân đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải - Yên Bái).

Nếu đi dọc đường Quốc Lộ 6, cây ban (hoa ban) mọc khá nhiều dọc đường, đoạn kéo dài từ Mộc Châu - Sơn La lên đến Điện Biên, từ Hòa Bình trở đi là bắt đầu nhìn thấy hoa ban. Càng lên cao hoa ban càng nhiều. Du khách có cảm giác như gặp muôn nghìn cánh bướm chập chờn bay theo trong suốt cuộc hành trình. Qua Thuận Châu (Sơn La), là tới địa danh bất tử hùng vĩ Pha Đin, giữa bao la chồi non lộc biếc đại ngàn, từng chùm hoa ban trắng như bông và xốp tựa mây, trôi bồng bềnh trong không gian, chảy xuống các lòng thung và vắt lên tận những đỉnh núi chọc trời. Và khi nhắc đến hoa ban, phải nói đến Điện Biên, cây ban phân bổ khá rộng trên khắp địa bàn tỉnh và ngay trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, dọc theo các con đường chính của thành phố Điện Biên Phủ.

Tây Bắc – Mùa hoa Ban - 4

Cành hoa ban tại Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hoa ban là loài hoa đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc. Khi hoa đào đã tàn phai và những trận mưa xuân còn rơi rớt lại thì cũng chính là lúc mùa hoa ban bắt đầu. Cả trời Tây Bắc ngợp một sắc hoa, cảnh tượng tựa như chỉ có trong tranh vẽ. Bàn tay tài hoa của người họa sĩ thiên nhiên, và cách “pha màu” kỳ diệu đã tạo nên bức tranh có thật, với những mảng màu vàng óng của tre, trúc, của cỏ khô, hòa với màu xanh biếc của nền trời, màu xanh, ánh lên long lanh của dòng suối quanh co chạy dưới chân đồi. Điểm xuyết trong bức tranh đó là màu trắng của hoa ban. Dọc ngang, trên dưới đều là hoa ban, ban trên đỉnh núi, trên lưng chừng đồi, trên vách đá…Đến gần thêm sẽ thấy những nụ ban thon thon như bàn tay người con gái miền sơn cước, khi nở hoa ban lại xòe rộng như cánh bướm với nhụy hoa xinh xinh, tim tím…

Hoa ban nở rộ vào dịp tháng 3 dương lịch. Khoảng thời gian này những người yêu thích thiên nhiên thường chuẩn bị cho mình chuyến hành trình mùa xuân lên Tây Bắc đầy thú vị. Không chỉ đến để thưởng thức vẻ đẹp của những loài hoa nơi núi rừng mà còn đến để tận hưởng không gian trong lành, tươi mới của mùa xuân và ghi lại khoảnh khắc ấn tượng trong cuộc đời.

Tiết trời bắt đầu có nắng ấm. Những cơn mưa xuân lất phất như đánh thức cả rừng hoa ban sau một giấc ngủ dài. Hoa ban năm cánh trắng, phơn phớt hồng tím. Lá ban hình móng bò, người Thái bảo đó là hình “đôi trái tim ghép lại”. Người Thái rất yêu hoa ban, nên ngày Tết trên bàn thờ luôn có cành hoa ban, dâng cúng, tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Với tuổi trẻ, hoa ban là ước mơ trẻ mãi không già, nhiều nghị lực và tình yêu bền vững.

Hàng nghìn đời nay, hoa ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hoá - tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái.Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân nồng cháy, với những trò chơi thú vị hái hoa Ban và hát giao duyên.Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa Ban vào mỗi độ xuân về.

Tây Bắc – Mùa hoa Ban - 5

Thiếu nữ vui hội hoa ban.

Đến Tây Bắc, chợt nhớ tới câu chuyện về sự tích của loài hoa này. Chuyện kể rằng: “Xưa kia nàng Ban và chàng Khum thông minh yêu nhau. Nhà chàng ở cách nhà nàng một dãy núi, đêm đêm chàng vẫn vượt qua mấy đoạn đường rừng, lội qua mấy suối tìm đến nhà nàng để tỏ tình đôi lứa và hẹn nhau ngày cưới. Nhưng tội nghiệp thay, bố mẹ nàng không chấp thuận cho nàng lấy chàng trai nghèo khổ. Giãi bày mãi mà cha mẹ không chấp nhận, vào một buổi sớm mùa xuân, nàng bỏ nhà ra đi. Nàng đi mãi, đi mãi hết đồi này núi kia, hết ngày này đến ngày khác mà vẫn không tìm được chàng. Đi mãi cho đến khi nàng gục xuống và hóa thân vào đất, nơi nàng nằm xuống đã mọc lên muôn ngàn cây hoa cứ đến mùa xuân là bừng nở ra vô vàn cánh hoa trong trắng, nõn nà, ngan ngát hương thơm, như gương mặt, như búp tay, như thân thể của nàng. Chàng Khum khi đến nơi hò hẹn ở nhà nàng nhưng không thấy nàng đâu, chỉ thấy chiếc khăn piêu để lại. Biết chuyện chẳng lành chàng vội chạy đi tìm nàng. Chạy hết đồi nọ, núi kia, chàng gọi nàng đến khản cổ mà không thấy tiếng nàng đáp lại. Chàng gọi mãi cho đến khi kiệt sức và biến thành con chim Lộc Khum. Từ đấy mỗi khi mùa xuân về hoa ban nở trắng rừng, chim Lộc Khum lại hót, chim hót gọi nàng suốt một mùa hoa…”.

Tháng ba mùa hoa ban, cả đất trời Tây Bắc bỗng sáng bừng, rạng rỡ. Muốn một lần ngắm ban thì hãy đến với núi rừng Tây Bắc, đến với lễ hội Hoa ban, cùng thưởng thức những hương vị thanh mát, ngọt ngào của những đóa hoa, tìm một dáng váy thướt tha gùi ban trên núi, để rồi lạc bước lãng du trong rừng hoa khoe sắc bạt ngàn. Khi hoa ban nở trắng trời Tây Bắc là lúc người phụ nữ Thái tranh thủ đi nương hái về hái đầy giỏ để chế biến thành các món ngon cho gia đình. Hoa nở rộ khắp các bản làng vùng cao là lúc đồng bào dân tộc Thái thường đi hái về đem bán ở các chợ như một thứ rau sạch, làm phong phú thêm cho bữa ăn hàng ngày như xào, nấu canh, đồ với xôi, làm nộm...Người Thái coi hoa ban là một trong những loại hoa biểu trưng cho tình yêu. Cũng như món xôi ngũ sắc, màu tím biểu trưng cho sự thủy chung, màu đỏ là tình yêu sắt son, say mê, lãng mạn…Nhưng sắc trắng của ban không chỉ là sự thuần khiết, nó còn mang trong mình bản chất của tình yêu sáng trong, không vụ lợi, toan tính. Tình yêu đích thực từ những rung cảm trái tim, từ những cảm xúc chân thật. Ban cũng đại diện cho một tình yêu thủy chung, vĩnh cửu. Hoa ban gọi về cả những mùa màng bội thu. Năm nao ban nở rực rỡ thì năm ấy mùa màng hanh thông, trọn vẹn. Dường như khi hoa ban nở trắng rừng thì những đợt mưa đầu mùa cũng chợt tới. Ban xà từ trên đỉnh núi, buông mình xuống những thung lũng ăm ắp nước đầy. Bà con lại hối hả gieo mạ, làm đất, đốt nương chuẩn bị cho mùa mới. Cha bình thản giục trâu bừa những thửa ruộng mới, mẹ lụi cụi be bờ dưới gốc ban trắng bình yên. 

Tây Bắc – Mùa hoa Ban - 6

Thiếu nữ Thái vấn khăn Piêu.

Và trước khi trở về xuôi, du khách cùng hòa mình vào những điệu nhảy sạp của người Thái, đến những bản làng của người Thái để hiểu hơn về văn hóa, về những phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao vfa không quên thưởng thức những đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc như: Lợn “cắp nách”hay còn gọi là “lợn lửng” chỉ  có ở vùng cao; Xôi tím là đặc sản nấu từ nếp nương, tuy có màu hồng thắm nhưng loại xôi này được người dân quen gọi là xôi tím, màu sắc bắt mắt của xôi được tạo ra từ loài cây có tên là khẩu cắm, loài cây này có tác dụng chữa các bệnh về đường ruột và rất tốt cho sức khỏe; Đặc sản thịt lợn hun mang đến hương vị lạ cho người thưởng thức một phần bởi được ướp với các loại gia vị được phơi khô như: quả mắc khén, ớt, thảo quả; và trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp (còn gọi là thịt trâu xông khói) rất đặc biệt. Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng; Măng nộm hoa banvới hương vị cực ngon,đó là sự hòa quyện của tất cả các hương vị: đắng, chua, cay, ngọt, mặn, bùi mà hiếm món ăn nào có được... tất cả như níu chân du khách khi đến với Tây Bắc – mùa hoa ban.

 

Phan Đông Nhựt

Ảnh: Hữu Long

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT