Dalat Palace Heritage Hotel: Di sản nghỉ dưỡng trên cao nguyên

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Là một trong những khách sạn đầu tiên tại Đà Lạt, Dalat Palace Heritage Hotel không chỉ là nơi dừng chân cho du khách, mà còn là một di sản

Đi đâu để trốn cái nóng tháng Tư? Chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến Đà Lạt. Chẳng vì thế mà trên mạng xã hội, người ta còn có hẳn một group với tên gọi khá đáng yêu: Ghiền Đà Lạt. Với nhiều người, cảm giác “ghiền” ấy chỉ đơn giản là… đi hoài không chán. Hoặc, lâu không đi, ta lại thấy nhớ Đà Lạt. 

Dalat Palace Heritage Hotel: Di sản nghỉ dưỡng trên cao nguyên - 1

Cách TP. HCM khoảng 320km về phía Đông Bắc, với gần 6 giờ lái xe, Đà Lạt là điểm dừng chân yêu thích của nhiều người dân thành phố. Cuối tuần, bạn có thể lái xe lên cao nguyên đổi gió, tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành mà vẫn về kịp thành phố cho tuần làm việc mới. 

Trong lần đến Đà Lạt mới đây, Harper’s Bazaar đã ở tại Dalat Palace Heritage Hotel – một địa điểm tuy mới mà cũ với những ai yêu Đà Lạt và thèm tận hưởng không gian nghỉ dưỡng đậm tính di sản.

Quá khứ vàng son của Dalat Palace Heritage Hotel

Năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin quyết định phân tích điều kiện khí hậu và địa chất của khu vực cao nguyên Lâm Viên. Ông phác thảo dự án phát triển cho vùng cao nguyên. Bốn năm sau, toàn quyền Đông Dương chỉ thị phải xây dựng một viện điều dưỡng tại Đà Lạt. 

Từ năm 1905, quyết định cuối cùng được ban hành để phát triển một khu nghỉ dưỡng hay “Sanatorium” như người Pháp thường gọi. Từ đó, một khách sạn với tất cả các tiện nghi hiện đại lúc bấy giờ được xây dựng, nhìn xuống hồ Xuân Hương. Khách sạn được gọi là Hotel Du Langbian (hay Langbian Palace Hotel). Tên gọi này được đặt theo tên đỉnh núi cao nhất Lâm Đồng. 

Dalat Palace Heritage Hotel: Di sản nghỉ dưỡng trên cao nguyên - 2

Khách sạn với chiếc xe cổ đặt ở phía trước.

Bản thiết kế đã sẵn sàng năm 1913. Tuy nhiên do chiến tranh Thế giới lần I và con đường dẫn đến Lâm Đồng vẫn chưa hoàn thành; việc xây dựng chỉ bắt đầu vào năm 1916. Mất 6 năm để hoàn thành khách sạn với 30 phòng. Langbian Palace Hotel khánh thành năm 1922. 

Lúc này, trường phái thiết kế Victoria thời kỳ trước chiến tranh của Langbian Palace Hotel đã gần như lỗi thời. Phong cách Art Deco lên ngôi. Năm 1941, khách sạn Palace được tân trang lại hoàn toàn theo phong cách Art Deco và xây dựng thêm một số phòng.

Khi mới khánh thành, Dalat Palace Heritage Hotel là dinh thự lớn nhất Tây Nguyên, với khuôn viên rộng hơn 40 nghìn mét vuông, có các vườn hoa, thảm cỏ và rừng thông

Là một trong những khách sạn đầu tiên của Đà Lạt và cao nguyên Lâm Viên; khách sạn đã đón tiếp nhiều tên tuổi nổi tiếng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở tại phòng Suite 101; từ tháng Tư đến tháng Năm năm 1946. Những vị khách nổi tiếng của khách sạn còn có cả Thủ Tướng Phạm Văn Đồng; diễn viên Robert de Niro; Nữ hoàng Margrethe II, và Hoàng tử Hendrik của Đan Mạch.

Nhiều năm trôi qua, Dalat Palace Hotel thay đổi chủ nhiều lần cho đến chiến tranh Thế giới lần II. Từ tháng Ba đến tháng Sáu năm 1945, khách sạn đóng cửa do quân đội Nhật chiếm đóng. Lúc này, đây là nơi cư ngụ dành riêng cho Sĩ quan chỉ huy của quân đội Nhật tại Việt Nam.

Sau chiến tranh, khách sạn trả lại cho chính quyền Pháp. Đến năm 1958, quyền quản lý khách sạn được trao cho  chính quyền miền Nam Việt Nam với tên mới: Dalat Palace Hotel. 

Dalat Palace Heritage Hotel: Di sản nghỉ dưỡng trên cao nguyên - 3

Hoa anh đào nở rộ khi vào mùa.

Sau ngày giải phóng năm 1975, khách sạn do Công ty Du lịch Lâm Đồng quản lý. Khách sạn Dalat Palace Hotel mở cửa trở lại vào tháng Năm năm 1995; dưới tên Hotel Sofitel Dalat Palace do tập đoàn Accor quản lý. Việc trùng tu vẫn giữ lại phong cách thuộc địa ban đầu của những năm 1920, hòa quyện giữa phong cách Pháp cổ và truyền thống hiếu khách của người Việt. 

Kể từ năm 2014, Dalat Palace Hotel đổi tên thành Dalat Palace Heritage Hotel, do tập đoàn Hoàn Cầu sở hữu và quản lý. Hiện nay, Dalat Palace Heritage Hotel có 73 phòng, với 43 phòng từ thiết kế nguyên bản và 30 phòng từ khu tôn tạo mới. 

Không gian di sản của Dalat Palace Heritage HotelNhững câu chuyện lịch sử đã bồi đắp thêm giá trị di sản của khách sạn Dalat Palace Heritage Hotel. Nơi đây, âm hưởng của quá khứ luôn hiện hữu trong từng phút giây của hiện tại. Dalat Palace Heritage Hotel luôn ẩn chứa, tản mát nhiều giai thoại, câu chuyện lịch sử. Khách sạn hiện trưng bày hơn 2.000 tác phẩm nghệ thuật và công trình điêu khắc.

Vẻ cổ kính, các vết tích lịch sử phủ khắp không gian, làm nên ấn tượng đặc biệt. Nằm trên đường Trần Phú, với mặt sau nhìn về hướng hồ Xuân Hương; nhưng không gian của Dalat Palace Heriatge Hotel lại rất yên tĩnh. Ngày nay, khách sạn được trang trí theo phong cách thuộc địa Pháp. Các phòng Deluxe và Suite có trang trí lò sưởi. 

Nơi bình yên chim hót

Tôi từng đùa với bạn bè rằng: Đến Dalat Palace Heritage Hotel, bạn chẳng cần đi đâu cả. Đây là địa điểm tuyệt vời nếu bạn đang có nhu cầu nghỉ dưỡng. Khuôn viên khách sạn rộng 40.000m2, với nhiều hoa thơm cỏ lạ. Bạn chỉ cần nhẩn nha đi dạo trong khuôn viên cũng đã hết ngày. 

Dalat Palace Heritage Hotel: Di sản nghỉ dưỡng trên cao nguyên - 4

Nếu yêu thích tìm hiểu lịch sử, bạn có thể dừng chân tại thư viện Rose Library. Đây không chỉ là nơi đọc sách mà còn đưa bạn bước lên một “chuyến xe thời gian” về miền quá khứ. Thư viện trưng bày nhiều ảnh tư liệu quý giá của khách sạn Dalat Palace Heritage Hotel những ngày đầu xây dựng. Hoặc, bạn có thể xem phần trình chiếu về lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt và Dalat Palace Heritage Hotel.

Nhà hàng Le Rabelais, mở cửa từ 6h00 đến 22h00. Nơi đây chuyên phục vụ món Pháp, được du khách yêu thích. Giữa thời tiết Đà Lạt se lạnh, còn gì tuyệt vời hơn khi ta quây quần cùng gia đình, bạn bè trong không gian ấm cúng, thưởng rượu và các món ăn? Bạn cũng có thể chọn ngồi tại quầy bar, tận hưởng không gian yên ả của khách sạn; lắng nghe âm thanh du dương của tiếng đàn dương cầm bên lò sưởi ấm cúng.

Ngoài ra, khách sạn còn có khu vực spa, phòng tập thể dục và quầy bán hàng lưu niệm.  

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Quỳnh Hương (Tạp chí Bazaar VietNam)