Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau thời gian sống và làm việc tại Canada, Phạm Minh Tài quyết định "xách vali" về nước, chọn Đà Lạt làm nơi lập nghiệp. Để duy trì căn homestay mộng mơ giữa thành phố mờ sương, Tài không quản ngại bất cứ công việc nào.

Sau một năm sang Canada sinh sống và làm việc, Phạm Minh Tài (1990) quyết định trở lại Việt Nam và chọn Đà Lạt làm nơi lập nghiệp, đi tìm chốn bình yên cho tâm hồn. Anh mang theo giấc mơ xây dựng một ngôi nhà nên thơ bao quanh bởi vườn, đồi, vừa tiếp tục nghề chụp ảnh cưới gắn bó lâu nay vừa kinh doanh homestay.

“Tất nhiên, trải qua nhiều biến cố, mình không còn mộng mơ. Mình chấp nhận đánh đổi nhiều cơ hội nên cũng sớm tính toán trước những khó khăn phải đối mặt. Mình đi tìm cuộc sống an yên chứ không an nhàn, nhàm chán”, Tài chia sẻ.

Lăn lộn tìm nơi thuê đất, ‘bán sức’ để tiết kiệm chi phí

Là một nhiếp ảnh gia chụp ảnh cưới, trước đây, khi còn ở Việt Nam, Tài đã nhiều lần tới Đà Lạt du lịch, trải nghiệm và làm việc. Anh mê mẩn vẻ đẹp và khí hậu nơi đây.  Để chuẩn bị cho việc về Đà Lạt sinh sống, anh đã tính toán và lên kế hoạch rất chi tiết.

Tháng 9/2020, trở về Đà Lạt, Tài bắt đầu hành trình đi thực tế để tìm thuê đất. Tài chia sẻ, anh đã đi nhiều nơi, đến nhiều thành phố du lịch nên nhận thấy, du khách thường thích những địa điểm đẹp, yên tĩnh nhưng không quá xa trung tâm, tiện đi lại. Tài cũng coi đó là tiêu chí để tìm nơi xây dựng homestay.

“Việc tìm mảnh đất như ý không đơn giản. Để không lỡ mất thời gian, mình đã thuê một mảnh đất không quá ưng ý nhưng hợp lý về giá cả, cơ sở vật chết để xây dựng homestay cho thuê dài hạn theo tháng. Trong thời gian đó, mình vừa có khoản thu nhập vừa có thể tiếp tục tìm kiếm”, Tài cho biết.

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 1

Tài trăn trở và dành nhiều thời gian để đi tìm khu đất vừa ý làm homestay

Thời điểm này, do mới về Đà Lạt: không có dụng cụ, đồ nghề, không nhiều kinh nghiệm, Tài phải “cắn răng” thuê thợ cải tạo, xây dựng. Khoản chi phí đội lên rất cao cho giá nhân công, vật liệu ở thành phố du lịch Đà Lạt đắt đỏ. Tài vừa lo công việc tìm đất, chụp ảnh cưới, vừa theo sát quá trình cải tạo, thi công để giám sát chất lượng, đồng thời “học mót” nghề xây dựng.

Đầu năm 2021, sau thời gian dài tìm kiếm và thương lượng, Tài thuê được mảnh đất 3000m2 nằm cách Quảng trường Đà Lạt chưa tới 3km. Ở đây có ngôi nhà gỗ cũ kĩ nằm giữa một vườn hồng 50 gốc lâu năm, có tầm nhìn hướng ra những đồi thông xanh rì, mờ sương khi sáng sớm. 

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 2

Mất nhiều tháng rong ruổi, Tài mới tìm được mảnh đất ưng ý

“Ở đây, nếu bạn nhờ cò để tìm thuê đất bạn sẽ mất phí môi giới lớn và giá cả “trên mây”. Khi vừa về, mình không có mối quan hệ, rất khó tìm được vị trí đẹp nhưng mình cũng không vội vàng”, Tài cho biết.

Anh trực tiếp đi từng khu vực tìm hiểu giá đất, làm quen người bản địa. Nếu tìm được khu đất vừa ý, Tài liên hệ với chủ đất đàm phán, thương lượng. Vốn làm kinh doanh nhiều năm nên Tài có kinh nghiệm riêng với việc đàm phán này.

“Nếu không thể tự đàm phán, thiếu kinh nghiệm thì bạn nên nhờ người thân cận hỗ trợ để có được giá thuê ưu đãi, hợp lý nhất. Mình thuê lâu dài nên việc này rất quan trọng”, Tài cho hay.

Để tiết kiệm chi phí, Tài tiến hành cải tạo lại căn nhà cũ có sẵn. Những phần liên quan tới xây dựng, tu bổ lại căn nhà như gia cố gác mái, hàn sắt, thay mái tôn, đập tường... Tài thuê thợ làm “cuốn chiếu” trong 4 ngày. Quá trình decor, làm nội thất, Tài tự đảm nhiệm.

Rút kinh nghiệm từ căn homestay trước đó, hệ thống đường nước, đường điện, nếu không quá phức tạp, Tài cũng tự mày mò làm chứ không thuê thợ. Tài tính toán, nếu thuê thợ làm toàn bộ thì anh sẽ tốn khoảng 60 triệu - 80 triệu và quan trọng là không đạt mong muốn của anh.

“Những ngày đó, sáng sớm mình lên đồi chụp ảnh cưới cho khách. Chiều và tối thì hoàn thiện homestay, làm đồ trang trí. Mình cũng phải tỉa cảnh, làm cỏ cho vườn hồng nữa”, Tài chia sẻ. Phải mất khoảng 3 tháng, ngôi nhà mới hoàn thiện theo đúng ý của Tài.

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 3

Anh Tài thuê thợ gia cố gác mái, hàn sắt, thay mái tôn, đập tường...

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 4

...còn Tài tự lo sang sửa, trang trí

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 5

Ngôi nhà cũ được "lột xác" thành không gian ấm cũng, lãng mạn, ấn tượng

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 6

Vừa là ông chủ vừa là nhân viên, làm đủ nghề để vượt đại dịch

Ngôi nhà có 5 phòng. Ngoài để ở, Tài có thể đón khoảng 8 - 10 vị khách đến lưu trú. Hầu hết khách của Tài đều là những bạn trẻ yêu thích tự do, mê thiên nhiên, muốn tìm sự yên tĩnh, an yên. Tài tự đón khách, chăm sóc khách, quản lý homestay, quảng cáo homestay trên mạng xã hội, làm vườn…

“Người tính không bằng trời tính, căn homestay vừa hoàn thành thì dịch Covid-19 ập tới khiến du lịch đóng băng. Thật may là mình còn có một số khách thuê dài hạn. Họ là những bạn trẻ không may mắc kẹt lại Đà Lạt”, Tài cho biết.

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 7

Để kiếm thêm thu nhập vượt qua thời kì dịch bệnh khó khăn, Tài làm đủ nghề: bán hàng online, môi giới đất, làm vườn. Chỉ sau một năm, Tài đã thành thạo việc cuốc đất, trồng rau xanh, thao tác làm cỏ, tỉa cành rất chuyên nghiệp. “Mình vừa là chủ vừa là nhân viên thì mới có thể tồn tại”, Tài thực lòng chia sẻ.

Thời điểm cuối tháng 9, tháng 10, Tài thu hoạch hồng - loại đặc sản mùa thu Đà Lạt. Anh đóng hàng rồi vận chuyển bằng chiếc xe máy cà tàng ra bến gửi cho khách. Chủ yếu Tài bán buôn trái hồng cho thương lái Sài Gòn. Anh cũng chọn những cành hồng đẹp để phục vụ trào lưu cắm cành hồng trang trí của khách tứ phương. 

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 8

Tài thu hoạch hồng để bán buôn về Sài Gòn

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 9

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 10

Tài tự chăm sóc, dọn cỏ, thu hoạch hồng, đóng hàng, vận chuyển...

Đối mặt với nhiều tháng du lịch “đóng băng”, không ít homestay của những người trẻ “bỏ phố về Đà Lạt” phải đóng cửa nhưng Phạm Minh Tài vẫn xoay sở để trụ vững và có nguồn thu nhập ổn định.

Du lịch “đóng băng” nhưng Tài vẫn không quên nhiệm vụ giới thiệu hình ảnh homestay của mình tới du khách. Anh chàng rất chịu khó cập nhật hình ảnh nên thơ, lãng mạn của Đà Lạt và căn nhà vườn lên mạng xã hội để giúp du khách “du lịch online”.

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 11

Ngay khi UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản về việc mở cửa du lịch trở lại, Tài nhanh chóng nhận được hàng chục đơn đặt phòng từ du khách. Anh cũng nhận được không ít những hợp đồng chụp ảnh cưới.

“Về Đà Lạt làm homestay hay làm du lịch không dễ dàng và mộng mơ như nhiều người lầm tưởng. Các bạn trẻ phải chấp nhận đối mặt khó khăn, lăn xả để trụ vững trước khi phát triển. Tuy một năm qua, mình trải qua nhiều vất vả, biến động nhưng mình vẫn hạnh phúc với lựa chọn về Đà Lạt. Mình đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều”, Tài tâm sự.

Rời Canada, 9x về Đà Lạt tự tay mở homestay nên thơ giữa vườn đồi - 12

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Trang, Ảnh:NVCC (Vietnamnet)