Quảng bá Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Pháp
Sự kiện quảng bá giá trị Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Pháp được tổ chức ngay trước Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO diễn ra tại Paris trong các ngày 6-16/7 tới đây.
Sự kiện quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp ở Paris ngay trước thềm Kỳ họp lần thứ 47 Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO có ý nghĩa tích cực thúc đẩy tiến trình công nhận Di sản văn hoá thế giới. Sự kiện do Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng tổ chức.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm 525,75 ha khu vực cốt lõi và 4.380,19 ha vùng đệm. Đây là một hồ sơ đề cử liên tỉnh của Việt Nam, mang ý nghĩa đặc biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, đã tồn tại hơn 700 năm.
Quần thể di sản này không chỉ là những công trình kiến trúc cổ kính mà còn là minh chứng sống động cho sự ra đời và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII.
Ảnh hưởng của Trúc Lâm vượt khỏi phạm vi quốc gia, lan tỏa trong khu vực và toàn cầu. Hiện nay, Phật giáo Trúc Lâm có hơn 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và 15.000 ngôi chùa tại hơn 30 quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Nhật Bản và nhiều nước khác. Tại Pháp, nổi bật có chùa Trúc Lâm Paris và tại Mỹ có giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông về hoà bình, hoà giải và hòa hợp vẫn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Bộ hồ sơ đề cử là kết quả của 13 năm nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và hợp tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia di sản và chính quyền tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Giang (nay là Bắc Ninh) và tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Phòng). Di sản không chỉ là bằng chứng lịch sử mà còn thể hiện chiều sâu tâm linh, gắn kết con người với thiên nhiên, yếu tố làm nên bản sắc Việt Nam.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, các tỉnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến và khuyến nghị của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) về làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và công tác quản lý, bảo tồn di sản.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, vận động hợp pháp ghi danh, công nhận cho Di sản thế giới Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới. Đoàn đã có các cuộc làm việc với 20 đại sứ, trưởng phái đoàn các nước thành viên Ủy ban Di sản Thế giới và Đại diện Bulgaria, Chủ tịch Kỳ họp để làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của Hồ sơ đề cử; đề nghị ủng hộ, hỗ trợ, tạo thuận lợi để được ghi danh di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 47.
Đoàn công tác đã lần lượt làm việc với Đại sứ Hàn Quốc, Đại sứ Italy, Đại sứ Argentina, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, Đại sứ Bỉ, Đại sứ Bulgaria, Đại sứ Ấn Độ, Đại biện Mexique, Đại sứ Mexico, Đại sứ Nhật Bản, Đại sứ Kazakhstan, Đại sứ Qatar, Đại sứ Saint Vincent and Grenadines, Đại sứ Lebanon, Đại sứ Hy Lạp, Đại sứ Kenya, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, Đại biện Senegal, Đại sứ Ukraine, Đại sứ Rwanda.
Đồng thời, đoàn công tác cũng đã tiếp tục tiếp xúc với Tổng Giám đốc ICOMOS Marie Laure Lavenir và Giám đốc Bộ phận đề cử hồ sơ ICOMOS Gwenaëlle Bourdin, tại Trụ sở ICOMO; gặp Chủ tịch Kỳ họp 47 Uỷ ban Di sản Thế giới và tham dự sự kiện của Phái đoàn Bulgaria tổ chức trước thềm Kỳ họp.
Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các tổ chức của UNESCO và đại diện các nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam. Đồng thời, khẳng định sẽ cùng có những tiếng nói chung để ủng hộ cho Hồ sơ. Nhân dịp này, Đoàn công tác cũng đã nhận được nhiều ý kiến tư vấn, gợi mở rất có ý nghĩa.
Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO sẽ diễn ra tại Paris từ ngày 6 đến 16/7/2025. Đây sẽ là thời điểm quyết định cho hồ sơ đề cử. Sự thành công của hồ sơ này không chỉ mang ý nghĩa cho Việt Nam mà còn đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa tinh thần của nhân loại, thể hiện những giá trị hòa bình, từ bi và hòa hợp mà thế giới hiện đại đang rất cần.
Nếu được UNESCO ghi danh thì đây là niềm tự hào không chỉ của Việt Nam mà của cả cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại.

Từ ngày 25 đến 28/5/2025, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Quốc bảo thiêng liêng của Ấn Độ được tôn trí tại cung...