Từ trên cao, tôi thấy một thành phố đã khác

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Có lẽ ai cũng nên một lần được nhìn thành phố mình đang sống từ một độ cao nhất định. Không phải để ngắm cảnh. Mà để hiểu, yêu, và đôi khi còn là để tha thứ.

Tôi rời miền Trung vào TP.HCM năm 2006, khi thành phố còn "ngái ngủ" trong một buổi sớm đầu thu. Từ cửa kính chiếc xe khách vừa đỗ ở bến xe Miền Đông, tôi bước xuống, bối rối giữa phố xá lạ lẫm, tay xách va li, đầu đội nắng, lòng thì không biết gọi tên cảm xúc ấy là gì. Có chút e ngại, có chút hào hứng nhưng nhiều hơn cả là một thứ thôi thúc mơ hồ rằng đây sẽ là nơi tôi bắt đầu sống cuộc đời của mình.

TP.HCM ngày ấy trong tôi là một thành phố chật chội, nhiều xe, đông người, nóng nực và thô ráp, nhưng cũng chính từ đó mà ấm áp, thật thà, và chứa chan hy vọng. Tôi sống những năm tháng thanh xuân ở đây bằng đôi chân đi bộ trên vỉa hè, bằng những chuyến xe buýt dằn xóc xuyên ngang thành phố, bằng ánh mắt luôn phải ngước lên để nhìn những tòa nhà cao tầng mình không dám mơ tới, những giấc mơ mà lúc đó còn xa lắm...

Gần 20 năm sau, tôi vẫn sống ở đây dù không còn là sinh viên nữa, cũng không còn đi tìm đường như xưa nữa. Tôi đã quen thuộc với nhịp sống của thành phố này từ mặt đất. Tôi biết đường nào sẽ kẹt xe vào giờ tan tầm, biết góc quán nào bán phở ngon vào đêm khuya, biết mùa mưa thường bắt đầu vào tháng mấy, biết người Sài Gòn thường cãi nhau lớn tiếng rồi cười lại rất nhanh. Tôi từng nghĩ vậy là đã hiểu thành phố rồi.

Nhưng vào tháng 8/2023, tôi có một cơ hội hiếm hoi để nhìn thành phố từ một tầm cao. Đó là hoạt động bay dù lượn có động cơ mang tên "Một ngày trở thành phi công", được tổ chức bởi Liên đoàn Dù lượn thể thao Thành phố, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức.

Từ trên cao, tôi thấy một thành phố đã khác - 1

Toàn cảnh thành phố nhìn từ trên những cánh dù lượn. Ảnh: Nguyễn Hồng Huy.

Từ trên cao, tôi thấy một thành phố đã khác - 2

Bãi cất cánh dù lượn (bên trái, ảnh: Nguyễn Hồng Huy). Mỗi chiếc dù lượn được thiết kế chắc chắn và bảo đảm an toàn (bên phải, ảnh: Lê Hoài Việt).

Tôi cất cánh tại Công viên trung tâm khu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2). Và khi chiếc dù căng gió, chân tôi rời khỏi mặt đất, cả thành phố hiện ra một cách hoàn toàn khác. Không phải từng con đường, từng biển hiệu, từng gánh hàng rong như tôi vẫn thấy mỗi ngày mà là một thành phố tổng thể, thống nhất, có trật tự và chiều sâu.

Lần đầu tiên, tôi không cần ngước nhìn những tòa nhà cao tầng mà đứng ngang với chúng. Landmark 81 không còn là biểu tượng xa vời, mà như một người bạn đang lặng lẽ đứng cạnh. Tôi lướt ngang qua những tầng kính trong suốt, nhìn thấy ánh nắng phản chiếu từ mặt sông, và nhận ra thành phố từ trên cao không phải là thành phố của sự vội vã mà là thành phố của những hình khối, ánh sáng, và quy hoạch.

Từ mặt đất, ta thường chỉ thấy từng lát cắt của đô thị: một khu phố, một góc chợ, một đoạn đường. Từ trên cao, thành phố như một bản đồ "sống", nơi những tuyến đường cắt nhau thành hình mạch máu, nơi các khu đô thị mới hiện ra như những tế bào hiện đại đang nối dài từ trung tâm về phía Đông.

Từ trên cao, tôi thấy một thành phố đã khác - 3

Những tòa nhà cao tầng chẳng mấy chốc đã trở nên thật gần. Ảnh: Nguyễn Hồng Huy.

Những điều tôi chưa từng thấy khi đi bộ: cấu trúc của cả thành phố, cách mà các cây cầu đang nối những nhánh sông, cách mà Thủ Thiêm đã từ một bãi đất trống trở thành khu vực phát triển đồng bộ. 

Những khu vực như Empire City, The Metropole, Sala… được quy hoạch như một lời khẳng định rằng thành phố này không còn chỉ là nơi mưu sinh. Đây là nơi tạo ra phong cách sống mới. Từ mặt đất, tôi vẫn từng than phiền về lô cốt, về kẹt xe, về những công trình còn đang dang dở. Nhưng khi nhìn từ trên cao, tôi thấy thành phố đã lớn lên rất nhiều, đã hiện đại lên rất nhiều.

Từ trên cao, tôi thấy một thành phố đã khác - 4

Thành phố vươn mình hiện đại. Ảnh: Nguyễn Hồng Huy.

Tôi cũng nhìn thấy dòng sông Sài Gòn uốn quanh thành phố như một dải lụa - điều mà từ mặt đất, ta thường quên mất vì bị che khuất bởi nhà cửa. Từ trên cao, tôi hiểu vì sao Lễ hội Sông nước lại được tổ chức như một lời nhắc rằng thành phố này đã, đang, và sẽ luôn gắn với sông, với nước, với sự mềm mại chảy qua giữa lòng bê tông.

Dưới mặt đất, người ta thường nói về sự hỗn độn, nhịp sống gấp gáp, áp lực đô thị. Nhưng từ không trung, tôi thấy một thành phố tôi đã yêu cồn cào trong từng hơi thở một cách rất khác: bao dung, hiện đại, và đang chuyển mình theo cách có định hướng.

Tôi nhớ về chính mình năm 2006, một mình ngơ ngác đi giữa trung tâm thành phố, lần đầu nghe đến cái tên Bitexco lúc đó chỉ vừa khởi công đâu chừng đôi ba năm, lần đầu đứng trước một tòa nhà có thang máy mở ra cả thế giới. Tôi nhớ về những đêm ngồi một mình trong phòng trọ, nghe tiếng xe máy vọng từ dưới đường, nghĩ không biết ngày mai sẽ ra sao.

TP.HCM của năm đó như một người trẻ bôn ba tìm đường nhưng luôn hết mình. Còn TP.HCM của hôm nay nhìn từ trên cao như một người trưởng thành, biết mình là ai, đang đi về đâu, và đủ bản lĩnh để bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình.

Khi dù hạ thấp dần độ cao, khi gió lặng đi và tôi chạm lại mặt đất, tôi cảm thấy có điều gì đó trong mình cũng đã đổi khác. Thành phố này trong tôi không còn là nơi để "lập nghiệp" như cái cách người ta vẫn nói. Nó là nơi để lập thân, lập tâm, lập nghĩa. Là nơi người ta đi qua tuổi trẻ với đầy những cuồng nhiệt, và ở lại khi đã đủ "lặng" để cảm nhận sâu sắc hơn những gì tưởng như đã quen thuộc.

Có lẽ ai cũng nên một lần được nhìn thành phố mình đang sống từ một độ cao nhất định. Không phải để ngắm cảnh, mà để hiểu, yêu, và đôi khi còn là để tha thứ. Tha thứ cho những bất toàn, và biết ơn cho những nỗ lực âm thầm mà thành phố đang ngày ngày thực hiện để không chỉ vươn lên mà còn đủ đẹp để người ta muốn ở lại.

MỜI BẠN THAM GIA CUỘC THI

"THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NHỮNG ĐIỂM CHẠM TẦM CAO"

Nhằm lan tỏa tình yêu và ghi nhận những khoảnh khắc đặc biệt, đậm chất riêng của Thành phố, Tạp chí Du lịch TP.HCM phát động cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao". Đây sẽ là diễn đàn để người dân thành phố, du khách chia sẻ những góc nhìn độc đáo về mảnh đất giàu bản sắc này.

50 năm sau ngày thống nhất, TP.HCM đang chuyển mình thành một siêu đô thị rộng lớn, nơi những tòa nhà chọc trời hiện đại vươn mình bên cạnh các công trình kiến trúc cổ kính. Nhưng phải "chạm" từ trên cao bạn mới có thể thu trọn vào tầm mắt vẻ đẹp của thành phố này.

Từ những điểm nhìn tầm cao, Thành phố mang dáng vẻ năng động với những tòa tháp nổi bật trên đường chân trời trộn lẫn dấu ấn xưa cũ của những khu nhà ở khiêm tốn, những con hẻm chằng chịt đậm nét truyền thống, ẩn chứa một trật tự ngầm, một nhịp sống riêng biệt.

Chi tiết thể lệ cuộc thi vui lòng xem tại đây.

Xem lại các bài dự thi tại đây.

Lưu ý: Cuộc thi đã gia hạn thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 15/7/2025.

SanDisk là thương hiệu Mỹ hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực giải pháp lưu trữ dữ liệu. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, SanDisk mang đến các sản phẩm lưu trữ hiệu năng cao như thẻ nhớ, USB, ổ cứng SSD… được tin dùng bởi hàng triệu người dùng cá nhân, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim và các chuyên gia sáng tạo trên toàn thế giới.

Dòng sản phẩm SanDisk Creator Series là lựa chọn lý tưởng dành cho các nhà sáng tạo nội dung và làm phim, kết hợp giữa tốc độ vượt trội, độ bền cao và thiết kế hiện đại, giúp bạn ghi lại mọi khoảnh khắc sáng tạo một cách mượt mà và đáng tin cậy.

Trân trọng cảm ơn thương hiệu SanDisk đã đồng hành cùng cuộc thi "Thành phố Hồ Chí Minh - Những điểm chạm tầm cao"!

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lê Hoài Việt

CLIP HOT