Sự thật về “Câu lạc bộ Lữ hành Việt Nam”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo phản ảnh của một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế và phóng viên báo chí, thời gian gần đây, một tổ chức tại Hà Nội lấy tên là Câu lạc bộ (CLB) Lữ hành Việt Nam gửi thư vận động các doanh nghiệp lữ hành quốc tế trong cả nước tham gia CLB này kèm theo mẫu đơn xin gia nhập và bản dự kiến kế hoạch hoạt động trong năm 2012, trong đó có cả việc tổ chức cho các doanh nghiệp đi khảo sát ở nước ngoài. Báo Du lịch đã có cuộc tìm hiểu thực tế về CLB Lữ hành Việt Nam.

“CLB Lữ hành Việt Nam” ở đâu?

Trong thư vận động ngày 16/4/2012 có giới thiệu khái quát: CLB Lữ hành Việt Nam (Vietnam Travel Club - VITRAC), là một tổ chức phi Chính phủ có uy tín cao và lớn nhất Việt Nam với các hoạt động nhằm phát triển sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến du lịch vì mục tiêu phát triển lâu dài của ngành du lịch và của các hội viên. Lấy tiêu chí: “Cộng đồng Du lịch chung tay xây dựng DU LỊCH VIỆT NAM”. Hình thức tham gia: Miễn phí hội viên. Tham gia hội viên để được: Cập nhật thông tin thường xuyên; Tham gia các chương trình khảo sát, xúc tiến trong ngoài nước, hội thảo chuyên ngành; Trao đổi thông tin hỗ trợ chương trình giữa hội viên CLB; Chia sẻ kinh nghiệm, tận dụng nguồn nội lực phối kết hợp triển khai các chương trình giảm giá, kích cầu; Tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ. Sẽ MIỄN PHÍ HỘI VIÊN - Khi tham gia vào CLB”.

Kèm theo thư vận động có dự kiến kế hoạch hoạt động năm 2012 của CLB Lữ hành Việt Nam và mẫu đơn của các nhân, tập thể xin gia nhập CLB.

Theo số điện thoại in trong thư vận động 01676359999, sáng 4/5, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với đại diện của Ban vận động thành lập CLB Lữ hành Việt Nam là ông Ứng Trọng Tú để làm rõ những vấn đề liên quan. Ông Tú cho hay: “Tôi đang đi vận động tại Đà Nẵng, xin hẹn sẽ trao đổi vào đầu tuần tới”. Tuy nhiên, vào đầu tuần (7/5) qua nhiều lần gọi điện, chúng tôi nhận được câu trả lời của ông Tú: “Tôi đang rất bận, hẹn các anh vào dịp khác”!

Chân dung “CLB Lữ hành Việt Nam”

Qua tìm hiểu được biết: CLB Lữ hành Việt Nam do một số thành viên cũ của CLB Lữ hành Hà Nội tách ra để thành lập, người đại diện là ông Ưng Trọng Tú. Ông Nguyễn Hải Giang - UVBCH Liên minh Hợp tác xã - Chủ tịch HĐTV VICTORIA Corp Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư - Thương mại và Du lịch Thắng Lợi (VICTORIA CORP), Chủ tịch danh dự, cố vấn cao cấp CLB Lữ hành Hà Nội cho biết: CLB Lữ hành Hà Nội ra đời từ năm 2009, có quy chế, điều lệ, bầu BCH khởi đầu có khoảng 70 thành viên, đến nay đã tăng lên 200 thành viên. Đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và các cá nhân có năng lực, đang công tác trong lĩnh vực du lịch dịch vụ như: giám đốc, điều hành, hướng dẫn viên, những người yêu thích du lịch. Để đăng ký tham gia vào CLB Lữ hành Hà Nội, các thành viên phải đóng lện phí 2,2 triệu đồng đối với doanh nghiệp, 500 nghìn đồng đối với mỗi cá nhân. Ngày 31/3/2012, CLB Lữ hành Hà Nội đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2012-2015, bầu BCH CLB với 19 thành viên. CLB rất muốn trở thành một hội nghề nghiệp, Hội của những người làm du lịch để có sự hỗ trợ, gắn kết trong hoạt động du lịch. Trong thời gian qua, CLB Lữ hành Hà Nội đã có làm việc với một số cơ quan chức năng Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ Hà Nội, Sở VHTTDL Hà Nội... về tổ chức. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, một số điểm chưa thống nhất trong CLB, nên cho đến nay CLB Lữ hành Hà Nội vẫn chưa tìm được “minh chủ”, CLB vẫn chưa thuộc đơn vị nào quản lý. Dù vậy, CLB vẫn tích cực hoạt động, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong các hoạt động liên quan về du lịch.

Đề cập đến CLB Lữ hành Việt Nam, ông Giang cho hay: Do có một số quan điểm chưa thống nhất giữa các thành viên, trước khi diễn ra Đại hội CLB Lữ hành Hà Nội, anh Ưng Trọng Tú đã không tham gia ứng cử vào BCH mới, đồng thời anh Tú có gửi thư vận động ra nhập CLB Lữ hành Việt Nam, tuy nhiên có rất ít người tham gia, sau Đại hội, anh Tú lại tiếp tục gửi thư vận động đến các doanh nghiệp, nhà nghỉ, khách sạn, trạm dừng chân, điểm mua sắm và các đơn vị phục vụ khách du lịch trên cả nước. Theo ông Giang: Trong thư vận động đề cập: “Là một tổ chức phi Chính phủ có uy tín cao và lớn nhất Việt Nam”, câu chữ đọc lên thấy rất phản cảm, nếu như trong tương lai chúng tôi sẽ phấn đấu trở thành một CLB có uy tín là một nhẽ, ở đây mới khởi đầu, chưa có gì mà đã quảng cáo như thế thật không ổn. Chính câu chữ trong văn bản đã đặt ra câu hỏi lớn cho các cơ quan chức năng, ngoài ra, chưa có ai biết CLB có bao nhiêu thành viên, trụ sở ở đâu... nên chưa thể tạo độ tin cậy cho các doanh nghiệp.

Chúng tôi đã lên hệ nhiều lần với ông Ưng Trọng Tú để làm rõ những thông tin liên quan về CLB Lữ hành Việt Nam nhưng vẫn không nhận được sự phản hồi. Theo thông tin trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/5/2012, ông Tú thừa nhận: Việc tự xưng: “Tổ chức phi Chính phủ có uy tín cao và lớn nhất Việt Nam” là do sơ xuất về văn bản? Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng: “Đó chỉ là lời giới thiệu về nghành nghề, nghề nghiệp. Bóc tách câu từ thì rất khó. Nếu đặt trong cả một đoạn thì nó không nặng nề đến mức vậy!”. Liên quan đến việc chưa thành lập Ban vận động, ông Tú giải thích: “Hiện tại, CLB đang trong quá trình hình thành chứ chưa phải đã đi vào hoạt động”. Do vậy, “có sai sót sẽ bổ sung”. “Khi các cơ quan chức năng, quản lý nhắc nhở như thế, chúng tôi sẽ làm theo đúng pháp luật, không làm gì trái với pháp luật Việt Nam”? Ông Tú cho hay: CLB đang trong quá trình vận động để thành lập, đồng thời gặp các cơ sở, ban, ngành để được tư vấn, thành lập hội!?

Nhóm PV điều tra

(Báo Du lịch Việt Nam, ngày 12.5.2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT