Khách sạn săn đón sinh viên trong "cơn khát" nhân lực du lịch
Phối hợp với các cơ sở đào tạo để nhận sinh viên đến thực tập, hỗ trợ đón khách... đang là giải pháp của không ít khách sạn hiện nay, trước tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng vì du lịch bùng nổ sau đại dịch Covid-19.
Rất nhiều khách sạn trên cả nước đang thiếu hụt lao động, đặc biệt trong mùa du lịch cao điểm hiện nay. Trên thực tế kể cả trước dịch Covid-19, ngành khách sạn và nhà hàng những năm gần đây cũng đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đủ số lượng và chất lượng cho nhu cầu dịch vụ.
Ông Phan Trọng Minh - Tổng giám đốc khách sạn Azerai La Residence Huế cho biết sự phát triển, tăng thêm về số lượng của các khách sạn và nhà hàng quá nhanh, nhanh hơn so với khả năng đào tạo và cung ứng của các cơ sở đào tạo, đặc biệt đối với các vị trí cần tay nghề cao và các vị trí quản lý trung, cao cấp: "Sau đại dịch Covid-19, tình hình nhân lực cho ngành dịch vụ, khách sạn càng là một vấn đề nổi cộm. Vì vậy, các khách sạn và nhà hàng phần lớn phải thích nghi với việc có chính sách tự đào tạo, tuyển dụng các sinh viên, lao động chưa có kinh nghiệm và có chương trình đào tạo phù hợp cho từng vị trí công việc, đào tạo tại chỗ, đào tạo ngay trong công việc thường nhật".
Thực tập, kiến tập là học phần quan trọng với sinh viên ngành du lịch. Nguồn: Diễm Hằng
Theo ông Gentzsch André – Tổng Giám đốc điều hành quần thể du lịch Ariyana Đà Nẵng, vấn đề thiếu nhân lực ngành du lịch đang diễn ra ở nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Bên cạnh những giải pháp trước mắt là thu hút lao động bằng mức lương hấp dẫn, đơn vị này phối hợp với các trường đại học để "đặt hàng" đào tạo sinh viên, nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nhân lực trong tương lai.
"Chúng ta không thể ngồi im và than thở về chuyện thiếu nhân lực. Bản thân tôi và các đồng nghiệp phải đi khắp nơi, đến các cơ sở đào tạo để trò chuyện và kêu gọi sinh viên, người lao động trở lại với ngành. Với những người mới, chúng tôi hướng dẫn họ từng chút một và giúp họ có năng lực, sự tự tin để gắn bó với nghề" – ông Gentzsch André nói.
Ông Gentzsch André cho biết về lâu dài, ngành khách sạn Việt Nam nên có các mô hình "vừa học vừa làm", tức là mỗi tuần sinh viên đều có ngày làm việc được hưởng lương, bên cạnh các buổi học trên trường. Phương pháp này không chỉ giúp người học gắn kết lý thuyết với thực tiễn và có thu nhập ngay, mà còn khiến khách sạn trở thành ngành nghề hấp dẫn người lao động.
"Nhiều người trẻ không thích ngành khách sạn vì phải thực tập 1-2 năm không hưởng lương, thời gian làm việc dài và nhiều áp lực trong khi thù lao không tương xứng. Thật khó để thuyết phục một lao động trẻ bỏ ra 1-2 năm với mức lương thấp, trong khi bạn bè họ nhận lương tốt hơn với công việc khác. Điều này cần phải thay đổi, nếu không sẽ rất khó thu hút lao động cho ngành khách sạn. Nhiều quốc gia khác đã phải tuyển dụng lao động nước ngoài cho ngành khách sạn, tuy nhiên tôi hi vọng rằng Việt Nam với nguồn lao động dồi dào có thể tự khắc phục vấn đề này".
Doanh nghiệp và nhà trường ký hợp tác đào tạo nhân lực du lịch.
Hiện nay dù mới chủ yếu phục vụ khách nội địa nhưng nhiều điểm đến đã gặp khó khăn vì thiếu nhân lực. Vì vậy, các chuyên gia dự báo việc tuyển dụng lao động du lịch sẽ còn nhiều khó khăn, khi khách quốc tế dần quay lại Việt Nam từ quý IV năm nay. Để có sự chuẩn bị tốt, hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng như Venus Tam Đảo, Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Furama Resort Đà Nẵng, chuỗi khách sạn Mandala… đang phối hợp với các cơ sở đào tạo để giải bài toán thiếu hụt lao động, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điểm đáng chú ý trong cơ chế hợp tác này là các doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn; đồng thời cam kết tiếp nhận kiến tập, thực tập và ưu tiên tuyển dụng sinh viên của cơ sở đào tạo.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang "khát" lao động, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, NGND. PGS. TS Tô Ngọc Hưng - Hiệu trưởng trường Đại học Hòa Bình cho rằng sự kết nối chặt chẽ của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là hết sức cần thiết. Thông qua sự "đặt hàng" của doanh nghiệp du lịch, nhà trường đào tạo sinh viên gắn với nhu cầu xã hội, để người học yêu thích, gắn bó với nghề nghiệp từ trong quá trình đào tạo cho đến khi làm việc thực tế.
Chàng trai Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1986) quyết định sắp xếp công việc, thực hiện chuyến đi 10 ngày dọc TP.HCM - Đà Nẵng....