Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tháng của du xuân trẩy hội. Tết đến, xuân về ở Bắc Bộ diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống, các phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ - mùng 4 Tết

Đến hẹn lại lên, từ mùng 4 đến hết mùng 7 Tết, Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh) lại tề tựu đông đảo người dân tham dự. Dù ai ngược xuôi bốn phương, đến ngày này vẫn không quên nơi “chôn nhau cắt rốn” với lễ hội mang nét văn hoá riêng của vùng Bắc Ninh.

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 1

Lễ hội rước pháo gắn liền với sự tích đức thánh Thiên Cương ngày xuất quân đánh giặc. Sau này, dân làng Đồng Kỵ ngoài phong Thiên Cương làm thành hoàng, hàng năm còn mở hội thi đốt pháo tái hiện bầu không khí hào hùng năm xưa.

Lễ hội đốt pháo thường có 2 phần lễ chính: Lễ rước pháo và rước ông Đám với nhiều nghi thức truyền thống. Người làng sẽ làm ra hai quả pháo tượng trưng bằng gỗ, dài hơn 6m, được sơn son thếp vàng để làm lễ rước. Mỗi quả pháo sẽ được hàng chục trai tráng khoẻ mạnh trong làng rước từ nhà trưởng đám tới đình làng.

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 2

Phần hấp dẫn nhất của lễ hội là đốt pháo. Tuy nhiên, pháo lớn dễ gây nguy hiểm nên sau lệnh cấm đốt pháo năm 1994, người làng Đồng Kỵ dùng pháo giả tượng trưng. Sau mỗi hồi trống, hoà theo tiếng người bắt nhịp với câu khẩu hiệu “Cho quan Đám một tràng pháo tay đi nào” sẽ là tiếng reo hò, vỗ tay giòn giã mừng pháo Nhất, pháo Nhì.

Lễ hội rộn ràng và đầy màu sắc mang đến bầu không khí náo nức cho những ngày xuân. Ngoài phần lễ, rước, đốt pháo, hội làng Đồng Kỵ còn có nhiều hoạt động dân gian như trò bịt mắt bắt dê, cờ tướng, chọi gà, đua thuyền, đấu vật, xem các vở diễn tuồng, hát quan họ ngay trong sân đình… Với ý nghĩa tôn vinh các giá trị tín ngưỡng tâm linh, mang đậm nét văn hoá đặc sắc vùng miền, lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội gò Đống Đa – mùng 5 Tết

Lễ gò Đống Đa (phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) diễn ra vào ngày mùng 5 Tết hay còn gọi là lễ hội chiến thắng. Lễ hội tưởng nhớ tới công lao lẫy lừng của vua Quang Trung.

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 3

Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày Quốc lễ. Vào ngày này, từ sáng sớm tinh mơ, cửa đình làng Khương Thượng đã mở rộng, khói hương lan toả khắp vùng.

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 4

Trong ngày hội, ngoài những trò chơi vui khoẻ mang đậm tinh thần thượng võ thì trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Khoảng tầm 12h trưa, từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa sẽ diễn ra lễ rước thần. Đi sau cùng đám rước là hình tượng Rồng Lửa, thanh niên trai tráng sẽ vây xung quanh và biểu diễn côn quyền tái hiện khí thế chiến trận năm xưa.

Lễ Tịch điền - Mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng

Theo sử sách ghi lại, lễ Tịch điền đầu tiên ở nước ta có từ thời vua Lê Đại Hành. Vua làm lễ Tịch điền, cày ruộng khuyến khích dân chúng tham gia sản xuất. Trải qua nhiều biến động lịch sử, sau nhiều năm thất truyền, đến năm 2009 lễ Tịch điền được khôi phục lại tại Đọi Sơn (Hà Nam).

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 5

Dịp đầu năm mới, lễ hội Tịch điền được tổ chức không chỉ mang ý nghĩa nhắc thế thế hệ sau nhớ về nguồn cội, mà còn mang theo ước vọng muôn dân, cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Để tái hiện lại lễ Tịch điền xưa, người ta sẽ chọn một lão nông có kinh nghiệm cày ruộng, sức khoẻ tốt trong làng mặc long bào, đeo mặt nạ giả Vua đi cày.

Ngoài các nghi lễ truyền thống, hoạt động đặc sắc được nhắc nhiều trong lễ Tịch điền đó là hội thi vẽ trang trí trâu. Người dân sẽ vẽ lên mình những “ông trâu” hiền, khoẻ, dáng đẹp với các màu sắc độc đáo, hình ảnh ấn tượng. “Ông trâu” nào thắng trong cuộc thi vẽ sẽ được đóng cày xuống ruộng vào ngày mùng 7 của lễ Tịch điền.

Trẩy hội chùa Hương – Mùng 6 Tết tới hết tháng 3 âm lịch

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 6

Mỗi độ Xuân về, đúng mùng 6 Tết, du khách thập phương lại nô nức dập dìu trẩy hội chùa Hương. Trong không khí vui tươi của thiên nhiên đất trời, hàng nghìn chiếc thuyền chở du khách vãn cảnh trên dòng suối Yến tạo nên khung cảnh hữu tình.

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 7

Những màn múa linh vật đặc sắc và tâm linh trong ngày khai hội chùa Hương mang đến không gian, nét đẹp tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc. Hành trình về một miền đất Phật, du khách có cơ hội được tham quan, chiêm bái nhiều hang động, núi non sông nước hiền hoà, cầu năm mới bình an và may mắn.

Lễ hội Yên Tử - mùng 10 đến hết tháng 3 âm lịch

Núi non Yên Tử (Quảng Ninh) không chỉ nổi tiếng với nhiều cảnh quan kỳ vĩ, mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là trung tâm Phật giáo Việt Nam. Sử sách ghi rằng, gần 1.000 năm trước, Yên Tử được coi là Phúc địa thứ 4 của Giao Châu, được liệt vào hàng “danh sơn”.

Lễ hội xuân Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch thu hút hàng ngàn, hàng vạn du khách. Hành trình đến với ngôi chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử được ví như cuộc thử thách đức tin, tính kiên nhẫn, minh chứng cho lòng thành kính với cõi Phật: “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu” (Ca dao).

Lễ hội Khai ấn đền Trần - Đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng

Đền Trần toạ lạc tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng (TP.Nam Định), nơi thờ các vị vua đời Trần. Hàng năm, đúng giờ Tý ngày rằm tháng Giêng sẽ diễn ra lễ Khai ấn.

Vi vu khám phá 6 lễ hội mùa xuân đặc sắc ở Bắc Bộ - 8

Tương truyền, các vua Trần nghỉ Tết âm lịch đến rằm tháng Giêng sẽ Khai ấn trở lại quốc sự, đồng thời qua các lễ tế thể hiện lòng thành kính, biết ơn Tiên tổ, cầu mong quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Trong dân gian cũng ngụ ý những ngày Tết “ăn chơi” đã vãn và chính thức bắt tay vào công việc trong năm mới.

Trải qua bao cuộc bể dâu, ấn cũ đã không còn. Tuy nhiên, năm 1822, vua Minh Mạng đã cho khắc lại ấn mới “Trần triều tự điển” và thêm câu “Tích phúc vô cương”, nhắc lại tín ngưỡng văn hoá tốt đẹp cần được lưu truyền. Ngày nay, vào mỗi dịp Khai ấn đền Trần ở Nam Định thu hút hàng nghìn du khách thập phương về dự lễ với ước vọng năm mới cầu cho bản thân và gia đình bình an, gặp nhiều may mắn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

M.Vy (Ảnh: Tổng hợp)

CLIP HOT

Sóc Trăng vào ngày hội lớn
Sóc Trăng vào ngày hội lớn

Nhiều hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất đã và đang diễn ra đến hết ngày 15/11.