PHAN THIẾT NGÀY TRỞ LẠI

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đoàn xe du lịch đang tiến vào địa phận thành phố Phan Thiết để hướng đến Hòn Rơm. Đối với những người cao tuổi chưa có nhiều dịp đến tham quan cảnh đẹp Hòn Rơm như chúng tôi, khi nghe có công ty Du lịch tổ chức tour này là hưởng ứng ngay…

PHAN THIẾT NGÀY TRỞ LẠI - 1

“Nhớ mùi nước mắm, tình người nặng sâu”

Thành phố Phan Thiết thân thương đây rồi! Nơi đây tôi đã qua lại nhiều lần, vừa đi công tác vừa đi du lịch. Cũng chính nơi này đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên và những kỷ niệm nặng sâu. Nhiều năm trước, chỉ vừa đi tới cửa ngõ Phan Thiết là tôi đã ngửi thấy mùi nước mắm đặc trưng, mặn mòi thoang thoảng trong làn gió biển. Nhưng hôm nay, trong lần trở lại này, tôi cố hít hà gắng tìm được mùi hương quen thuộc đó mà không thấy nữa, bất chợt nhớ nó như một hoài niệm. Có lẽ, vì nhiều du khách nước ngoài khi đến đây cảm thấy khó chịu với mùi nước mắm và khô cá của Phan Thiết, vốn là những món đặc sản của vùng, nên chính quyền địa phương đã cho di dời các cơ sở chế biến ra xa thành phố. Âu đó cũng là điều hợp lý… Bởi nơi đây đang hòa nhập, phát triển, tập trung vào khai thác lợi thế du lịch, xem “ngành công nghiệp không khói” này là mũi nhọn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, không phải vị khách xứ người nào cũng “dị ứng” với mùi nước mắm, mùi cá khô. Tôi biết vài người bạn nước ngoài đang dần làm quen với nước mắm nhưng phải là nước mắm không mùi. Riêng tôi nghĩ, nước mắm thì phải có mùi vị đặc trưng, nếu không chỉ gọi là nước chấm thông thường.

Với tôi, nỗi nhớ về Phan Thiết không chỉ là hương vị mặn mòi của biển, của ẩm thực liên quan đến biển mà còn bởi tình người nơi đây. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đoàn nhà báo đi từ Hà Nội vào phía Nam chúng tôi đã dừng chân chốn này. Nhiều bà con chạy ra vây lấy chúng tôi, người cho nựớc, người cho trái cây, bánh mì, người sờ máy ảnh, người vỗ vai cậu quay phim truyền hình khen vẻ đẹp mã. Nhiều ánh mắt, cử chỉ thân thương làm chúng tôi thấy hạnh phúc, ấm lòng. Lúc đó, một bác trung niên ăn vận lem luốc, chân tay đầy dầu nhớt tha thiết mời đoàn chúng tôi vào nhà nghỉ ngơi. Bác bảo mình là chủ tiệm rửa xe gần đây. Bác đi cùng cô con gái có đôi mắt to tròn cùng với cái miệng khi cười cũng tròn, trông rất duyên. Cô gái mang theo một rổ trái cây với đầy ắp quả ngọt ngon lành. Tôi vội nói với bác rằng đoàn chỉ tạm nghỉ và có lệnh không được làm phiền người dân, khi nào xong việc, chúng tôi sẽ ghé về đây thăm mọi người. Thế mà bác ấy chẳng chịu thôi, cứ nài nỉ muốn tặng tôi một chiếc Honda đam, nếu vội thì tôi cứ đồng ý trước bằng miệng rồi khi nào quay lại thì sẽ nhận xe. Tôi không biết nói gì ngoài tiếng cảm ơn và hứa sẽ quay lại để ông yên tâm. Tôi tặng ông một tấm huy hiệu Bác Hồ, ông cầm lấy tặng vật bằng đôi tay run run đầy xúc động. Tôi chia tay với một người dân Phan Thiết trong bịn rịn và nhận ra một điều, rằng dù đất nước khi ấy hãy còn lắm gian lao khổ ải nhưng người dân vẫn không ngần ngại bày tỏ tấm chân tình với đoàn người cách mạng bằng tất cả những gì họ có trong tay. Đó có thể chỉ là một bữa ăn đạm bạc mà vất vả lắm họ mới kiếm được. Đó cũng có thể chỉ là thứ hoa quả đơn sơ ngọt mát mà họ chắt chiu hàng ngày. Tất cả những tấm thịnh tình ấy khiến tôi mãi không thể nào quên.

PHAN THIẾT NGÀY TRỞ LẠI - 2

“Vi vu điểm sáng, nghĩ về sức vươn”

Mỗi lần trở về Phan Thiết, tôi lại cố tìm hình ảnh sâu đậm về những người chỉ thoáng quen vào cái ngày rợp trời cờ giải phóng. Chỉ nghỉ chân ít phút thôi mà họ ùa ra chăm sóc, hỏi han, cho uống, ép ăn, cưng nựng quá trời!

Hình bóng xưa không thấy nhưng tôi lại thấy cảnh vật đổi thay, đường rộng mở, nhà cao mọc lên san sát. Trên cung đường đẹp nhất hướng về phía Đông Bắc, từng đoàn xe chở khách du lịch nối đuôi nhau vi vu ra biển Mũi Né, Hòn Rơm. Người miền Trung thường ví ở đây gió như phang và nóng như rang, ngụ ý nói thời tiết ở đây khắc nghiệt, dữ dội lắm. Cũng chính cái nắng, gió ghê người muôn đời ấy đã tạo ra cát. Bây giờ, chính những tia nắng, ngọn gió và hạt cát kia lại là tài nguyên du lịch quý giá của vùng này.

Đồi Cát Bay hiện ra trong tầm mắt. Các đồi cát có một không hai ở đây chính là một điểm du lịch giải trí hấp dẫn, với những trò chơi trượt cát, leo đồi cát, đua mô tô địa hình… dành cho du khách. Nhiều nhiếp ảnh gia tụ tập rất đông ở nơi ngoạn mục này bởi họ được thỏa sức “săn lùng” những tấm ảnh đẹp. Nhiều nhiếp ảnh gia đã đoạt các giải thưởng quốc tế nhờ chụp được những tác phẩm có sức lay động tâm hồn nghệ thuật chính tại đây.

Đoàn chúng tôi tham quan cả trường Đại học Phan Thiết, cũng là một điểm đến hấp dẫn của khách du lịch. Đó là một công trình kiến trúc độc đáo với tòa tháp cổ, ao sen, nhà cổ các vùng miền... khiến ai nấy trong đoàn đều tròn mắt thưởng lãm thích thú.

Rời Đại học Phan Thiết, trong lúc dư âm vẻ đẹp của một tác phẩm nhân tạo hãy còn hiện ra trong tâm trí thì mọi người lại ngỡ ngàng bởi một kỳ quan thiên nhiên độc đáo. Đó là khu cảnh quan Bàu Trắng. Giữa vùng biển mặn, cát vàng này lại xuất hiện một vùng toàn cát trắng phau bao quanh một hồ nước ngọt trong xanh, mọc đầy sen nên còn có tên gọi khác là Bàu Sen.

Các điểm sáng nhân tạo và thiên tạo cứ thế xen giữa nhau. Xa kia là là một công trình kiến trúc độc đáo lạ mắt gồm bốn pháo đài cố và các dãy tường thành theo phong cách Châu Âu, nằm giữa một cánh đồng nho. Đó là Lâu đài Rượu vang. Ngoài nét kiến trúc bắt mắt, du khách khi tới đây được tham quan hầm rượu vang quy mô, lộng lẫy, cùng tìm hiểu về cách thức tạo ra rượu vang và hơn hết còn được nếm thử và mua sắm thứ rượu vang hảo hạng.

Một thành viên đang kể về các điểm sáng của du lịch Bình Thuận như Mũi Kê Gà, Suối Tiên, Lầu Ông Hoàng, Gành Sơn, Tháp Chàm, Núi Tà Cú… thì một người khác liền reo lên: Hòn Rơm kia rồi! Trước mặt chúng tôi là một bán đảo nhô ra biển như một vầng trán kiêu hãnh trước phong ba bão tố. Một thành viên am hiểu cho biết sở dĩ gọi là Hòn Rơm bởi trên đó mọc một loại hoa dại có sức sống mãnh liệt, lan tỏa, bao trùm khắp nơi, vào mùa mưa toàn màu xanh, vào mua khô chuyển sang màu vàng, nên Hòn Rơm thành tên dân gian, dễ nghe, dễ nhớ. Biển ở đây sạch sẽ, thu hút nhiều khách phương Tây và châu Á. Các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, từ cao cấp đến bình dân, đều có.

Khi nói đến các tỉnh ven biển miền Trung, nhiều người cứ cho đó là một xứ nghèo. Cách nhìn đó bây giờ không còn đúng nữa đối với nơi tôi vừa trải qua. Người dân làm giàu từ biển, từ cát vàng, từ “cái nắng như rang, cái gió như phang”. Chính tại nơi “chó ăn đá, gà ăn muối” ấy đã mọc lên những lâu đài, nhà cao rực sáng như trong truyện cổ tích thần tiên.

Thủy Nguyên

Ảnh: Internet

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT