Ôn cố tri ân

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thế mà đã hơn 4 năm tôi về làm việc tại Báo Du lịch. Nhớ cái thủa ban đầu đó, cũng vào mùa Thu như thế này tôi nhận quyết định được trao từ Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn với lời dặn dò chân tình và mong muốn Báo Du lịch phải trở thành tờ báo mạnh, đủ sức ảnh hưởng trong xã hội, tăng cường tuyên truyền, góp phần vào thắng lợi chung của toàn ngành Du lịch Việt Nam sau gần 50 năm xây dựng và trưởng thành (năm 2009).

Ôn cố tri ân - 1

Quả thật khi đó tôi rất vui và thầm hứa với Lãnh đạo ngành, Lãnh đạo Bộ, rằng: sẽ toàn tâm, toàn lực vượt khó, cùng tập thể Ban biên tập, cán bộ, phóng viên trong Báo, đưa tờ báo trở thành người bạn thân thiết của mọi người. Tuy nhiên, thực tế tôi phải đối mặt với những điều mà đến hôm nay nhìn lại tôi không khỏi phải giật mình, vì sao khi đó chúng tôi vượt qua được. Từ việc báo đã ngừng xuất bản 7 tháng, mọi người lao động ở đây đã 3 tháng không có lương, trong quĩ không có một đồng, nợ chồng chất với đối tác, đội ngũ chệch choạc, không ít người đã phải bỏ đi tìm công việc khác để mưu sinh, các tổ chức chính trị, đoàn thể hầu như tê liệt; cơ quan mất đoàn kết, bè cánh, đơn thư kiện cáo khắp nơi… Khó khăn đó tưởng chừng khó vượt qua, tôi mang chuyện qua nói với Phó Tổng Biên tập Ngô Hải Dương (một người cũng vừa được đề bạt từ Tạp chí Du lịch lên). Hai anh em cùng nghĩ phải làm gì để vượt qua giai đoạn này? Cuối cùng chúng tôi thống nhất chỉ có cách củng cố lại đội hình, tìm nguồn để có lương trước mắt cho người lao động, từng bước ổn định tổ chức để xuất bản báo phục vụ nhiệm vụ chính trị... Chuyện chỉ có thế, nhưng bắt đầu từ đâu? Tôi quyết định đề nghị họp Chi bộ bàn giải pháp tháo gỡ, cũng rất may Chi bộ Báo Du lịch tuy mất sức chiến đấu, nhưng vẫn còn những con người có trách nhiệm đã cùng chúng tôi, hai Đảng viên mới về nhận nhiệm vụ, tập trung sức lực, đoàn kết, gương mẫu thực hiện công việc của tòa soạn một cách có ý thức. Trong lúc khó khăn đó, chúng tôi lại phải di dời trụ sở từ phố Đào Tấn về phố Lý Thường Kiệt, lại thêm một lần khó khăn cho một cơ thể mới ốm dậy. Rất may là trong những lúc khó khăn đó, chúng tôi nhận được sự quan tâm hết sức hữu hiệu của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Văn phòng Tổng cục, từ việc cho những bộ bàn ghế cũ, những bộ máy vi tính còn dùng được, rồi một vài nhiệm vụ được giao, thế là cơ quan đã vượt được lên, anh em bắt đầu dốc lực làm việc. Đầu tiên chúng tôi phục hồi trang điện tử baodulich.net.vn cho hoạt động lại. Trang điện tử này đã dừng lâu, may mắn là công ty cho thuê đường truyền chưa cắt hợp đồng, nhưng đã khóa hoạt động, yêu cầu phải nộp tiền phí thuê đường truyền mấy năm trước mới tiếp tục cho hoạt động lại. Thật đúng là “họa vô đơn chí” lại phải xoay, mượn có được chút đỉnh để trang trải cho xong một việc... Có được hình hài như trang điện tử baodulich.net.vn như hôm nay bản thân tôi và những cộng sự của báo phải ngày đêm cật lực lao động, kể cả việc phải nói khó với đối tác xin khất nợ chi phí đường truyền,v.v. Trang điện tử hoạt động trở lại làm tinh thần anh em phấn chấn, mọi người hăng say lao vào tìm tin bài cho báo. Tuy nhiên, sự nhiệt tình thái quá làm anh em phóng viên gặp gì cũng đưa tin, viết bài dài lê thê, có những cái tin viết tới 2 mặt A4. Thế là lại, tập trung chỉnh sửa, uốn nắn để đi vào nề nếp chuyên môn... Nhận nhiệm vụ được hơn 2 tháng, nhiều lần giao ban Tổng cục, lãnh đạo một số đơn vị hỏi tôi: sao mãi không thấy Báo Du lịch xuất bản? Câu hỏi như vô tình đó đã làm cho tôi mất ăn mất ngủ nhiều ngày đêm. Xuất bản thì đơn giản, chưa hay rồi sẽ hay, nhưng tiền đâu để in, nợ thì đối tác không cho, vay ở đâu khi mình đang là con nợ…? Tôi đưa ý kiến ra Chi bộ thảo luận, mọi người đều xác định, phải gắng sức và nói khó với các đối tác để ký nợ. Khi đã có sự thống nhất cao độ, các “sứ giả” được cử đi đàm phán và kết quả như mong đợi, đối tác in đồng ý tiếp tục cho nợ. Tôi còn nhớ như in số báo đầu tiên chúng tôi làm sau một thời gian dài vắng bóng, đó là số Tết Dương lịch năm 2010. Khỏi phải nói sự gian khó của số báo này, người trình bày không có, bài vở của phóng viên thì chệch choạc không có nội dung, rất may đây là số báo đầu tiên của năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn như: Đại lễ ngàn năm Thăng Long, 50 năm ngành Du lịch..., nên chúng tôi cũng đã gạn trong vốn bài cũ và tư liệu, cũng như bài của cộng tác viên bắt đầu gửi lại cho báo nên đã đủ “lương” cho số báo này. Người trình bày phải nhờ một họa sỹ ở một tờ báo khác đến giúp. Khi đó tôi phải ngồi kè kè bên họa sỹ để biên tập, dàn trang và cắt sửa, v.v. Có nhiều hôm làm việc tới nửa đêm mưa rét, nhưng anh em vẫn thấy vui và rồi số báo đó đã ra đời tuy chưa đẹp về hình thức, chưa hay về nội dung, nhưng cũng đã làm cho toàn bộ tòa soạn rất vui và có lẽ người vui nhất là tôi vì tôi nghĩ: Báo Du lịch đã hồi sinh và sẽ tiếp tục phát triển... Rồi công tác phát hành khó khăn vì Báo nghỉ lâu, bạn đọc sa sút, tôi đã đề nghị với Tổng Giám đốc Vietravel giúp. Mặc dù Công ty đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ vẫn quyết định tạo điều kiện để hàng nghìn số báo của chúng tôi lên được đường bay quốc tế. Đây là sự giúp đỡ đầy ân tình và trách nhiệm với Báo.

Ôn cố tri ân - 2

Lễ công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo báo Du lịch (năm 2009)

Lần lượt các số báo ra đời, từng bước được cải tiến nội dung và hình thức. Tuy nhiên cái khó chưa thể hết được với một cơ thể ốm yếu. Cả tòa soạn lúc này có gần 30 người, tập trung hết ở miền Bắc, Văn phòng miền Nam số cũ đã xin nghỉ 100%. Bản thân tôi xác định Văn phòng miền Nam cần phải phát triển mạnh, bởi ở đó có đầy đủ các yếu tố góp phần để tờ báo phát triển. Tôi đưa ý kiến của mình ra Chi bộ và Ban biên tập, các thành viên đều nhất trí với quan điểm của tôi và tin tưởng cử tôi tiếp tục chỉ đạo, kiện toàn Văn phòng miền Nam. Một mặt khác tại tòa soạn cũng cần củng cố lại phòng ban, hoán đổi một số chức danh trưởng phòng để phát huy sở trường. Tôi vào Sài Gòn trong tay không có một đồng, nhân viên không có một người, mọi chi phí đi lại ăn ở tôi đều phải tự lo. Trước những khó khăn tưởng chừng như khó thực hiện được đó, bỗng nhiên có một vài đồng chí của các tờ báo về xin đầu quân. Ban đầu chỉ vài người, thế rồi anh em đã không quản khó khăn gian khổ lần lượt về với báo. Chúng tôi tổ chức đội ngũ ở đây có một người phụ trách và các thành viên làm nội dung, làm phát hành quảng cáo. 
Đội ngũ dần lớn mạnh, đủ sức thực hiện nhiệm vụ, đến nay Văn phòng miền Nam thật sự là đơn vị điển hình của Báo Du lịch. Trở lại Tòa soạn, đội ngũ khá đầy đủ, tuy nhiên sức bật kém đã dần mài mòn tư duy sáng tạo và chủ động nên công việc chỉ dồn vào một số người. Trước sức ì đó, Ban biên tập chúng tôi tuy chỉ có 2 người nhưng thống nhất quan điểm và tiến hành các bước kiện toàn tổ chức. Một số phòng ban được sáp nhập lại tạm thời, vị trí một số trưởng phòng, nhân viên được chuyển đổi… Công việc tưởng như đơn giản này cũng làm chúng tôi khá vất vả một thời gian, tuy nhiên cho đến hôm nay thì chủ quan mà nói, đó là giải pháp tốt để chúng tôi ổn định bộ máy, hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua. Thời gian sau này chúng tôi được Bộ, Tổng cục bổ sung thêm một cán bộ từ Báo Văn Hóa, đó là anh Hoàng Hà về làm Thư ký tòa soạn đã giúp cho báo bước đi vững vàng hơn. Cùng với đó là sự quan tâm của cấp trên giúp Báo Du lịch từng bước ổn định và chủ động hơn trong hoạt động nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ. Và đội ngũ cộng tác viên của cả Nam Bắc lần lượt xuất hiện, góp phần đáng kể để Báo Du lịch hoàn thành nhiệm vụ. Với sự hỗ trợ của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục Du lịch, Báo Du lịch dần ổn định và tiếp tục có nhiều cải tiến về nội dung, hình thức, gắn bó hơn với doanh nghiệp Du lịch và chức năng nhiệm vụ của ngành, của Bộ VHTTDL. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại bùng nổ thông tin, sự sa sút độc giả của báo in, chúng tôi đã mạnh dạn cải tiến giao diện của baodulich.net.vn và cho ra đời giao diện điện tử mới toancanhvietnam.vn, đáp ứng được đòi hỏi của bạn đọc. Hai trang điện tử này mặc dù đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm nhưng đã được nhiều bạn đọc quan tâm và hầu như các báo mạng từ Trung ương, đến địa phương đều có yêu cầu liên kết, sử dụng thông tin của Báo Du lịch… 

Ôn cố tri ân - 3

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường, Tổng biên tập Nguyễn Đại Bàng trao Giấy khen và tặng hoa cho các cộng tác viên có thành tích xuất sắc

  Những kết quả bước đầu ngày hôm nay chúng tôi đạt được ngoài sự nỗ lực của cả tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Du lịch, còn là quan tâm hỗ trợ hiệu quả của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, các Cục, Vụ và của Tổng cục Du lịch. Nhân dịp này tôi muốn bày tỏ tình cảm của mình và sự cảm ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Bộ VHTTDL, nhất là Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Văn phòng Bộ, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các Cục, Vụ, Đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi. Sự quan tâm đó còn là những góp ý, nhiều khi là phê bình của các đồng chí đứng đầu ngành Du lịch như Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường đã thẳng thắn chỉ ra cái chưa được, cái hạn chế cả về nội dung và hình thức của Báo… Chúng tôi tiếp thu những ý kiến đó và từng bước sửa chữa, song càng ngẫm, càng thấy các ý kiến đó là đúng là xác thực. Cảm ơn các doanh nghiệp trong và ngoài ngành Du lịch đã cưu mang, hỗ trợ chúng tôi trong suốt thời gian qua. Tôi còn nhớ như in hình ảnh và lời nói của ông Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngành Du lịch: “Tôi biết Báo Du lịch còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tất cả sẽ qua, đừng sợ, hãy tin vào chính mình…”. Câu nói đó đã tạo niềm tin cho chúng tôi vượt qua những khó khăn trong quá trình quản lý một tờ báo và khi phải giải quyết những tồn tại, những phát sinh được thấu đáo, hợp lý, hợp tình…
Khó khăn từng bước được tháo gỡ, nhưng chưa hết những thách thức đối với Báo Du lịch, chúng tôi cho rằng: một trang mới trong bước phát triển của Báo Du lịch đã mở ra, đang đòi hỏi mọi thành viên của Báo phải từng bước hoàn thiện mình, phát huy nội lực, đoàn kết nhất trí phấn đấu đưa Báo trở thành công cụ đắc lực của ngành Du lịch và người bạn thân thiết của doanh nghiệp Du lịch và du khách. Với bản thân mình, tôi rất vinh dự được làm việc tại Báo Du lịch trong giai đoạn này, giai đoạn có những khó khăn gian khổ, nhưng cũng rất tự hào vì được kỷ niệm 15 năm phát triển của Báo Du lịch với 900 số báo ra đời, là một dấu mốc quan trọng đánh dấu chặng đường đầu của Báo Du lịch Việt Nam.

Nguyễn Đại Bàng

 Tổng Biên tập Báo Du lịch Việt Nam

(Báo Du lịch Việt Nam, số 43+44+45+46, từ 17/10-30/10/2013)

 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT